Bảo hiểm du lịch: Không thể coi nhẹ

0
15
Bao hiem du lich: Khong the coi nhe hinh anh 1

Đa phần du khách Việt Nam không có thói quen bỏ tiền để mua bảo hiểm du lịch, kể cả khi đến những địa điểm không an toàn.

Không mua vì không quan tâm

Bảo hiểm du lịch được cho là tấm vé thông hành để du khách có thể tận hưởng một chuyến đi thoải mái và an toàn. Luật Du lịch năm 2005 đã quy định rõ trách nhiệm của công ty lữ hành quốc tế phải mua bảo hiểm cho khách hàng trong thời gian thực hiện chuyến du lịch. Còn đối với tour du lịch nội địa, điều này không bắt buộc trừ khi khách có yêu cầu. Bởi vậy, du khách gần như không quan tâm đến việc mua bảo hiểm do tâm lý ngại tốn kém, hoặc không cần thiết vì chuyến đi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. 

Bao hiem du lich: Khong the coi nhe hinh anh 1
 

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều công ty cung cấp bảo hiểm du lịch, với nhiều mức khác nhau. Hiện mức bảo hiểm du lịch thấp nhất cho khách du lịch nội địa chỉ là 1.500 đồng/người/ngày, mức phí tối đa du khách có thể được đền bù khi xảy ra tai nạn là 10 triệu đồng.

Trong đó người đăng ký bảo hiểm được hưởng quyền lợi khi xảy ra những trường hợp không mong muốn như tử vong, thương tật do tai nạn hoặc gặp bệnh tật bất ngờ trên đường đi… Bên cạnh đó, người đi du lịch hoàn toàn có thể mua bảo hiểm với các mức cao hơn từ 3.000 – 4.500 đồng/người/ngày. Tuy nhiên trên thực tế, du khách thường không yêu cầu mua bảo hiểm hoặc tự mua bảo hiểm, kể cả thực hiện những hành trình mang tính chất mạo hiểm.

Chị Trần Hải Yến, cán bộ Công ty Bảo Việt – chi nhánh Ba Đình cho hay: “Khách du lịch nội địa ít khi mua bảo hiểm. Những khách hàng có nhu cầu bảo hiểm thường là những người cao tuổi (trên 70 tuổi) đi theo tour. Còn đối với những tour quốc tế, ngay khi xin visa, các đại sứ quán đã yêu cầu mua bảo hiểm, nên trường hợp mua lẻ cũng rất ít”. Mặt khác, nhiều người cho rằng, bảo hiểm trong nước chỉ bảo vệ tính mạng chứ không chịu trách nhiệm về hành lý, tư trang… nên không mấy ai mặn mà với “tấm vé an toàn” này. 

Bao hiem du lich: Khong the coi nhe hinh anh 2

Bảo hiểm du lịch là “tấm vé an toàn” cho du khách

.

Lơ mơ quyền lợi

Như đã nói ở trên, một số quốc gia quy định trong thủ tục xin visa bắt buộc du khách phải mua bảo hiểm. Nhiều khách du lịch đi theo tour thường phó thác hoàn toàn việc này cho công ty du lịch nên không nắm được mình phải chi trả bao nhiêu tiền, hạng mục bảo hiểm là gì và nếu có sự cố sẽ nhận được mức bảo hiểm là bao nhiêu…

Chẳng hạn đối với một số hãng bảo hiểm, khi xảy ra trường hợp khủng bố hoặc mất an ninh nghiêm trọng tại điểm đến, du khách có thể được hoàn tiền hoặc đổi lịch bay nếu có yêu cầu. Thực tế cho thấy, nhiều hãng hàng không hoặc đơn vị tổ chức tour không đưa những vụ việc tấn công hay bạo động vào danh mục hỗ trợ hoàn phí nên khách du lịch thường mất nhiều chi phí để hủy chuyến hoặc đổi lịch bay.

Một số công ty du lịch khi đưa ra chương trình tour cho khách lại thiếu minh bạch trong việc cung cấp những thông tin xung quanh gói bảo hiểm, từ chối tiết lộ đơn vị đứng ra bảo hiểm, mức bảo hiểm tối đa hay những quyền lợi mà du khách được hưởng. Không ít trường hợp nhập nhèm, lợi dụng quảng cáo “tặng bảo hiểm miễn phí cho du khách không kèm trong giá tour”, nhưng khi khách hàng xảy ra sự cố thì đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm.

Điều cần thiết nhất đối với mỗi khách hàng là phải tìm những công ty bảo hiểm uy tín, xác minh các quyền lợi bảo hiểm, làm rõ các thủ tục được đền bù để đảm bảo một chuyến đi an toàn. Chị Phạm Ngọc Linh, một thành viên của diễn đàn Phượt chia sẻ: “Khi mua tour, mỗi người nên tìm hiểu chi tiết về cách sử dụng bảo hiểm du lịch, đặt ra giả thuyết: Nếu xảy ra trường hợp này thì công ty bảo hiểm sẽ xử lý như thế nào?

Trách nhiệm của công ty du lịch đến đâu? Điều này ít khi được tư vấn trong một chương trình tour. Phải xác định mua bảo hiểm là mua vì bạn, chứ không phải vì bắt buộc. Và hơn cả, đừng mua theo kiểu cho có mà không hiểu mình phải bỏ tiền ra vì mục đích gì”.

Nguồn: News.zing.vn