Kinh tế Quảng Ninh giờ không còn phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, mà phát triển bền vững với công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ chất lượng cao và du lịch.
Kinh tế Quảng Ninh giờ không còn phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, mà phát triển bền vững với công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ chất lượng cao và du lịch.
Trong cuốn “Xứ Đông Dương” của Paul Doumer, người từng làm Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902, có đoạn kể khá chi tiết về việc tại sao người Pháp lại chọn Hải Phòng để đặt cảng biển, chứ không phải Quảng Ninh.
Vị Toàn quyền Đông Dương lý giải Quảng Ninh dù là vùng nước sâu nhưng nếu xây dựng cảng biển thì phải đầu tư rất nhiều cho hạ tầng giao thông, kết nối với Hà Nội và các tỉnh khác. Hải Phòng tuy không quá lợi thế như Quảng Ninh nhưng lại được chọn bởi địa thế ít bị chia cắt hơn. Những gì Paul Doumer ấn tượng về Quảng Ninh là vịnh Hạ Long và trữ lượng than khổng lồ.
Hơn 100 năm sau, vào những năm 2000, giao thông đến Quảng Ninh vẫn bị chia cắt bởi các con sông, bãi lầy, cửa biển. Các tuyến đường di chuyển đến các tỉnh khác đều phải qua phà. Kinh tế Quảng Ninh vẫn được nói là chỉ màu “nâu”, nghĩa là phát triển chủ yếu phụ thuộc vào khai khoáng.
Bước ngoặt đến với Quảng Ninh sau năm 2010, khi lãnh đạo tỉnh quyết tâm thay đổi định hướng phát triển kinh tế. Đến nay, chỉ sau vài năm, Quảng Ninh đã có những bước chuyển biến đột phá, nền kinh tế đã chuyển từ “nâu” sang “xanh” đầy ngoạn mục.
Năm 2010, công nghiệp – xây dựng chiếm gần 52% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh vùng Đông Bắc. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 22.000 tỷ đồng, trong đó thu từ than và đá chiếm tới 64% thu nội địa. Thu từ du lịch khi đó chỉ chiếm 2,6%, chủ yếu từ thu phí vịnh Hạ Long. Sản xuất than khiến Quảng Ninh đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nặng nề, có thể ảnh hưởng tới phát triển bền vững.
Quảng Ninh còn bị đánh giá là tỉnh có hạ tầng yếu, phụ thuộc vào Quốc lộ 18 vốn chỉ có hai làn ôtô, chật kín xe cộ. Ông Vũ Văn Khánh, nguyên là Giám đốc sở Giao thông Quảng Ninh, hiện là Trưởng ban quản lý dự án giao thông tỉnh kể lại: “Ngày đó, chúng tôi muốn di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long mất khoảng 4-5 tiếng, muốn đến cửa khẩu Móng Cái mất thêm khoảng 3-4 tiếng nữa. Trong khi đó, để di chuyển từ Quảng Ninh đi các tỉnh phía nam như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình… đều phải qua nhiều lần phà. Đi từ Đông Triều lên Móng Cái, tức là từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, thì cũng bằng thời gian đi từ Hà Nội vào đến Nghệ An”.
Nút thắt hạ tầng giao thông khiến nhiều ngành kinh tế của Quảng Ninh không thể phát triển. Cái khó về giao thông “bó” tiềm năng du lịch, dịch vụ suốt hàng chục năm chưa có lời giải căn cơ.
Giai đoạn 2011-2013, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Quảng Ninh sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều người kinh ngạc. Từng được ví như thủ phủ công nghiệp khai khoáng của cả nước, đóng góp vào ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng tốc độ phát triển công nghiệp chậm lại khiến lãnh đạo tỉnh lo lắng.
Năm 2012-2013, tốc độ sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,2-4,7%, trong khi giai đoạn trước thường trên dưới 10%. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng dưới tiềm năng của một vùng sản xuất công nghiệp lớn khi đó.
Công nghiệp khai khoáng của Quảng Ninh đã dần đến mức tới hạn. Các mỏ than lộ thiên giảm trữ lượng do đã khai thác hàng thế kỉ, muốn tăng sản lượng phải đầu tư khai thác hầm lò tốn kém. Bởi vậy, nếu mãi dựa vào kinh tế “nâu”, Quảng Ninh có khả năng bị tụt hậu. Do đó, sự thay đổi hướng đi là bài toán bức thiết.
Ngồi trên chiếc xe Hyundai chạy êm ru với tốc độ 120 km/giờ trên cao tốc Hà Nội – Quảng Ninh, ông Lê Ngọc Đức, TGĐ tập đoàn Thành Công càng thêm tự tin vào quyết định đầu tư tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công – Việt Hưng tại Hạ Long. Khu công nghiệp hơn 300 ha của Thành Công nằm ngay bên vịnh Cửa Lục, thuận tiện cả đường biển, đường bộ. Từ đây, nhà máy của tập đoàn nhập linh kiện hay xuất hàng qua cảng Cái Lân cực kỳ tiện lợi. Việc tiếp cận với thị trường Hà Nội cũng chỉ mất gần 2 giờ chạy xe.
Ngoài vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, Quảng Ninh còn gây ấn tượng với tập đoàn Thành Công bởi tinh thần cởi mở của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp của cả hệ thống hành chính. “Chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách quyết liệt và bền vững của Quảng Ninh. Tỉnh đã tạo được niềm tin và sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trở thành một địa phương thu hút mạnh mẽ nhiều tập đoàn tư nhân và dự án lớn cả trong và ngoài nước”, ông Lê Ngọc Đức nhấn mạnh.
Tập đoàn Thành Công là một trong số hàng chục doanh nghiệp lớn đang đổ hàng trăm triệu USD vào Quảng Ninh. Cách Hạ Long hơn 40 km, thị xã Quảng Yên đang xây dựng tới 4 khu công nghiệp mới sau khi khu công nghiệp Đông Mai đã sắp lấp đầy, để biến nơi này sớm trở thành một trung tâm công nghiệp lớn ở miền Bắc.
Bí quyết để địa phương này thu hút đầu tư mạnh mẽ, ngoài vị trí địa lý, chính là yếu tố con người.
Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký (SN 1972) là con người hành động, ông và các cộng sự sẵn sàng đối thoại với nhà đầu tư để giải quyết những vướng mắc. Ông coi cải thiện môi trường đầu tư là một yêu cầu cấp thiết. Theo ông Ký, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính bằng những mô hình như Ban hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư (IPA), Trung tâm phục vụ hành chính công, chính quyền điện tử cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4.
“Đây là những giải pháp đột phá để tạo nên nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiện đại, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp được đo đếm qua những chỉ số như chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR Index (cải cách hành chính), SIPAS (sự hài lòng của người dân) và PAPI (hiệu quả nền quản trị và hành chính công cấp tỉnh). Quảng Ninh đã có cả 4 chỉ số, trong đó 3 chỉ số đều đứng nhất, riêng PAPI trước đây xếp thứ 62/63 thì đến 2019 đã vươn lên đứng thứ 3”, ông Ký cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, những trái ngọt ngày hôm nay có được là nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân Quảng Ninh trong suốt 35 năm đổi mới, đặc biệt là nhờ tư duy đột phá của các thế hệ lãnh đạo tỉnh gần chục năm trở lại đây, giúp tỉnh tháo gỡ cơ chế bất cập, tạo nền tảng cho tăng trưởng.
Từ năm 2012, Ban thường vụ tỉnh uỷ Quảng Ninh đã đưa ra định hướng phát triển dựa trên triết lý: Chuyển đổi từ nâu sang xanh theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên – Con người – Văn hoá, kết hợp với xu thế hoà bình, hợp tác và hội nhập.
Cũng năm đó, Quảng Ninh tiên phong thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chiến lược. Các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới về lập quy hoạch được chọn như McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản).
Mục tiêu của quy hoạch là giải quyết được các mâu thuẫn, thách thức của tỉnh, tạo bước đột phá, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại, trọng tâm phát triển du lịch quốc tế, trở thành một trong những trung tâm kinh tế của miền Bắc và của cả nước. Tích cực đổi mới phương thức phát triển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’, trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Sau khi đã có quy hoạch, Quảng Ninh bắt tay vào việc đầu tiên là tháo gỡ những nút thắt về cơ chế chính sách, đề xuất những cơ chế phù hợp thực tiễn và không trái với quy định pháp luật để phát triển tiềm năng thế mạnh, mở rộng không gian phát triển của Quảng Ninh.
Hơn ai hết, lãnh đạo tỉnh xác định hạ tầng phải đi trước một bước.
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách, ứng vốn cho trung ương, đầu tư theo phương thức đối tác công tư để cải tạo, nâng cấp, xây dựng quốc lộ, cũng là tỉnh đầu tiên được trung ương giao làm chủ đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc.
Chỉ trong trong 3 năm (2015-2018), hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm trên 75%. Những tuyến đường động lực được xây dựng như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn… Tỉnh đang hướng tới có 200 km đường cao tốc, chiếm 1/10 cả nước.
Hạ tầng đi trước giúp Quảng Ninh thu hút được số vốn đầu tư đáng kinh ngạc. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh này thu hút gần 345.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt 300.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lớn đã có dự án tại Quảng Ninh như Foxconn, Amata, Vingroup, Sungroup…
Song song đó, để huy động nguồn lực, Quảng Ninh quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã rà soát cắt giảm 201 thủ tục hành chính ở 3 cấp so với Đề án 30 của Chính phủ. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp giảm được 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của trung ương.
Tỉnh vùng Đông Bắc này cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thành lập trung tâm hành chính công của tỉnh, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi cần xử lý các thủ tục hành chính. Các cơ quan sở ngành đưa về một mối cũng tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Uông Bí là một vựa than của cả nước với loại than thuộc loại tốt nhất thế giới. Trên mỏ than đó là 3.000 ha rừng với danh thắng Yên Tử. Hơn 20 năm trước người ta chỉ biết đến Uông Bí có “vàng đen” là than, thì nay ở vùng đất này có mỏ “vàng trắng” là tiềm năng du lịch.
Uông Bí trở thành nơi mà lãnh đạo Quảng Ninh thúc đẩy các giải pháp để xử lý mâu thuẫn kéo dài hàng chục năm, giữa khai thác than (hay phát triển công nghiệp nặng nói chung) và phát triển du lịch trên cùng một địa bàn.
Ông Lê Trọng Thanh đã gắn bó với công ty Tùng Lâm hơn 20 năm, giờ ông là phó tổng giám đốc. Những năm 2000, công ty Tùng Lâm dồn toàn bộ số vốn để làm cáp treo Yên Tử, một trong những cáp treo đầu tiên ở Việt Nam với niềm tin vào một ngày du lịch sẽ phát triển. Gần 2 thập kỷ sau, những người chủ của doanh nghiệp này lại đi khắp nơi tìm kiến trúc sư nổi tiếng thế giới để thiết kế một công trình để đời, khu tĩnh dưỡng 5 sao Legacy ở dưới chân non thiêng Yên Tử. “Chúng tôi làm việc với 9 nhà thiết kế nổi tiếng cả trong và ngoài nước, cả Italy, Nhật Bản, Mỹ… tiền đã bỏ ra hàng triệu USD nhưng chưa có được bản vẽ nào ưng ý. Đến khi tìm được Bill Bensley, chúng tôi mới quyết định xây dựng Legacy Yên Tử”, ông chia sẻ.
Chỉ vào những bức tường được dát bằng trấu, vật liệu thân thuộc của nền văn minh lúa nước, ông Thanh không giấu được niềm tự hào về công trình trị giá 2.000 tỷ hết sức hài hoà với thiên nhiên, đậm chất Thiền trong văn hoá Việt. Ông Thanh cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu vừa động viên chúng tôi, đã làm là phải nghĩ lớn, phải làm công trình để lại một di sản cho cả trăm năm sau. Chúng tôi cũng chia sẻ tầm nhìn như vậy. Ở đây, cả địa phương và doanh nghiệp đều rất quan tâm đến phát triển bền vững, phải làm những gì tạo nên dấu ấn của người Việt”.
Với hơn 130 phòng nghỉ, dù hầu như không có khách nước ngoài vì dịch Covid-19 nhưng Legacy luôn có tỷ lệ lấp đầy lý tưởng, kể cả trong mùa đông.
Đối diện với khu tĩnh dưỡng 5 sao là Làng Nương Yên Tử, với hàng trăm hàng quán bán đặc sản địa phương, có cả phòng lưu trú giá bình dân cho người đi lễ. Hàng trăm tiểu thương là người Uông Bí cũng có thêm sinh kế khi thuê quầy bán hàng cho người đi lễ. Sản vật địa phương vì thế cũng tìm được đầu ra.
Những công trình đẳng cấp như Legacy Yên Tử, khu giải trí Sun World, bảo tàng Quảng Ninh… đang giúp tỉnh vốn phụ thuộc vào than nay đa dạng nguồn thu, tạo cơ hội làm giàu bền vững cho người dân địa phương.
Cách Yên Tử 30 phút chạy xe, Quảng Yên đang là vùng đất được đánh thức sau khi bị “ngủ quên” hàng thập kỷ. Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng nhớ lại cách đây vài năm, vùng đất Quảng Yên ven biển, cạnh sông Bạch Đằng chủ yếu phát triển kinh tế và đánh bắt thủy sản. Quảng Yên chỉ cách Hải Phòng con sông Bạch Đằng, nhưng bên kia sông là khu công nghiệp Đình Vũ, cảng biển tấp nập. Bên này sông phía Quảng Yên vẫn là những ruộng lúa mênh mông, những vùng đầm lầy nước lợ. Quốc lộ 18 chạy đến Uông Bí thì lượn trái đến Hạ Long, Quảng Yên nằm tụt sâu phía phải cung đường theo hướng từ Hạ Nội về Hà Long, trở thành vùng bị “quên lãng” với thành cổ Quảng Yên trăm năm trầm mặc.
Bước ngoặt đến sau khi cao tốc Hải Phòng – Hạ Long hoàn thành và đi qua Quảng Yên. Như vậy, khoảng cách từ Quảng Yên đến cảng Tân Vũ – Lạch Huyện chỉ còn dưới 30 phút. Từ Hà Nội đến Quảng Yên chỉ còn 1,5 giờ. Vùng đất “ngủ quên” giờ đang vươn mình trở thành trung tâm công nghiệp lớn hàng đầu Quảng Ninh, thậm chí là Bắc Bộ.
Quảng Ninh đang xây dựng tuyến đường ven sông Bạch Đằng tạo ra một “hình tam giác” chiến lược gồm Quốc lộ 18, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long và đường ven sông. Tam giác giao thông này sẽ mở ra quỹ đất gần 10.000 ha, giúp phát triển 5 khu công nghiệp. Mới đây, Foxcon đã chọn Quảng Yên để đặt nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng, dự kiến trong một vài năm tới kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt 1 tỷ USD.
Sự thay đổi của Quảng Yên chỉ là một phần trong bức tranh kinh tế thay đổi mạnh mẽ của Quảng Ninh những năm gần đây ở đều các “mặt trận” là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Kinh tế đã không còn phụ thuộc vào khai khoáng. Tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% năm 2015 xuống 17,3% năm 2020. Trong khi đó, giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo bình quân tăng 15%/năm, chiếm 9,6% trong cơ cấu kinh tế.
Du lịch, dịch vụ ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng số khách giai đoạn 2016-2020 ước đạt 55 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 11,9%/năm. Điều này cho thấy rõ một quan điểm phát triển của Quảng Ninh là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, phát triển các ngành mới tạo ra động lực tăng trưởng.
Quảng Ninh cũng đi đầu và nổi tiếng với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Nhiều sản phẩm địa phương được đầu tư sản xuất hàng hóa một cách bài bản, xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn để vào các chuỗi bán lẻ lớn.
Toàn tỉnh có 89/98 xã (bằng 91%) đạt chuẩn nông thôn mới; 7/13 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; có xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước; đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.
Quy mô nền kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh ước đạt 211.476 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, bền vững với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ là 92%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách đạt gần 10 tỷ USD. Quảng Ninh cũng là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, đạt 65,5%.
Năm 2020, theo Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký, dù chịu tác động lớn bởi Covid nhưng nhờ nền tảng phát triển bền vững nên Quảng Ninh vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số, đảm bảo mục tiêu an toàn – ổn định – phát triển. Tỉnh đã khống chế tốt dịch Covid dù là cửa ngõ đón hàng ngàn lượt người từ nước ngoài trở về đất mẹ.
Năm 2021, hàng loạt công trình được tỉnh Quảng Ninh đưa vào sử dụng sẽ là động lực để liên kết vùng, tạo đà tăng trưởng cho địa phương trong những năm tiếp theo.
“Năm 2021, Quảng Ninh sẽ xong cao tốc Vân Đồn – Móng Cái khi đó đi từ Hà Nội tới cửa khẩu chỉ còn hơn 3 tiếng, sẽ có đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả, sẽ có cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, sẽ có một loạt nút giao trên tuyến Hải Phòng – Hạ Long… Đó là những công trình động lực phục vụ cho phát triển của tỉnh và tạo tính kết nối, thúc đẩy liên kết vùng”, ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định.
Với những bước đi vững chắc, bài bản, Quảng Ninh đang phấn đầu đến năm 2030 trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển. Người dân Quảng Ninh khi đó có thể đạt thu nhập trên 15.000 USD/năm (khoảng 350 triệu đồng), thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Nguồn: News.zing.vn