Bất cứ chuyện gì xảy ra, hướng dẫn viên du lịch (tour guide) là
người đầu tiên hứng hết. Đã vậy, những ‘thói hư tật xấu’ của du khách VN
tại nước ngoài cũng làm họ đau đầu…
“Người bị lưu đày trên đảo” là biệt danh mới của Hậu Giang, 28 tuổi, hướng dẫn viên (HDV) Công ty du lịch S. tại TP.HCM, sau chuyến dẫn 136 khách đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) gần đây.
Theo lịch trình, đoàn tham quan Côn Đảo trong 4 ngày nhưng do biển động mạnh, tàu đình lại nên đoàn phải lưu trú trên đảo thêm 4 ngày nữa.
Trăm dâu đổ đầu… hướng dẫn viên
“Khách hoang mang đòi về. Một số người phản ứng thái quá, cho rằng công ty làm ăn không đàng hoàng. Mình là HDV chính nên đứng mũi chịu sào, bình tĩnh giải quyết. Trước hết là báo về ban điều hành và giám đốc công ty để có hướng xử lý. Tiếp đó, mình cùng hai HDV khác giải thích, thuyết phục từng người trong đoàn”, anh Giang kể rồi cho biết thêm điều anh ngán nhất trong nghề là lúc xe gặp tai nạn, khách bị ngộ độc thực phẩm… Lúc đó, HDV phải đứng ra giải quyết cho nhanh gọn, để tiếp tục hành trình.
Vào nghề 9 năm, chị Nguyễn Thanh Hằng (quê Bình Thuận) khẳng định nghề này không chỉ làm dâu trăm họ, mà là cả ngàn… họ. Theo chị Hằng, mỗi xe bốn mươi mấy khách là bốn mươi mấy ý khác nhau. Khi họ không hài lòng bất cứ gì, như tài xế cộc cằn, món ăn không ngon miệng, phòng khách sạn không ưng ý… là họ đều “xả” hết vào HDV.
“Trường hợp phục vụ nhà hàng làm không kịp, tụi mình lăn vào bếp bưng bê đồ ăn lên cho khách là chuyện bình thường. Nhưng buồn là khách xem HDV như ô sin. Khi ăn rớt đôi đũa hay thiếu trái ớt, họ cũng kêu tụi mình với thái độ trịch thượng. Họ nghĩ bỏ tiền mua tour nên muốn sai tụi mình làm gì cũng được”, chị Hằng bày tỏ.
Trong khi đó, HDV tự do Trần Phát (30 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) “tởn tới già” sau chuyến dẫn đoàn công nhân đi du lịch ở Nha Trang. Suốt chuyến xe, nhóm công nhân nhậu nhẹt be bét, người người nhảy múa, “tra tấn” bằng những bản karaoke phát qua chiếc loa kẹo kéo. Nhậu xỉn, xe đi qua đường cao tốc mấy bợm nhậu đòi dừng xe để đi… tè. Khủng khiếp hơn, họ còn đánh nhau túi bụi khiến cả đoàn xe gặp phen náo loạn. Lần đó, anh Phát đành bó tay, chỉ biết gọi điện về công ty thuê mình cầu cứu.
Chưa kể, cũng làm việc y chang nhưng HDV tự do lại thiệt thòi hơn khi không có bảo hiểm, bị nợ tiền công, chôm ý tưởng… Anh Phát làm HDV tự do gần chục năm nay ngán ngẩm: “Hôm trước tôi được công ty kia thuê đi tour, mình thức đêm thức hôm nghĩ ý tưởng, viết kịch bản rồi gửi qua cho họ duyệt. Ai dè sau đó họ lật kèo thuê HDV khác và sử dụng kịch bản của mình, coi như mình mất trắng”.
|
Nhắc nhở hành vi khách Việt
Một nhận định vui nhưng khá chính xác: “Đi du lịch nước ngoài mà thấy ở đâu ồn ào như cái chợ, chen lấn không xếp hàng thì đích thị đó là người Trung Quốc hoặc VN”. Tại một số nhà hàng phục vụ du khách ở Thái Lan để cả bảng cảnh báo bằng tiếng Việt: “Không lấy dư thức ăn. Để thừa sẽ bị phạt”. Thời gian thường trú ở Thái Lan, vào siêu thị Big C, trung tâm mua sắm, nhiều lần tôi nghe người Thái nói với nhau tỏ vẻ khó chịu khi thấy du khách VN la hét rần rần, chen lấn như cái chợ.
Với thâm niên 10 năm làm phiên dịch, HDV tự do (từng dẫn cho một số ca sĩ, người mẫu C.T, D.L.A), ở Bangkok có thể nói Nguyễn Mạnh Quỳnh (29 tuổi, quê Vĩnh Phúc) là con “ma xó”, cái gì cũng biết.
Anh than, ý thức của một số khách du lịch người Việt rất kém, nói chuyện to như cãi nhau, đi đến đâu cũng xả rác, khạc nhổ bừa bãi. “Có lần tôi dẫn một ông khách là giám đốc công ty khá lớn ở VN, đang lang thang phố đi bộ, vừa ăn xong món quà vặt, ông thản nhiên vất cái bao xuống đường. Khi tôi nhắc nhở, ông chữa thẹn bằng câu: “Xin lỗi, tưởng đang ở VN”. Nghe lời giải thích, tôi cũng á khẩu luôn”, Quỳnh kể.
Không chỉ cách ứng xử nơi công cộng mà văn hóa du lịch của khách VN tại nước ngoài cũng làm HDV… đau đầu. Chị Lê Thu Hiền (38 tuổi, quê Bến Tre) từng có thời gian tổ chức tour “độc”, trải nghiệm văn hóa tại Nhật nhưng được một thời gian chị… bỏ vì “bị lãnh những kinh nghiệm đau thương khi đưa khách VN du lịch”.
Dù đã khá chọn lọc khách từ đầu vào nhưng chị vẫn thường xuyên bị hụt hẫng. Lần nọ điểm đến là một ngôi chùa cổ trên 200 năm. Do công ty đối tác Nhật có quen nên liên hệ để chùa mở cửa cho riêng đoàn của chị vào tham quan. Đây là một cơ hội hiếm có vì mỗi năm chùa này chỉ mở cửa một hai lần. Nhưng trái ngược với kỳ vọng, khi HDV giải thích, kể những nét độc đáo của di tích, khách VN khá thờ ơ mà chỉ lo… chụp hình selfie.
“Đi bộ từ chỗ dừng xe đến ngôi đền tham quan có khách đã kịp thay… ba bộ đồ để chụp hình. Vì chụp hình tự sướng liên tục như vậy nên đến nơi đền đóng cửa. Khách vẫn chẳng buồn tí nào vì đã đứng được trước cổng đền để chụp hình check-in”, chị Hiền kể rồi than: “Đã vậy, khách VN còn có giờ dây thun và ngại đi bộ. Lần nào cũng để HDV đợi, đi bộ một chút thì than trời. Trải nghiệm văn hóa mà vô nhà cổ của người Nhật ngủ lại chê cơ sở vật chất, phòng ốc, không có bàn chải, kem đánh răng…”
HDV nữ khó trụ với nghề |
(còn tiếp)
Nguồn: Thanhnien.vn