Mỗi địa danh tôi đến luôn tạo cho tôi những cung bậc cảm xúc rất riêng, nhưng cảm xúc khó thể hiện bằng lời đặc biệt chính là hành trình đến với Annapurna Base Camp (Nepal).
Tôi vốn rất ít khi leo núi, nhất là những năm gần đây. Nhưng vào một ngày đặc biệt, một người anh rủ tôi đi Nepal leo núi vào giữa tháng 10. Ồ, Nepal ư! Nhắc đến Nepal, tôi nghĩ ngay đến những dãy núi tuyết hùng vĩ, những ngọn núi cao nhất thế giới đầy cám dỗ đã thu hút hàng nghìn người, có nhiều người đã bỏ xác lại và cũng có nhiều người đã chinh phục được vinh quang. Tôi lên đường không ngần ngại.
Sau khi bàn đi tính lại chọn cung cần leo phù hợp trong các cung như Everest Base Camp, Annapurrna Circuit, đèo Thorong Lapass, Annapurrna Base Camp…, tôi chọn Annapurna Base Camp – một trong những cung đẹp nhất thế giới, đi qua các làng nhiều màu sắc và có base camp ngoạn mục nhất Nepal. Chúng tôi chọn cách đi tự túc, không qua tour và không thuê porter.
Cảm xúc của chuyến chinh phục Annapurrna Base Camp không thể nói hết bằng lời. |
Chi phí
Nhiều người vẫn hay nghĩ khi leo núi ở Nepal bắt buộc đăng ký tour, nhưng mình có thể đi tự túc mà không thông qua tour nào.
Chi phí tự túc:
– Đi tự túc, bạn phải trực tiếp đi xin giấy phép (permit). Lệ phí là 40 USD.
– Chi phí 8 ngày trek: Mình với ông anh ăn uống, ngủ nghỉ trên núi, muốn ăn gì ăn đó, muốn uống gì uống đó. Chi phí chia cho 2 người mỗi ngày chỉ tầm 200 – 300.000 đồng.
– Ước tính với khoảng 5-6 triệu đồng, bạn có thể đi cung này trong 8 ngày, rất thoải mái.
– Giá vé máy bay tùy vào thời gian bạn đặt. Hãng máy bay rẻ nhất mình thấy hiện tại là Malido Air, quá cảnh từ Việt Nam qua Kuala Lumpur (Malaysia) để đến Kathmandu (Nepal). Đặt sớm, bạn có thể mua được vé rẻ, từ 6 triệu đồng trở lên.
Đối với đi tour:
– Mình tìm kiếm thông tin thì những tour đi cung Annapurna Base Camp có chi phí ít nhất 600 USD cho 8-10 ngày, ngoài ra những tour đi dài ngày (trên 12 ngày) như Everest Base Camp có giá ít nhất 1.000 USD.
– Bên tour sẽ làm tất cả thủ tục leo núi cho bạn, đón bạn tại sân bay… Bạn chỉ việc đến và đi không cần phải làm thêm gì.
– Ngoài những chi phí trên, bạn sẽ phải thêm chi phí cho leo núi như mua thêm đồ ăn ngoài, nước… Bạn sẽ ăn theo thực đơn do tour sắp xếp sẵn. Lưu ý là đồ ăn của Nepal có rất nhiều món không hợp khẩu vị của người Việt. Bạn phải mua đồ ăn thêm cho phù hợp. Nửa gói mì cho vào một tô nhỏ, có trứng hoặc rau giá khoảng 80-100.000 đồng. Cơm trộn rau, trứng, khoai tây chiên khoảng 200.000 đồng, và các món khác tầm giá tương tự hoặc cao hơn.
Ngoài đồ ăn, bạn còn phải thêm nước. Càng lên cao, giá nước càng cao, ví dụ như muốn mua thêm nước 500 ml bạn sẽ phải tốn 100 rupy (khoảng 20.000 đồng), Coca Cola, Bò húc có giá khoảng 60.000 đồng.
Vẻ hùng vĩ của Annapurrna Base Camp.
|
Chuẩn bị
Sức khỏe:
Tập thể lực ít nhất một tháng, như chạy bộ đường dài 5-10km, đi bộ đường dài, leo cầu bộ lên xuống liên tục hàng ngày. Bài tập tốt nhất cho chuyến đi là leo cầu thang bộ kết hợp với vác balo nặng. Tùy từng bài tập, bạn phân bố thời gian cho phù hợp.
Khi leo núi, ít nhiều bạn sẽ bị tình trạng bị sốc độ cao (triệu chứng AMS). Sốc độ cao xuất hiện khi cơ thể bạn nhận được lượng oxy ít hơn bình thường. Ở những khu vực núi cao như Nepal, lượng oxy ít và áp suất không khí thấp khiến chúng ta hít được ít oxy, dẫn đến cơ thể có những phản ứng như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, chảy máu cam và mệt mỏi.
Lên tới độ cao trên 3.500 m, các triệu chứng này sẽ càng rõ rệt. Dù bạn tập thể thao nhiều vẫn sẽ gặp các triệu chứng này .
Để tránh gặp những trường hợp này, mình uống thuốc dưỡng não trước 2 tháng. Tuy vậy, khi leo lên đến điểm trên 4.000 m, mình vẫn bị đau nhức đầu kinh khủng. Ông anh đi cùng có đem thuốc chống sốc độ cao mạnh, nên mình cũng đỡ đau đầu. Các bạn cần chuẩn bị kỹ thuốc trước và trong khi leo.
Đồ giữ ấm cũng rất quan trọng,phải chuẩn bị thật kỹ.
Một chặng nghỉ trên hành trình chinh phục. |
Thủ tục xin visa
Thủ tục xin visa Nepal khá đơn giản. Mình làm thủ tục trực tiếp tại sân bay Kathmandu, có thay đổi một chút, nhanh hơn, hiện đại hơn. Bạn không cần điền vào form đăng ký trước, không cần phải chuẩn bị sẵn hình thẻ 3×4 hoặc 4×6. Bạn điền thông tin vào những dãy máy có sẵn. Máy chụp hình trực tiếp, chỉ 10 phút. Ngoài ra bạn vẫn có thể đăng ký như thủ tục cũ, nhưng rất lâu .
Phí xin visa cho 15 ngày là 25 USD, 30 ngày là 40 USD, 90 ngày là 100 USD, phí nhập cảnh nhiều lần 20 USD.
Ngoài ra các bạn có thể gia hạn visa lên đến 150 ngày tại Sở di trú Kathmandu hoặc Pokhara. Phí cho 15 ngày là 30 USD và thêm 2 USD/ngày cho những ngày sau đó. Bạn cần mang theo hộ chiếu, phí gia hạn, ảnh và một tờ đơn gia hạn để hoàn tất thủ tục.
Đường lên đỉnh Annapurrna Base Camp.
|
Lịch trình chi tiết
Lịch trình mình tính 10 ngày kể từ ngày làm thủ tục leo núi, đến kết thúc hành trình.
Bản đồ chi tiết cung PoonHill – Annapurna Base Camp. |
Ngày 1: Làm thủ tục leo núi ở Kathmandu
Ngày 2: Di chuyển từ Kathmandu đến Pokhara và Nayapul
Ngày 3: Nayapul 1.000 m đến Ulleri 1.960 m, khoảng 12 km
Ngày 4: Ulleri 1.960 m đến Ghoreapani 2.860 m (8 km)
Ngày 5: Chia làm 2 chặng
– Ghorepani 2.860 m đến đỉnh Poonhill 3.210 m
– Ghorepani 2.860 m đến Tadabani 2.680 m (9 km)
Ngày 6: Tadapani 2.680 m đến Chhomrong 2.170 m (khoảng 8 km)
Ngày 7: Chhomrong 2.170 m đến Deurali 3.200 m (chặng đường dài và khó khăn nhất, với khoảng 13 km)
Ngày 8: Derali 3.200 m đến Annapurna Base Camp 4.130 m (khoảng 7 km)
Ngày 9: Annapurna Base Camp 4.130 m leo về Sinuwa 2.300 m (11 km)
Ngày 10: Sinuwa 2.300 m về Siwa 1.640 m (10 km) đón xe về Pokhara kết thúc hành trình.
Nguồn: News.zing.vn