Đi chợ Giáng sinh, trang trí cây thông Noel, làm nhà bánh gừng là những truyền thống được cho là xuất phát từ Đức.
Nhiều hoạt động và phong tục của mùa lễ Giáng sinh tại Đức đã du nhập và phổ biến tới nhiều nước trên thế giới.
Hình nộm kẹp hạt dẻ
Nguồn gốc của hình nộm bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian của người Đức. Tương truyền rằng một nông dân giàu có đã tìm nhiều phương pháp nhưng lại không tách vỏ được hạt. Ông đã treo thưởng cho ai nghĩ ra cách làm. Nhiều người từ thợ mộc cho tới người lính đã dự thi. Tuy nhiên cuối cùng chỉ có một người thợ làm hình nộm là tìm ra lời giải, với một con búp bê có quai hàm lớn, để phá vỡ các hạt. Những còn búp bê này về sau được gọi là kẹp hạt dẻ.
Hàm của kẹp hạt dẻ là đòn bẩy giúp bóc tách hạt. Ảnh: Hermann/Pixabay. |
Cây thông Giáng sinh
Tục trang trí cây thông Giáng sinh hay còn gọi là Tannenbaum bắt nguồn từ thế kỷ thứ 16. Mặc dù Estonia và Latvia có phong tục trang trí cây cối tương tự nhưng Đức được cho là quốc gia đầu tiên sử dụng cây trong Giáng sinh.
Hình ảnh ông già Noel
Họa sĩ người Mỹ gốc Đức Thomas Nast là người đầu tiên vẽ chân dung ông già Noel theo phong cách hiện đại vào những năm 1860. Bức họa của ông được dùng trong nhật san tuần Harper. Sau đó bức vẽ được xuất bản thành sách với quyển Clement Clarke Moore, đêm trước Giáng sinh đã góp phần giúp hình tượng ông già Noel như ngày nay trở nên phổ biến.
Căn nhà bằng bánh gừng
Định nghĩa căn nhà bằng bánh gừng lần đầu được đưa vào truyện cổ Grimm, Hansel và Gretel. Sau đó truyền thống làm bánh gừng với với các chi tiết trang trí bằng kẹo đường bắt đầu nở rộ tại Đức. Nhiều thợ làm bánh đã làm ra công thức và biến món bánh ngôi nhà này phổ biến hơn trong mùa lễ Giáng sinh.
Căn nhà bánh gừng có nhiều thiết kế và nguyên liệu trang trí khác nhau. Ảnh: White77/Pixabay. |
Chợ Giáng sinh
Chợ Giáng sinh hay còn gọi là Weihnachtsmarkt là một dãy quầy hàng được mở từ giữa tháng 11 tới hết Giáng sinh ở hầu hết thành phố của Đức. Các quầy hàng bán quà lưu niệm, các món ăn đường phố. Bắt nguồn từ phong tục thời trung cổ của Đức, khu chợ Giáng sinh hiện nay được tổ chức hầu hết tại quốc gia châu Âu và một số nước châu Mỹ.
Đồ trang trí thủy tinh
Vào cuối thế kỷ thứ 16, Lauscha, một ngôi làng nhỏ tại bang Thuringia nổi lên với nghề làm thủy tinh. Ngôi làng này có rất nhiều xưởng làm thủy tinh và sản xuất ra các đồ dùng châu Âu. Cho tới năm 1847, người thợ tên Hans Greiner bắt đầu làm ra một món đồ trang trí thủy tinh dành cho Giáng sinh. Phương pháp thổi tay được con và cháu của ông tiếp tục sử dụng sau này, cho tới khi các đồ vật trang trí phổ biến và được xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu. Vào những năm 1880, trong chuyến đi tới Đức, ông F.W Woolworth, chủ cửa hàng trang trí đã nhập các món đồ này về Mỹ.
Theo Du lịch Tugo
Nguồn: Vnexpress.net