Nhân viên an ninh kiểm tra hộ chiếu của du khách tại sân bay ở Florida, ngày 15-3 – Ảnh: REUTERS
Trước cơn hoảng loạn của người dân khiến hàng hóa siêu thị bị vét sạch tại Úc, lãnh đạo các nước như Anh, Mỹ lên tiếng trấn an, kêu gọi bình tĩnh đối phó với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) – cho tới nay đã lây nhiễm hơn 156.000 người trên toàn thế giới và giết chết hơn 5.800 người.
Một số quốc gia áp đặt lệnh cấp tụ tập đông người, hoãn các sự kiện thể thao, văn hóa và tôn giáo để ngăn chặn virus lây lan.
Thủ tướng Áo kêu gọi mọi người tự cách ly và cấm các cuộc tụ tập nhiều hơn 5 người và siết chặt nhập cảnh.
Tất cả Thánh lễ của Giáo hoàng Francis vào tháng tới sẽ được tổ chức mà không có tín đồ tham dự, theo Vatican. Đây được xem là động thái chưa từng có của Giáo hội hiện đại.
Các Thánh lễ như Ngày Thứ Năm Tuần Thánh hay Lễ Phục sinh thường thu hút hàng chục ngàn người đến các địa điểm ở Rome và Vatican.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết vào hôm 15-3 du khách quốc tế đến nước này phải cách ly trong 14 ngày và cấm du thuyền nước ngoài cập cảng trong 30 ngày.
Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern ngày 16-3 tuyên bố cấm tụ tập trên 500 người, đồng thời cảnh báo sẽ không nhân nhượng đối với bất cứ ai vi phạm quy định tự cách ly mới nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Các trường học và đại học tạm thời được miễn trừ khỏi lệnh cấm trên.
Cấm bay, cấm du lịch
Hành khách đeo khẩu trang ở sân bay quốc tế Bắc Kinh, ngày 15-3 – Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-3 đã mở rộng lệnh cấm nhập cảnh với các nước châu Âu bao gồm cả Anh và Ireland.
Với các lệnh cấm và hạn chế đi lại, cùng với sự sụt giảm của du lịch hàng không toàn cầu, các hãng hàng không buộc phải cắt giảm các chuyến bay.
Như American Airlines cắt giảm 75% các chuyến bay quốc tế đến ngày 6-5 và cho nằm đất toàn bộ máy bay thân rộng.
Trung Quốc siết chặt rà soát du khách quốc tế đến sân bay Bắc Kinh. Bất cứ ai đến Bắc Kinh từ nước ngoài sẽ được chuyển đến một cơ sở cách ly trong 14 ngày, bắt đầu từ 16-3.
Ngoài ra, ở trong nước, Trung Quốc cũng áp đặt chính sách phong tỏa và cách ly hà khắc với các thành phố lớn.
Phong tỏa, ở nhà
Đường phố Barcelona vắng vẻ sau lệnh phong tỏa toàn quốc, ngày 15-3 – Ảnh: REUTERS
Tây Ban Nha đã phong tỏa toàn quốc vào ngày 14-3, sau khi số ca bệnh COVID-19 tăng thêm 1.500 ca chỉ trong 24 giờ.
Sang ngày 15-3, đường phố Madrid và Barcelona như bị bỏ hoang. Tất cả trang nhất các báo đều đăng khẩu hiệu cổ động của chính phủ: “Cùng nhau chúng ta sẽ ngăn chặn virus này”.
Pháp đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng và cơ sở giải trí từ ngày 15-3 và yêu cầu 67 triệu người dân ở nhà trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona tăng gấp đôi sau 72 giờ.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết chính phủ không có lựa chọn nào khác sau khi cơ quan y tế công cộng cho biết có 91 người Pháp đã thiệt mạng và gần 4.500 người nhiễm bệnh.
Người Pháp vẫn đi bỏ phiếu bầu cử địa phương. Tuy nhiên, tính đến 20h ngày 15-3, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ có 45%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 63% của năm 2014.
Nước Anh cũng chuẩn bị cấm tụ tập đông người và cách ly tất cả người trên 70 tuổi trong vòng 4 tháng để đối phó với virus corona, theo Bộ trưởng Y tế Matt Hancock.
Argentina thì cấm nhập cảnh với bất kỳ ai không phải công dân và đến từ quốc gia có dịch bệnh trong vòng 14 ngày.
Columbia cho biết sẽ trục xuất 4 người châu Âu vì vi phạm lệnh cách ly bắt buộc chỉ vài giờ sau khi đóng cửa biên giới với Venezuela.
Bắt đầu từ 15-3, Hàn Quốc cũng bắt buộc du khách đến từ Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Trung Quốc, Ý, Iran tải xuống và sử dụng ứng dụng khai báo y tế.
Hàn Quốc đã thử nghiệm khai báo bằng ứng dụng với hàng trăm ngàn người và theo dõi các đối tượng nghi nhiễm bằng công nghệ vệ tinh.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn