Chuyến du lịch lãng mạn mà cặp đôi đến từ Vương quốc Anh ấp ủ bấy lâu hóa cơn ác mộng vì những lệnh cấm liên quan đến bệnh dịch Covid-19.
6 tháng mộng mơ chu du khắp Nam Mỹ là điều mà Rachel Byrne và Stevie Sutton, bạn trai cô, đã ấp ủ từ lâu. Để biến tương lai màu hồng đó thành sự thật, cả hai đã phải làm việc cật lực. Họ chăm chỉ từ thứ hai đến thứ sáu mỗi tuần và dành dụm được một khoản kha khá. Vào thời gian rảnh, hai người tham gia các lớp học lướt ván và một số hoạt động dưới nước khác.
Tháng 11/2019, Rachel và Stevie nói lời tạm biệt cuộc sống thường nhật để bước vào cuộc phiêu lưu vòng quanh Nam Mỹ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của virus corona đã khiến đoạn kết của cuộc hành trình trở thành địa ngục. Cho đến khi đã đặt lưng trên chiếc giường êm ái tại nhà riêng, Rachel vẫn chưa tin nổi điều gì vừa xảy ra với họ…
Cú sốc mang tên Covid-19
Theo dự kiến, hành trình vòng quanh Nam Mỹ sẽ đưa Rachel và Stevie băng qua những sa mạc hoang vu ở Bolivia, dạo bước trên đường phố Argentina trước khi tìm đến vô số bãi biển nóng bỏng ở Brazil. Tính từ ngày khởi hành, Rachel cùng Stevie đã đặt chân tới nhiều điểm đến nổi tiếng như tượng Chúa Cứu Thế ở Brazil, núi Cầu Vồng tại Peru hay vùng núi Patagonia của Argentina.
Đôi tình nhân trải qua hành trình thú vị ở Rio de Janeiro trước khi “bão tố” ập đến. Ảnh: Rachel Byrne. |
Tuy nhiên, quần đảo San Blas (Panama) vẫn thôi thúc hơn cả với những bãi biển nước xanh màu ngọc bích cùng bờ cát trắng trải dài đến bất tận. Tất cả đều chưa chịu ảnh hưởng bởi yếu tố du lịch và thương mại. Khi thiên đường hoang sơ ấy hiện ra trước mặt Rachel và Stevie, biến cố bất ngờ xuất hiện.
Ngày 11/3, Covid-19 chính thức được công nhận là đại dịch. Với tuyên bố này, nhiều quốc gia đã nhanh chóng thực hiện lệnh đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh với các du khách nước ngoài.
Trước đó, cặp đôi này đã đặt chỗ trên chiếc catamaran mang tên “Ti-Vaou” khởi hành từ Colombia đến San Blas vào 12/3. Họ sẽ di chuyển từ cảng Cartagena (Colombia) trước khi tới vùng đảo hoang sơ phía bắc Panama. Dự kiến, hành trình kéo dài khoảng 28 giờ.
Việc Covid-19 được công nhận là đại dịch khiến cặp đôi đứng ngồi không yên. Hai người liên tục gọi điện tới đơn vị vận chuyển và đều nhận được câu trả lời là Panama vẫn sẽ cho phép cập bến. Ngày 12/3, họ chính thức lên đường cùng 14 vị khách khác.
Chuyến đi nghỉ dưỡng hóa “địa ngục” vì Covid-19. Ảnh: Rachel Byrne. |
Sau khoảng 28 giờ như lộ trình dự kiến, bãi cát trắng của quần đảo San Blas (Panama) đã hiện rõ trước mắt đoàn khách nước ngoài. Đó cũng là lúc họ nhận được yêu cầu quay đầu trở về từ chính quyền Panama. Những cuộc thương lượng giữa đơn vị vận chuyển và chính quyền địa phương không đem lại kết quả. Chiếc “Ti-Vaou” bị hắt hủi buộc phải trở về Colombia.
Chuỗi ngày kể từ khoảnh khắc chiếc catamaran bị từ chối vào Panama giống như một bộ phim hành động dạng sinh tồn với Rachel và Stevie. Đường biển từ Panama đến Colombia vốn luôn nổi tiếng bởi sự khắc nghiệt khủng khiếp. Đó là cơn gió thổi như muốn bay người, những dòng chảy khó lường hay vô số con sóng cao tới 4 m ập đến bất ngờ… Tuy nhiên, những người trên chiếc catamaran đen đủi ấy không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn.
“Chúng tôi đã nghe những câu chuyện kinh khủng về tuyến đường biển đó. Tất cả đều sợ hãi khi nghe tin tàu phải trở về Colombia”, Rachel chia sẻ.
Những gì Rachel và các vị khách lo ngại đã trở thành hiện thực. Khi vào vùng biển Colombia, chiếc catamaran đã hỏng gần như hoàn toàn động cơ. Cánh buồm đã rách toạc trước những cơn gió gào thét suốt 60 giờ lênh đênh, gấp đôi thời gian chiều đi.
8 ngày ác mộng
Chiếc cataraman rách nát đã về tới Colombia nhưng không được phép cập cảng, bất chấp sự hoảng loạn của du khách sau quãng đường kinh khủng vừa trải qua. Chính quyền địa phương vẫn chưa biết giải quyết thế nào với trường hợp này.
Do đó, Rachel, Stevie cùng 14 hành khách và phi hành đoàn buộc phải ở lại chiếc cataraman. Họ không phải những du khách đen đủi duy nhất. Thời gian này, đa số các quốc gia Nam Mỹ đều từ chối tàu quốc tế cập cảng. Hiện nay, hàng nghìn khách du lịch cũng đang chịu chung số phận với họ tại các cảng biển ở Chile, Peur, Brazil hay Ecuador.
Ngày thứ hai kể từ khi tàu đến Colombia, lực lượng bảo vệ bờ biển xuất hiện với thực phẩm gồm bia, nước ngọt… Tuy nhiên, họ không đem đến tin vui cho hành khách trên chiếc cataraman.
“Không hành khách ở quốc gia nào, bao gồm Australia, Thụy Sĩ, Hà Lan hay Vương quốc Anh được phép vào Colombia”, đại diện cơ quan chức năng tuyên bố. Một cuộc tranh cãi nổ ra giữa hai bên nhưng không thể đưa đến hướng giải quyết cụ thể.
Có nằm mơ, Rachel cũng không thể tưởng tượng 6 tháng du lịch của mình sẽ kết thúc bằng chuỗi ngày sống mòn trên con tàu rách nát. Điện thoại của họ cạn kiệt pin. Thực phẩm cũng hao hụt từng ngày.
Chuyến đi để lại cho cặp đôi nhiều kỷ niệm “dở khóc dở cười”. Ảnh: Rachel Byrne. |
“Chúng tôi phải sống 8 ngày trên chiếc tàu đó. Không điện, không nước sinh hoạt, không Internet… Chúng tôi đã cố liên lạc với Đại sứ quán để được hỗ trợ. Đó thực sự là chuỗi ngày điên rồ với 16 người trên tàu”, Rachel nói với Daily Mail.
Sau 8 ngày khổ sở, con tàu “Ti-Vaou” cũng được cho phép cập cảng với điều kiện tất cả hành khách cần bay về nước ngay trong ngày. Đây là kết quả của cuộc đàm phán ngoại giao giữa các nước có công dân trên tàu. Rachel và Stevie được kiểm tra y tế trước khi lên xe cảnh sát đến sân bay.
“Chúng tôi thật may mắn khi trải qua những điều tồi tệ nhất bên cạnh những người tích cực nhất. Kết quả là những điều tốt đẹp nhất đã đến với mọi người”, Rachel chia sẻ.
Lúc này, cặp đôi đang cách ly tại nhà của Rachel ở Dublin, Ireland. Cả hai sẽ trải qua hai tuần “tránh xa xã hội” để chắc chắn họ không trở thành nguồn lây nhiễm Covid-19 sau chuyến đi kinh hoàng vừa qua.
Nguồn: News.zing.vn