Làng miền Trung có cây trái quanh năm như miệt vườn Nam Bộ

0
4
Làng miền Trung có cây trái quanh năm như miệt vườn Nam Bộ - Ảnh 1.

Làng miền Trung có cây trái quanh năm như miệt vườn Nam Bộ - Ảnh 1.

Làng Đại Bình phía bên bồi của dòng sông Thu Bồn – Ảnh: TẤN LỰC

Đại Bình nằm nép mình dưới chân núi Cấm bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Lạc vào xứ cây tráimiệt vườn

Dòng sông Thu Bồn hiền hòa chảy đến cầu Nông Sơn đột ngột uốn một khúc quanh như hình cái dạ dày chia đôi, một bên Trung Phước và bên kia Đại Bình. Trong khi Trung Phước là bến lở, bên này Đại Bình được dòng sông rộng lượng bồi đắp phù sa theo mỗi mùa con nước. Cũng chính nhờ được phù sa ưu đãi mà ngôi làng này khoác lên vẻ trù phú, xanh tươi hiếm thấy giữa miền trung du.

Qua cầu Nông Sơn rẽ phải vào hướng nhà máy than điện rồi đi tiếp theo con đường bêtông nhỏ chừng 3km, du khách đã đặt chân đến Đại Bình. Những tháng cuối năm, hai bên đường làng bạt ngàn những vườn cam, quýt, bưởi, mận… với trái trĩu cành trông thích mắt. Không chỉ có cây trái, hoa cỏ ven đường mùa này cũng đua nhau trổ bông tím, vàng, hồng, đỏ tỏa hương thu hút lũ ong bướm lượn quanh. Dưới cái nắng vàng ươm màu mật, ngôi làng bừng sáng huyền ảo lạ thường trong mắt khách lạ.

Làng miền Trung có cây trái quanh năm như miệt vườn Nam Bộ - Ảnh 2.

Vườn cam, quýt trĩu quả trong làng Đại Bình – Ảnh: TẤN LỰC

Sau một vòng thăm thú các ngõ ngách, du khách có thể liên hệ tham gia tour vào vườn trái cây tự tay hái quả. Du khách có thể thoải mái lựa chọn những quả cam, quýt ngon mắt nhất mà chẳng lo phiền lòng chủ vườn. Và một điều tuyệt vời là dù có lựa chọn kỹ lưỡng thế nào đi nữa, giá bán trái cây tại vườn cũng chẳng khác giá mua ngoài chợ.

Bà Huỳnh Thị Thu Hà (56 tuổi), chủ vườn trái cây Ông Năm, bảo rằng nhờ giữ giá bán ổn định mà khách yêu quý và ủng hộ nhiều. Và dù giá bán không thay đổi nhưng đỡ công cắt hái, vận chuyển nên các chủ vườn khỏe hơn, rảnh tay chăm sóc vườn quả. Những năm gần đây, cũng nhờ khách du lịch biết đến nhiều nên dân làng không còn bán sỉ trái cây cho thương lái mà chuyên tâm phục vụ du lịch.

Làng miền Trung có cây trái quanh năm như miệt vườn Nam Bộ - Ảnh 3.

Hoa dại khoe sắc hai bên đường làng trong nắng – Ảnh: TẤN LỰC

Tươi tốt từ phù sa sông Thu Bồn

Mùa nào trái cây nấy. Những tháng cuối năm là mùa của cam và quýt, đến tháng giêng, tháng 2 là mùa của bòn bon, măng cụt, vú sữa… Đến tháng 5 và tháng 6 khi cái nắng miền Trung vào đỉnh điểm cũng là lúc quả bưởi trụ lông đặc sản Đại Bình mọng nước, hồng tươi và thanh ngọt nhất. Rồi những giống trái cây tưởng chỉ có ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên hay phù sa miệt vườn Nam Bộ như bơ, sầu riêng, mãng cầu, bưởi da xanh… cũng sinh trưởng mạnh mẽ và sai trái ở vùng đất này.

Từ trên cao nhìn xuống, làng Đại Bình như vầng trăng khuyết ôm lấy dòng sông. Và dù cho cánh đồng lúa nước dưới chân núi có năng suất không quá cao thì 400 hộ cư dân Đại Bình vẫn sống khỏe dựa vào các vườn cây trái quanh nhà. Lý giải cho thổ nhưỡng đặc biệt của ngôi làng, ông Lê Phước Tuân (56 tuổi), một giáo viên và cư dân Đại Bình, quả quyết rằng do nền địa chất nơi này mà ra.

Theo ông Tuân, khi khoan giếng xuống lòng đất, dân làng phát hiện lớp đất sét dày nhiều mét cách không xa lớp phù sa và cát bồi bên trên. Nhờ đó, bên cạnh lớp phù sa giàu dinh dưỡng, nền đất nơi đây có khả năng giữ nước cực tốt. Vào mùa mưa, ngôi làng nằm dưới chân núi Cà Tang này hứng một lượng nước mưa đáng kể. Mưa thấm xuống thành nguồn nước dự trữ trong lòng đất.

Bởi vậy, kể cả những tháng khô hạn nhất miền Trung, cây trái nơi này vẫn tươi tốt và chủ vườn chỉ cần tưới tắm thêm nước khi đến kỳ trổ bông, đậu quả. Cũng theo ông Tuân, chính nhờ sự phì nhiêu đó mà các vườn quả không cần phải bón thêm phân, phun thêm thuốc. Cây trái gieo trồng, sinh trưởng, chín mọng hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo được sự an toàn cho thực khách. Đất lành đến mức dân làng bảo rằng ăn quả xong vứt hạt bạ đâu đấy ra vườn là chỗ ấy cây sẽ tự động mọc lên sinh sôi nảy nở.

Làng miền Trung có cây trái quanh năm như miệt vườn Nam Bộ - Ảnh 4.

Giống bưởi trụ lông đặc sản chỉ riêng có ở làng Đại Bình – Ảnh: TẤN LỰC

Đầu tư lớn cho du lịch Đại Bình

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, cho biết huyện đang huy động các nguồn lực tập trung phát triển du lịch Đại Bình. Nông Sơn đã lên kế hoạch đầu tư hạ tầng, cảnh quan và tổ chức thành công các hoạt động ngày hội văn hóa du lịch.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ triển khai hướng dẫn, tập huấn cho người dân địa phương cách làm du lịch, phục vụ du khách. Sắp tới sẽ mở rộng đường dẫn vào làng, trồng cây xanh, xây dựng nhà đón tiếp, công trình vệ sinh, bãi đỗ xe cho du khách; hỗ trợ duy trì phát triển làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm; kêu gọi doanh nghiệp du lịch vào đầu tư, triển khai mô hình homestay.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn