6 điều cha mẹ thông minh không bao giờ làm

0
10

Những cha mẹ khéo léo sẽ không coi thường, dọa nạt hay bênh vực con một cách mù quáng.

nhung dieu cha me thong minh khong lam anh 1

1. Coi thường con: “Trẻ con thì biết cái gì”, “vì sao con lại kém cỏi như vậy”, là những câu nói nhiều cha mẹ thường nói với con. Các nhà tâm lý nhận định, những lời nói “vô thưởng vô phạt” của cha mẹ có thể khiến trẻ tổn thương lòng tự trọng và mất đi sự tự tin vốn có. Về lâu dài, điều này có thể khiến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái gia tăng, đồng thời khiến trẻ cảm thấy bản thân luôn kém cỏi hơn người khác. Mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh, điểm yếu riêng, cha mẹ cần học cách loại bỏ thói quen phàn nàn, so sánh, coi thường con. Ngoài ra, bạn nên khoan dung, ghi nhận những nỗ lực và tin tưởng và khả năng của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin và biết cách làm chủ cuộc đời mình. Ảnh: PopMoms.

nhung dieu cha me thong minh khong lam anh 2

2. Dọa nạt con: Để giảm bớt rắc rối, nhiều cha mẹ chọn cách dọa nạt con cái, ví dụ: “Nếu con không ngoan, cha mẹ sẽ không cần con nữa”, “nếu con không ngủ, yêu quái sẽ đến bắt con”. Thực tế, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và lối suy nghĩ của trẻ. Theo Aboluowang, đứa trẻ lớn lên bằng những lời dọa dẫm luôn cảm thấy bất an và sợ bị bỏ rơi. Theo thời gian, các em sẽ chọn cách thỏa hiệp với mọi thứ để được yên ổn. Cha mẹ cần lưu ý, những lời dọa nạt có thể khuất phục trẻ trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài sẽ khiến trẻ cảm thấy thiếu an toàn, thậm chí nói dối, trở nên nóng nảy, ích kỷ, lười suy nghĩ độc lập. Ảnh: Centar iLab.

nhung dieu cha me thong minh khong lam anh 3

3. Ép buộc con: Trẻ em đều muốn nghe những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, thay vì bị cha mẹ ra lệnh, ép buộc. Cha mẹ luôn cho rằng họ ép buộc vì muốn tốt cho con, nhưng chính điều này khiến trẻ tổn thương và cảm thấy mất đi sự tự do. Chưa kể, sự ép buộc khiến đứa trẻ mất đi khả năng suy nghĩ, phân tích, tự quyết định. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự lên kế hoạch cho bản thân. Đồng thời, bạn nên cho phép trẻ than phiền và kể ra những vấn đề cá nhân, từ đó giúp trẻ định hướng và tìm cách khắc phục. Ảnh: EveryEvery.

nhung dieu cha me thong minh khong lam anh 4

4. Bao bọc con quá mức: Nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình châu Á luôn “mượn cớ” con còn nhỏ để chăm sóc, bao bọc con quá mức. Chính tâm lý này khiến trẻ mất đi khả năng tự lập và ảnh hưởng lối suy nghĩ của trẻ. Cha mẹ cần học cách “buông bỏ”, tức là để trẻ tự làm những điều phù hợp với lứa tuổi, khả năng. Điều này giúp trẻ phát huy tiềm lực của bản thân, đồng thời học cách xây dựng sự tự tin và những kỹ năng sống cần thiết. Ảnh: Meine Kirchenzeitung.

nhung dieu cha me thong minh khong lam anh 5

5. Dung túng con: Trẻ em trưởng thành từ những lần phạm sai lầm để biết rút kinh nghiệm và tích lũy kiến thức. Nếu cha mẹ dung túng, che giấu khuyết điểm của con, trẻ sẽ mất đi cơ hội tự phát triển và học hỏi. Ngay từ bé, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ những lỗi sai của mình, từ đó học cách sửa chữa và nói lời xin lỗi. Trẻ cần được cha mẹ định hướng, không phải dung túng, bao che quá mức. Ảnh: MyBroadband.

nhung dieu cha me thong minh khong lam anh 6

6. Dạy con không nhất quán: Nhiều cha mẹ không nhất quán trong việc dạy con, vô tình tạo ra những mâu thuẫn khó giải quyết. Cha và mẹ đều có vai trò trong việc dạy con, sự thiếu nhất quán sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả, đồng thời khiến trẻ nghi ngờ liệu lời cha mẹ có đúng hay không. Giáo dục nhất quán là điều kiện tiên quyết để duy trì mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ, con cái và nâng cao chất lượng dạy con. Vì thế, các gia đình cần thống nhất quan điểm, tránh gây ra những mâu thuẫn, bất đồng không đáng có. Ảnh: Global News.

Nguồn: News.zing.vn