Bình yên trên phố cổ – Ảnh: KIM NGÂN |
Bukhara chiếm giữ một vị trí đắc địa trên con đường giao dịch tơ lụa, lại giữ được kết cấu đô thị trung cổ nguyên vẹn với hơn 140 công trình cổ được UNESCO xếp là thành phố di sản thế giới. Vì thế chẳng ngạc nhiên khi Bukhara luôn là điểm đến của bất kỳ du khách nào ghé thăm đất nước Uzbekistan.
Nàng công chúa giữa sa mạc
Trong thời đại phát triển hoàng kim của mình, Bukhara kiêu hãnh như một nàng công chúa giữa sa mạc với nhan sắc đẹp rực rỡ chỉ đứng sau thành Baghdad của đế chế hồi giáo Ba Tư. Hiện đây là thành phố lớn thứ năm ở Uzbekistan với dân số chỉ khoảng 300.000 người.
Bukhara trong tiếng Phạn có nghĩa là tu viện, còn tiếng Soghdian lại có nghĩa là vùng đất may mắn. Từng là trung tâm văn hóa và kinh tế lớn ở khu vực Trung Á, tuy nhiên Bukhara còn là một trung tâm lớn về văn hóa Hồi giáo trong nhiều thế kỷ khi thuộc đế quốc Ba Tư hùng mạnh. |
Lịch sử hình thành nên Bukhara có từ thế kỷ 4-5 sau Công nguyên, khi các nhà khảo cổ học tìm thấy đồng tiền cổ có chữ viết của người Sogdian trong bảng chữ cái có nguồn gốc từ tiếng Aramaic.
Bukhara từng chịu sự xâm lược của đội quân Mông Cổ dưới sự thống trị của Thành Cát Tư Hãn (1220), hoàng đế Temur (1370) và từ đầu thế kỷ 16 trở về sau là sự mở rộng đô thị và kiến trúc dưới sự cai trị của thời kỳ Sheibani người Uzbek, cho tới sự xâm lược của Nga hoàng rồi chịu ảnh hưởng của người Nga.
Thế kỷ 9-16, Bukhara là trung tâm lớn nhất về nền thần học Hồi giáo, đặc biệt là Sufi giáo với hơn 200 mosque và hơn 100 học viện hồi giáo.
Sự ra đời của thành phố gắn liền với truyền thuyết về hoàng đế Siavash, vốn là một hoàng tử Ba Tư do người mẹ kế buộc tội quyến rũ bà và phản bội vua cha nên bị lưu đày biệt xứ sống lưu vong tới vùng đất Tura.
Hoàng tử Siavash cưới công chúa con gái vua Afrasiab của vương quốc Samarkand và món quà cưới là đức vua Afrasiab ban cho Siavah vùng đất ốc đảo Bukhara.
Bảo tàng Abdullah-khan – Ảnh: KIM NGÂN |
Bảo tàng Sadriddin Ayni và Jalol Ikromi – Ảnh: KIM NGÂN |
Nadir Divan Begi Khanaka – Ảnh: KIM NGÂN |
Tiếng vọng từ ngàn năm
Bukhara có quá nhiều thứ để du khách phải dừng chân, cho đôi mắt mở to thu vào tất thảy những kỳ quan đẹp đẽ và vẻ đẹp dịu dàng, bình yên trên mảnh đất tâm linh cũ kỹ này.
Nổi bật ở Bukhara là lăng mộ của Ismail Samanai – người cai trị vùng đất này – gây ấn tượng với vẻ trang nhã và là kiệt tác còn tồn tại tốt nhất của kiến trúc Hồi giáo có từ thế kỷ 10 không chỉ ở Uzbekistan mà còn toàn bộ các quốc gia hồi giáo khác.
Sang thế kỷ thứ 11 dưới thời kỳ Karakhanid là sự nổi bật của tháp Poi-Kalyan, một kiệt tác của trang trí bằng gạch, cùng với hầu hết các nhà thờ Hồi giáo Magoki Attori và đền thờ Chashma Ayub.
Nằm ở quảng trường Poi Kalon, du khách có thể trèo lên tháp Kalon Minaret được xây dựng thế kỷ 12 để quan sát thành phố từ trên cao. Ngày xưa Kalon Minaret là ngọn hải đăng soi đường trong đêm tối cho những đoàn thương nhân và lạc đà vượt sa mạc trên con đường tơ lụa tiến về thành phố.
Học viện Ulugbek xây dựng năm 1417 cổ nhất Trung Á, đây là một trong ba học viện được xây dựng bởi Ulugbek (hai học viện còn lại là Registan ở Samarkand và Gijduvan) với kiểu kiến trúc đặc biệt có nhiều hốc tường xung quanh sân trung tâm và trang trí màu xanh, nằm phía đông chợ trang sức Taqi-Zargaron bazaar.
Bukhara đặc biệt phát triển về thương mại, là nơi dừng chân tấp nập của các đoàn lữ hành, do đó kiến trúc xây dựng cần phù hợp với mục đích kinh doanh.
Thế kỷ 16 chứng kiến sự phát triển bùng nổ của chợ mái vòm, tuy nhiên hiện nay chỉ còn tồn tại ba ngôi chợ: Taqi Zargaran chuyên về trang sức, Taqi Sarrafon bán hàng lưu niệm và Taqi Telpakfurushon nổi tiếng may mặc và vải vóc, đặc biệt những bộ quần áo rực rỡ được thêu bằng chỉ vàng và thảm Bukhara.
Pháo đài Ark nay là bảo tảng nghiên cứu lịch sử vùng, vốn là thành lũy cổ xưa nhất có từ thế kỷ I trước Công nguyên. Nơi đây từng là căn cứ quân sự bảo vệ Bukhara đồng thời là nơi ở của những người có chức vị quan trọng.
Pháo đài Ark – Ảnh: KIM NGÂN |
Một ngôi chợ với kiến trúc đặc trưng – Ảnh: KIM NGÂN |
Học viện Abdulaziz Khan nổi bật tiêu biểu cho kiến trúc vùng Bukhara và cả khu vực Trung Á với kiểu trang trí mặt tiền, cổng vào và nội thất. Cổng trang trí với rồng Trung Hoa và loài chim Semurg – phượng hoàng trong truyền thuyết của người Ba Tư.
Bảo tàng khắc gỗ nằm bên trong Abdulaziz Khan, nơi triển lãm những bộ sưu tập tốt nhất về khắc gỗ.
Bảo tàng tưởng niệm tọa lạc tại Học viện Kukeldah trong quần thể Lyab-I Hauz, tưởng nhớ Sadriddin Ayni (1878-1954) và Jalol Ikromi (1909-1989) vốn là hai học giả tiêu biểu của văn học Uzbek và Tajik. Lyabi Hauz – trung tâm của Bukhara cổ vốn là một tổ hợp kiến trúc có từ thế kỷ 17.
Bolo Hauz, nhà thờ Hồi giáo được xây dựng vào năm 1712, là nơi cầu nguyện dành cho các tiểu vương và đoàn tùy tùng của họ.
Còn được gọi là nhà thờ Hồi giáo 40 cây cột, với nét độc đáo là hàng cột được chạm trổ kỳ công chống đỡ mái trần với những bức tranh trang trí đẹp mắt, đây là di tích còn sót lại duy nhất trong quảng trường Registan gồm một nhà thờ, một ngọn tháp và hồ bơi.
Gần đấy là bức tượng Mullah Nasruddin Khodja với nụ cười thâm thúy quen thuộc cưỡi lừa bằng đồng.
Hình ảnh thân thuộc này có thể nhìn thấy từ Uzbeksitan cho tới tận Thổ Nhĩ Kỳ, ông là một học giả thông thái gần 900 tuổi với những câu truyện ngụ ngôn thâm thúy được kể lại trong văn học dân gian các nước Hồi giáo, tiêu biểu với câu chuyện ngụ ngôn người đàn ông, cậu bé và con lừa.
Nadir Divan-Begi là một tòa nhà dành cho thương gia với kiểu kiến trúc độc đáo có hình chữ nhật dài với trần là mái vòm bắt chéo có một cổng duy nhất vào khá hẹp và các lối vào phụ hai bên.
Nhà thờ Hồi giáo Bolo Hauz – Ảnh: KIM NGÂN |
Bức tượng Khodjia với nụ cười thâm thúy quen thuộc cưỡi lừa bằng đồng – Ảnh: KIM NGÂN |
Nadir Divan Beghi, một tòa nhà dành cho thương gia với kiểu kiến trúc độc đáo – Ảnh: KIM NGÂN |
Tàn tích thành cổ – Ảnh: KIM NGÂN |
Đến Bukhara, bạn sẽ nhận ra thời gian vô cùng quý giá vì bạn không biết phải mất bao lâu mới có thể khám phá hết những kỳ quan tuyệt đẹp của thành phố cổ này.
Và tôi cứ như thế mà lạc lối…
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn