Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi cho phép cơ sở lưu trú được tự nguyện đăng ký xếp hạng sao, nhưng có ý kiến cho rằng nên bắt buộc.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm về dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, trong bối cảnh sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 19/6 tới. Một trong những vấn đề tranh luận nhiều nhất là đề xuất tự nguyện hay bắt buộc xếp hạng sao với các khách sạn.
Dự thảo có hai phương án trình Quốc hội xem xét: Các khách sạn được tự nguyện (phương án 1) hoặc bắt buộc (phương án 2) đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó, Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận các khách sạn 4-5 sao, còn lại do cơ quan du lịch cấp tỉnh đảm nhiệm.
Theo phương án bắt buộc, khách sạn trong 6 tháng đi vào hoạt động, phải gửi hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền công nhận hạng. |
Đăng ký xếp hạng sao là quyền tự do của cơ sở lưu trú
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên – Huế, ủng hộ phương án 1 vì cho rằng, khách hàng mới là người quyết định hạng sao của khách sạn, chứ không phải chủ doanh nghiệp hay Nhà nước.
“Khi chủ cơ sở lưu trú thấy cần xếp hạng sao thì sẽ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, còn không bắt buộc, bởi đó là quyền của người kinh doanh, cần được tôn trọng. Điều quan trọng là bảo đảm chất lượng phục vụ du khách”, ông bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Trọng Hiền, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thái Nguyên cho biết, phương án tự nguyện phù hợp với luật doanh nghiệp, tự do kinh doanh. “Có khách sạn chưa đủ 40 phòng để được công nhận 3 sao nhưng chất lượng dịch vụ có thể tương đương 4 sao. Trong khi nhiều khách có tâm lý e ngại khách sạn nhiều sao giá phòng thường đắt hơn”, ông Hiền chia sẻ.
Đi kèm với quy tắc tự nguyện, Tổng Giám đốc Công ty APT Travel, ông Nguyễn Hồng Đài lưu ý nên bổ sung trong Luật khi không đăng ký xếp hạng thì không được tự ý phong sao, để tránh việc cơ sở lưu trú có thể lợi dụng quảng cáo sai sự thật hoặc lừa khách hàng vì du khách có thể chưa biết về khách sạn này.
Trên thế giới nhiều nước cũng có xu hướng xếp hạng sao khách sạn theo hình thức tự nguyện. Chất lượng dịch vụ do chính khách hàng đánh giá. Ông Thắng chỉ ra nhiều khách sạn ở Thụy Sĩ không gắn sao nhưng công suất phục vụ luôn đạt 80%.
Đảm bảo quyền lợi du khách
Một số ý kiến ủng hộ phương án 2 nêu quan điểm, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng nên bắt buộc khách sạn đăng ký xếp hạng sao.
Các khách sạn được công nhận sao phải đáp ứng bộ tiêu chí của Tổng cục Du lịch về số phòng, dịch vụ… |
Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai, phân tích: Ở phân khúc khách sạn 1-3 sao, nếu không bắt buộc đăng ký xếp hạng, rất dễ phát sinh vấn đề giữa khách hàng và người kinh doanh. “Có thể chủ cơ sở lưu trú quảng cáo khách sạn của họ có chất lượng tương đương 3 sao, nhưng làm thế nào để người tiêu dùng biết dịch vụ mình đặt đúng chất lượng đó”, ông Tuyên đặt câu hỏi.
Ngoài quyền lợi của người kinh doanh, ông Tuyên cho rằng quyền lợi của người tiêu dùng cũng cần được đảm bảo và cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm.
Đó cũng là ý kiến của ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn La, khi bày tỏ, bắt buộc đăng ký xếp hạng với các cơ sở lưu trú thì mới bảo vệ được quyền lợi của khách du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết dự thảo Luật Du lịch sửa đổi nếu được thông qua ngày 19/6 tới, Quốc hội sẽ bỏ phiếu chọn lựa một trong hai phương án. Ông đánh giá phương án tự nguyện xếp hạng là điểm mới của dự thảo so với Luật Du lịch 2005, sẽ tạo sự thông thoáng trong quá trình kinh doanh cho các doanh nghiệp và là bước tiến mới trong tiệm cận với ngành du lịch thế giới.
Nguồn: Vnexpress.net