Trong lịch trình, bạn ghi càng chi tiết thì càng chứng minh rõ mục đích chuyến đi với người có thẩm quyền cấp visa.
Hành trình du lịch bụi tự túc đang ngày càng thu hút với các bạn trẻ, để trải nghiệm đầy đủ cuộc sống và văn hóa ở những quốc gia bạn đi qua. Dưới đây là một số bí kíp để dễ xin được visa – cánh cổng tới vùng đất mà bạn mơ ước.
1. Thư mời
Đây là loại giấy tờ ít được quan tâm khi bạn làm hồ sơ visa đi du lịch, nhưng lại là khâu vô cùng quan trọng nếu bạn muốn có visa của một số quốc gia như Nga, Nhật Bản, Bhutan, Mông Cổ, Pakistan…
Để có được thư mời, đơn giản nhất là bạn nhờ người thân, bạn bè quen biết đang sống tại nơi bạn mong muốn đến du lịch. Họ có thể gửi thư này qua địa chỉ email của bạn.
Tuy nhiên, bạn đam mê đi du lịch bụi nhưng lại không quen biết ai tại nơi họ đến cũng đừng quá lo lắng, vì bạn có thể đặt một khách sạn, nhà nghỉ (có đăng ký), nhờ họ gửi thư mời xác nhận việc bạn đi du lịch.
Để chắc chắn hơn, bạn nên đề nghị một công ty du lịch tại nước bạn đi viết cho bạn một thư mời, sẽ phải tốn một ít phí.
Hay bạn cũng có thể nhờ các công ty lữ hành, trung tâm dịch vụ visa để nhờ họ làm dịch vụ thư mời.
Thư mời gồm các nội dung gì?
-Thông tin cá nhân người được mời: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu…
-Thông tin lịch trình của người được mời: Ngày đến và ngày đi, địa điểm du lịch…
-Thông tin của đơn vị hoặc người gửi lời mời: Tên đơn vị hoặc họ tên người gửi lời mời, số điện thoại, địa chỉ, con dấu, đại diện pháp nhân hoặc chữ ký của người gửi lời mời…
Điều cần lưu ý là phải nộp thư mời bằng bản gốc. Những thông tin bạn điền vào thư mời phải trùng khớp với thông tin trên đơn xin visa. Ví dụ bạn không thể để thư mời bạn chọn khách sạn B để ở, trong khi bạn lại khai ở khách sạn A trong đơn xin visa.
2. Mục đích đi du lịch
Để tránh hiểu lầm hay sự nghi ngờ về việc bạn có thực sự đi nước ngoài vì mục đích du lịch hay không, hay vì những lý do khác như mượn cớ đi du lịch để tìm kiếm việc làm hay định cư…, việc chứng minh nhu cầu đi du lịch phải thực sự hợp logic. Đó là bạn phải đi du lịch với những nơi hợp với mình về tài chính, hay kinh nghiệm du lịch bạn từng có.
Bạn hãy chắc chắn về mục đích chuyến đi của mình. Ảnh: Imgur. |
Bên cạnh đó, bạn hãy chứng minh việc đi du lịch của mình là có thật, bằng cách cung cấp lịch trình của chuyến đi. Dù bạn đi tự túc hay đi theo tour, cơ quan cấp visa muốn biết chắc rằng bạn phải có kế hoạch cụ thể.
Trong lịch trình, bạn ghi càng chi tiết thì càng chứng minh rõ mục đích chuyến đi với người có thẩm quyền cấp visa. Những chi tiết đó bao gồm: thời gian, lịch trình, các điểm đến, các điểm tham quan, chỗ ở (bao gồm tên, số điện thoại, email hoặc website), phương tiện vận chuyển, các bằng chứng cho việc bạn đặt một số tour bên đó.
Bạn hãy nộp tất cả hồ sơ đặt phòng, đặt vé vận chuyển. Bạn sẽ phải đặt phòng hoặc phương tiện vận chuyển phải khớp so với chương trình mà bạn đã vạch ra.
3. Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả chuyến đi
Hồ sơ này bao gồm bản gốc sổ tiết kiệm thông thường số tiền đủ đảm bảo chi tiêu trong suốt thời gian đi du lịch, và đã được gửi ít nhất 6 tháng trước đó.
Giấy chứng nhận thu nhập, tài chính (cổ phần, thu nhập chính, thu nhập thụ động, hợp đồng cho thuê nhà, thuê xe,…) của cơ quan có thẩm quyền.
Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng.
Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động.
Bản sao công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà cửa, đất đai hoặc các tài sản có giá trị lớn khác do bạn đứng tên (nếu có)…
4. Vé máy bay và lịch trình chuyến đi
Về vé máy bay
Thông thường, sứ quán/ lãnh sự quán các nước chỉ yêu cầu bạn giữ chỗ trước vé máy bay khi xin visa du lịch. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với các hãng hàng không, hoặc thông qua các đại lý vé máy bay, các công ty lữ hành, nhờ họ giữ chỗ và in giấy xác nhận giữ chỗ cho bạn.
Một số lãnh sự yêu cầu bạn phải xuất vé thì họ mới cấp visa. Lúc này, bạn hãy liên hệ đại lý vé để xuất vé. Tùy theo hãng hàng không và thời điểm, các vé máy bay có thể giữ trong vòng 48 giờ.
Tuy nhiên, nhiều bạn mua vé máy bay từ rất sớm để được giá rẻ. Trong trường hợp không được cấp visa, bạn sẽ bị phạt theo điều kiện quy định của hãng hàng không khi mua.
Về lịch trình chuyến đi
Bạn có thể tham khảo lịch trình tham quan từ các công ty lữ hành, các quyển sách hướng dẫn du lịch, hoặc website hỗ trợ như www.rome2rio để thiết kế lịch trình cho riêng mình. Đơn vị duyệt visa luôn muốn biết chắc rằng bạn phải có kế hoạch cụ thể cho chuyến đi. Vì vậy, lịch trình phải ghi rõ và cụ thể thời gian, các điểm tham quan, nơi ở, phương tiện vận chuyển… Đặc biệt, nơi lưu trú phải có người liên hệ, địa chỉ, số điện thoại và email.
Cần lên kỹ lịch trình chuyến đi. Ảnh: Alphacoder. |
5. Phỏng vấn
Hiện nay, một số quốc gia yêu cầu các bạn phải phỏng vấn khi cấp visa như Mỹ, hoặc muốn hiểu rõ hơn bạn trước khi cấp visa thì họ cũng mời bạn phỏng vấn như Australia, Canada, Brazil, Israel, Argentina… Thông thường, các câu hỏi phỏng vấn sẽ tập trung vào lý do của chuyến đi, bạn có đủ khả năng chi trả cho chuyến đi không, đi trong bao lâu…
Nguồn: News.zing.vn