Tình cờ nghe “Phù vân nối phù vân/ Thời gian cứ xoay vần/ Người đi, người lại đến/ Đời xa đời sẽ nối”… cả nhóm chúng tôi rủ nhau thoát khỏi cái nóng bức, ngột ngạt của Sài Gòn để đi ngắm mây trời.
Điểm đến được lựa chọn là ngọn núi Đại Bình xanh ngát của cao nguyên Lâm Đồng, bởi nó cách Sài Gòn không quá xa. Những câu chuyện râm ran, tiếng cười rộn rã trên xe chưa chấm dứt, chân núi Đại Bình đã hiện ra. Cả nhóm quyết định leo núi với bước chân của những công chức làm biếng thể dục thể thao.
|
Nghe nói, đoạn đường lên đỉnh chỉ tầm 2.5km, ai cũng tự tin về sức khỏe của mình: “Ôi nhằm dò gì”. Thế nhưng, leo non mới biết non cao, những đoạn dốc nối dốc như thẳng đứng khiến anh chàng bụng bia của nhóm phải gọi trợ giúp “xe ôm” từ người dân địa phương sau khi hì hục thở. Cô bạn thân thời đại học cười khoái chí nhại lời bài hát Xin lỗi tình yêu: “Anh nói sẽ đưa em đi suốt cuộc đời. Mà sao không đưa được bằng người xe ôm”. Chàng bụng bia đỏ mặt ôm bụng cười lăn dù lúc này anh ta mới thấm thía câu nói: “Nhiều lúc thở không thôi, cũng thấy mệt”.
|
Sau những cuốc xe ôm của 2 anh bạn vui tính người đồng bào, chúng tôi khoan khoái hít đầy lồng ngực khí trời trong veo lúc đặt chân đến UP Base Camp do một chàng trai “bỏ phố lên rừng” gầy công tạo dựng.
Không khí và cảnh vật thiên nhiên nhanh chóng đánh tan mọi sự mỏi mệt. Lấy lại nhịp thở bình thường, cả nhóm thốt lên: “Việc đầu tiên sau khi xuống núi là tập thể dục”, bởi có đi mới thấy sức khỏe của mình đã xuống cấp thế nào.
|
Đón tiếp chúng tôi là gia đình người K’Ho Châu Mạ vốn rất vui tính, nhiệt tình và thật cái bụng.
Bữa tối đơn sơ được dọn lên với món cháo cá đủ 7 hương vị chua cay của núi rừng, cùng một ít gà và heo nướng mà nhóm gọi là bữa BBQ thịnh soạn, bởi đã được non xanh Đại Bình thết đãi bằng chiều hoàng hôn “mênh mênh mang mang” bất tận.
|
Đêm xuống, những tiếng trầm trồ “đẹp, tuyệt, đẹp quá”, lại vang lên khi từ đỉnh núi ngắm thành phố Bảo Lộc lung linh trong ánh điện chập chờn như những đoàn tàu đánh cá ngoài đại dương xa xa.
Ở nơi điện là xa xỉ, mới cảm nhận được “sống chậm đôi khi hay bất tận, bắt chước người xưa nào hề chi phú quý công danh”.
Sướng! Sướng nhất lúc này là giá điện tăng phi mã của không còn là nỗi bận tâm của lũ chúng tôi.
Đêm!
Đại Bình còn hơn cả bức tranh trong tưởng tượng. Giữa không gian tĩnh mịch, ánh sáng của ngọn đèn dầu báo bão đủ cho chúng tôi ôn lại những câu chuyện thời sinh viên nghịch ngợm.
Sau những chén rượu Đào Tiên do chính tay người đồng bào ngâm, chếnh choáng say, “nhạc đã về”, cả nhóm ngân nga điệu bolero bất tận nhờ tay guitar rất cứng của anh bạn cũng đã “ngộ” thế thái nhân tình, khi quyết định ăn chay trường trong nhiều năm qua.
Cứ thế, tiếng ca dù ở đẳng cấp “giải tán đám đông”, nhưng ngọt ngào đến lạ bởi sân khấu là núi rừng mênh mông, ánh sáng là những chú đom đóm lập lòe, còn âm thanh là tiếng guitar thùng cùng những tiếng vỗ bàn mộc mạc, hay chi lạ. Một đêm nhạc hay mà chúng tôi chưa bao giờ được trình diễn và thưởng thức khi hơn nửa đời người đã đi qua!
Cứ thế, lời ca tiếng hát và những câu chuyện vui kéo chúng tôi vào quá nữa đêm lúc nào không hay biết.
Sáng!
Kết thúc cuộc vui lúc hơn 1 giờ sáng, nhưng tiếng chim rừng rộn rã kéo chúng tôi bật dậy lúc bình minh ló dạng để ngắm mây trời.
Từ căn lều ngủ mở mắt nhìn ra, từng lớp mây trắng bồng bềnh như cảnh thần tiên. Dù bước chân vẫn còn nặng trịch, nhưng cả nhóm quyết định leo thêm 2 đoạn dốc để được hòa mình vào mây trắng, săn những bức ảnh mây trôi ngay trước mắt.
“Núi ôm ấp mây, mây ấp núi”, cảnh nên thơ đến lạ khiến cho bất cứ ai dù ghét chụp ảnh đến đâu cũng lôi điện thoại ra để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng.
Bên tách cà phê tươi nguyên chất cùng ấm chè nóng vừa hãm từ những búp trà đẫm hơi sương, những làn mây trắng lại tràn vào ôm ấp chúng tôi. Khoảng 6 giờ sáng, ánh sáng mặt trời chiếu khắp Đại Bình khiến cảnh sắc thêm lung linh, huyền ảo. Những cành hoa dại quyện hơi sương trong nắng sớm đẹp không thể tả.
Chúng tôi chia tay Đại Bình sau khi trồng những cây xanh để góp phần làm nhà cho chim chóc và muôn thú sau này. Đó là dự án hay của ông chủ Nguyễn Tử Anh, mỗi khách đến đây đều tự mình trồng một gốc cây, để đóng góp vào thiên nhiên và để hẹn ngày quay trở lại ngắm gốc cây mình trồng.
Chia tay Đại Bình, nhóm chúng tôi ngược về xuôi cùng ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Có một cây là có rừng/Và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương”.
Tin liên quan
- Ngao du non nước nơi có thác Bản Giốc, bất ngờ những làng nghề truyền đời sau
- Đi chơi dịp cuối tuần: Những tour du lịch hấp dẫn gần Sài Gòn
- Điểm săn mây Đạ Sar đóng cửa vì khách ‘du lịch quên mang ý thức’, dân phượt tiếc nuối
Nguồn: Thanhnien.vn