Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Luật Thuế TTĐB để khuyến khích sản xuất và sử dụng ôtô điện. Tuy nhiên, nội dung này thuộc thẩm quyền Quốc hội, vì vậy, phải trình Quốc hội sửa luật.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông và Vận tải để hồi đáp về chính sách ưu đãi thuế đối với ôtô điện chạy pin.
Theo Bộ Tài chính, những năm gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng ôtô điện, thúc đẩy việc sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, trong đó có chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.
Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện ở 3 mức độ tương ứng với ba chủng loại xe khác nhau. Ôtô điện dưới 9 chỗ ngồi có thuế suất 15%, đối với xe chở người 10-16 chỗ ngồi là 10% và xe 16-24 chỗ ngồi là 5%.
Đối với lệ phí trước bạ, hiện nay mới chỉ có ưu đãi với xe bus sử dụng năng lượng sạch nhằm góp phần khuyến khích phát triển phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, chưa ưu đãi đối với xe cá nhân.
Mẫu xe ôtô điện VF e34 của VinFast. Ảnh: VinFast. |
Do đó, để khuyến khích sản xuất và người tiêu dùng sử dụng ôtô điện, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nội dung này thuộc thẩm quyền Quốc hội, vì vậy phải trình Quốc hội sửa luật. Về lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho biết đây là thẩm quyền của Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh đại dịch, trường hợp phải ban hành sớm hơn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tài chính cho biết tại Việt Nam, ôtô điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ và hiện chỉ có VinFast đầu tư, sản xuất. Tháng 4, hãng này mới cho ra mắt chiếc xe đầu tiên, dự kiến công suất xe chạy pin của VinFast có thể lên đến 250.000 chiếc/năm và có thể nâng lên 500.000 đến 1 triệu chiếc xe/năm.
Cơ quan này cho rằng trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong phát triển xe điện là cơ sở hạ tầng: trạm sạc còn thiếu, năng lượng cung cấp điện chủ yếu từ nguồn nhiên liệu có phát thải CO2 cao, chiếm gần 50% tổng sản lượng điện huy động, trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo (mặt trời, sức gió, sinh khối) chỉ chiếm 4,3% và được coi là nguồn điện không ổn định).
Theo khảo sát của Frost & Sullivan (Mỹ), 33% người Việt được hỏi đều trả lời họ nghĩ đến mua ô tô điện từ lần đầu ra mắt. Vì vậy, Việt Nam được hứa hẹn là thị trường tiềm năng cho xe điện chạy pin.
Trước đó, tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành vào giữa tháng 5, Tập đoàn Vingroup đề nghị chính sách thí điểm ưu đãi cho ngành sản xuất ôtô điện. Cụ thể, Vingroup đề xuất thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ôtô điện.
Nêu quan điểm về đề xuất này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái và các cơ quan tham gia cuộc họp đều nhất trí rằng cần có giải pháp mạnh, quyết liệt để hỗ trợ phát triển sản xuất ôtô điện tại Việt Nam theo Nghị quyết 23/2018 của Bộ Chính trị về chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 và quyết định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến 2025, tầm nhìn 2035.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ôtô điện.
Đối với kiến nghị của Vingroup, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện nội dung đánh giá về chính sách ưu đãi cho ôtô điện. Trong đó, cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá và hướng xử lý phù hợp với thẩm quyền, quy định pháp luật (các văn bản pháp luật cần ban hành, sửa đổi, bổ sung, tiến độ thực hiện…).
Nguồn: News.zing.vn