Trả lời Zing, thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand nói muốn cùng Việt Nam thắt chặt quan hệ hợp tác ở nhiều lĩnh vực để phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis vừa có kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại New Zealand – Việt Nam lần 7 cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vào ngày 23/10.
Sau cuộc họp, Thứ trưởng Vitalis trả lời riêng Zing về những vấn đề trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – New Zealand và cách hai nước cùng hợp tác để phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Người New Zealand thích trái cây Việt Nam
– Ông đánh giá thế nào về triển vọng trao đổi xuất – nhập khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực giữa Việt nam và New Zealand trong tương lai?
– Trái cây New Zealand nổi tiếng trên khắp thế giới về chất lượng và độ an toàn. Do đó, tôi rất vui khi thấy quả kiwi, anh đào và táo của chúng tôi trở thành mặt hàng bán chạy trên thị trường Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, người New Zealand cũng ưa thích các loại hạt và trái cây nhiệt đới của Việt Nam, điển hình như trái thanh long.
Hoạt động trao đổi xuất – nhập khẩu trái cây giữa hai nước đang phát triển mạnh. Nhiều doanh nghiệp đang bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác song phương.
Người dân Việt Nam mua táo nhập khẩu từ New Zealand. Ảnh: ĐSQ New Zealand tại Hà Nội. |
– Thứ trưởng nhận xét như thế nào về tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động xuất – nhập khẩu trái cây giữa Việt Nam và New Zealand?
– Bất chấp những khó khăn phát sinh bắt nguồn từ dịch Covid-19, thương mại song phương của hai nước vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2020.
Trái cây hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của New Zealand sang Việt Nam. Điều này cho thấy ngày càng nhiều khách hàng Việt Nam tìm đến các sản phẩm trái cây tươi, chất lượng cao và an toàn từ New Zealand.
Chính phủ New Zealand đang nỗ lực tháo bỏ các rào cản trong quá trình thông thương với Việt Nam. Điều này đóng vai trò cấp thiết trong việc duy trì mối quan hệ thương mại giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh chuỗi cung ứng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp của New Zealand và Việt Nam đang xây dựng khung chương trình hợp tác chứng nhận điện tử nhằm cải thiện nền thương mại hàng hóa nông nghiệp giữa hai nước.
Thương mại Việt Nam – New Zealand tăng 330% sau 10 năm
– Ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển thương mại hai chiều, và triển vọng tăng cường hợp tác nhờ các hiệp định thương mại như AANZFTA, CPTPP mà cả hai nước đều là thành viên phê chuẩn?
– Nhìn chung, mối quan hệ song phương của chúng ta đang phát triển mạnh, bằng chứng là Việt Nam và New Zealand chính thức trở thành đối tác chiến lược vào tháng 7.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis. Ảnh: ĐSQ New Zealand tại Hà Nội cung cấp. |
Giới chức lãnh đạo hai nước tái khẳng định lợi ích chung và triển vọng hội nhập kinh tế khu vực, tự do hóa thương mại và một hệ thống hợp tác đa phương.
Mối quan hệ thương mại giữa hai nước đã phát triển rõ rệt trong những năm gần đây, và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand. Vào tháng 6 năm 2020, thương mại hàng hóa hai chiều đạt mức 1,35 tỷ USD.
Quan hệ đối tác của hai nước trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một phần quan trọng đối với triển vọng hợp tác phát triển thương mại song phương.
Kể từ khi AANZFTA có hiệu lực vào năm 2010, hoạt động thương mại giữa Việt Nam – New Zealand đã tăng 330%.
Tương tự như Việt Nam, New Zealand là một quốc gia thương mại. Do đó, mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất quan trọng trong việc đảm bảo các đơn vị xuất khẩu có thể xây dựng mối liên kết mà vẫn duy trì tính cạnh tranh sẵn có.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis họp bàn cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh ngày 23/10. Ảnh: ĐSQ New Zealand tại Hà Nội. |
Hỗ trợ Việt Nam phát triển giống thanh long chất lượng
– Lời khuyên của ông đối với các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam để tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu?
– Theo kinh nghiệm của New Zealand, đầu tư vào hệ thống an toàn thực phẩm, và cẩn trọng trong từng bước tiến lên chuỗi giá trị cao, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp chất lượng.
Với vai trò là một đối tác tin cậy và thân thiết, New Zealand sẽ tiếp tục chia sẻ về mặt chuyên môn nhằm hỗ trợ ngành trái cây cao cấp đang phát triển nhanh của Việt Nam.
Ví dụ, thông qua Chương trình Viện trợ New Zealand, chúng tôi đã tài trợ cho một dự án trị giá hơn 5 triệu USD tập trung vào việc tạo ra một giống thanh long mới có tiềm năng cao cho Việt Nam. Chúng tôi đang mong đợi tiềm năng thương mại trong tương lai của những giống mới này.
Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ nông dân trồng thanh long và nhà đóng gói các phương pháp canh tác mới giúp tăng gấp đôi năng suất trên mỗi hécta, cùng với các kỹ thuật rửa và làm mát sau thu hoạch để giảm hư hại và kéo dài thời gian bảo quản.
– Theo ông, New Zealand có thể làm gì để hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững?
– Sự thành công của ngành nông nghiệp New Zealand được xây dựng trên nền tảng của các nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Trong khi New Zealand sở hữu đội ngũ chuyên gia và công nghệ hàng đầu thế giới, Việt Nam có một nền nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ ấn tượng. Sự giao thoa này mở ra những cơ hội hợp tác song phương trong tương lai.
Chúng tôi đang làm việc với Việt Nam trong việc cải thiện quy trình sản xuất bơ, phương pháp giảm khấu hao sau thu hoạch, thiết bị sản xuất sữa, đào tạo về dịch tễ học và nhiều lĩnh vực khác.
Tiềm năng hợp tác công nghệ
– Trong bối cảnh Việt Nam đã đầu tư vào phát triển công nghệ và ngành thương mại điện tử đạt nhiều bước phát triển nhanh chóng, ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác đổi mới công nghệ giữa hai nước?
– Công nghệ là một lĩnh vực tương đối mới nhưng rất tiềm năng trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và New Zealand.
Công nghệ hiện là ngành xuất khẩu lớn thứ ba của New Zealand. Chúng tôi có một số công ty hàng đầu thế giới đang làm việc với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như phần mềm y tế tiên tiến và dự báo khí tượng thông minh. Một số công ty New Zealand cũng đã đầu tư vào Việt Nam.
New Zealand sẽ trở thành Chủ tịch của APEC vào năm 2021. Chúng tôi hy vọng có cơ hội làm việc với Việt Nam và các thành viên APEC khác để xem xét cách chúng ta có thể xây dựng nền kinh tế hỗ trợ trong khu vực, dựa trên nền tảng thương mại điện tử.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trong buổi họp với đại diện New Zealand. Ảnh: Tạp chí Công thương. |
Cơ hội phục hồi du lịch hậu Covid-19
– Ông đánh giá thế nào về cơ hội phục hồi và phát triển ngành du lịch của hai nước trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19?
– Cho đến nay, New Zealand và Việt Nam đều đã kiểm soát tốt Covid-19. Tuy nhiên, ngành du lịch của cả hai nước đã chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Trước Covid-19, một lượng lớn khách du lịch New Zealand đã đến thăm những thắng cảnh và thành phố củaViệt Nam.
Chúng tôi cũng vui mừng khi nhận thấy số lượng du khách từ Việt Nam đến New Zealand ngày càng tăng. Tôi hy vọng ngành công nghiệp không khói này sẽ sớm phục hồi sau khi đại dịch qua đi.
Tăng trưởng bao trùm
– Theo Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và New Zealand, cả hai nước sẽ khuyến khích tăng trưởng bao trùm. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
– New Zealand là nước ủng hộ mạnh mẽ nền tảng thương mại bền vững và toàn diện, mang lại lợi ích cho tất cả người dân của chúng ta.
Điển hình là vào tháng 8, New Zealand, Canada và Chile đã ký Thỏa thuận Thương mại Toàn cầu và Bình đẳng giới nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực này.
Phụ nữ thường ít có khả năng được làm việc trong ngành thương mại. Do đó, họ không có cơ hội tận dụng nguồn lợi đến từ mạng lưới kinh doanh toàn cầu.
Đây là điều mà chúng tôi mong muốn được trao đổi ý kiến với Việt Nam, bởi lượng doanh nhân nữ thành công tại đất nước của các bạn đang tăng dần trong những năm gần đây.
Tăng trưởng bao trùm là một trong những chủ đề được New Zealand chú trọng phát triển. Ảnh: OECD. |
2.700 thanh niên Việt Nam chọn du học ở New Zealand
– Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và New Zealand cũng nhấn mạnh “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” và đề cập đến “Kế hoạch cam kết chiến lược về giáo dục 2020-2023, giáo dục và đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng”.
Theo ông, tầm nhìn này đã và đang mở ra những cơ hội gì trong hợp tác về mặt giáo dục và đào tạo giữa hai quốc gia? Ngoài ra, Việt Nam và New Zealand nên lập kế hoạch và mục tiêu cụ thể như thế nào?
– Giáo dục là nền tảng của quan hệ đối tác song phương giữa hai nước, đồng thời là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Trước Covid-19, hơn 2.700 sinh viên Việt Nam theo học tại New Zealand, tăng 44% tính từ năm 2017.
Mặc dù đại dịch đặt ra một số thách thức đối với quá trình xuất nhập cảnh của sinh viên quốc tế, chúng tôi mong muốn chào đón sinh viên Việt Nam đến New Zealand khi điều kiện cho phép.
Các cơ sở giáo dục của New Zealand cũng cung cấp nhiều giải pháp linh hoạt hơn, đơn cử như những chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam và nhận bằng tốt nghiệp quốc tế.
Bên cạnh đó, hai nước có nhiều cuộc trao đổi liên tục về việc học trực tuyến và xây dựng chương trình giảng dạy.
Cùng với việc nâng cấp Đối tác Chiến lược vào tháng 7, Việt Nam và New Zealand đã ký một Kế hoạch Gắn kết Giáo dục Chiến lược và một thỏa thuận hợp tác mới về đào tạo nghề.
Những bước tiến này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về mặt giáo dục giữa New Zealand với Việt Nam.
Nguồn: News.zing.vn