Để không phải đào tạo lại nhân viên sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch muốn tham gia xây dựng để giáo trình sát thực tế hơn.
Chất lượng hướng dẫn viên du lịch vừa được đưa ra tại Hội thảo khoa học Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở các tỉnh phía Bắc ngày 13/6.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Đại học Hạ Long, chia sẻ ở Quảng Ninh, tỷ lệ hướng dẫn viên đáp ứng nhu cầu của khách không nhiều. Một số hướng dẫn viên được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng hạn chế về ngôn ngữ hoặc không hiểu sâu về các điểm du lịch. Ngược lại, một số có ngoại ngữ tốt nhưng thiết hụt kiến thức nghiệp vụ, văn hóa, lịch sử…
“Thậm chí một số người mới học xong phổ thông, có bằng C ngoại ngữ cũng tham gia vào đội ngũ hướng dẫn du lịch”, bà Lan nói.
Về chất lượng lao động du lịch, trong đó có hướng dẫn viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc công ty du lịch Transviet, cũng bày tỏ sự lo ngại khi phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng. “Theo tôi đây là sự lãng phí lớn của xã hội và doanh nghiệp”, ông Đạt bày tỏ.
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam. |
Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết hướng dẫn viên du lịch đang được đào tạo dưới mã ngành Việt Nam học, tức nghiên cứu về Việt Nam nói chung và chưa có chương trình đào tạo chuẩn. Lý thuyết chiếm 80% khung giảng dạy trong khi thời gian thực hành ít.
“Bản thân hướng dẫn viên là đại sứ du lịch, phải tinh thông về ngoại ngữ, có kiến thức về lịch sử, văn hóa và năng khiếu truyền đạt. Mã ngành Việt Nam học này chưa đảm bảo tạo ra được người hướng dẫn viên du lịch giỏi”, ông Hùng băn khoăn.
Do đó, Hiệp hội Đào tạo Du lịch cho biết sẽ phối hợp cùng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) để xây dựng chương trình chuẩn đào tạo hướng dẫn viên. “Việc này đang rất cấp thiết. Nếu chúng ta không có chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch thì đừng nghĩ đến chất lượng cao”, ông Hùng nói.
Ông Đạt đề xuất các trường xây dựng chương trình đào tạo sát hơn với thực tế, bằng cách để doanh nghiệp cùng tham gia dựng giáo trình và đào tạo kỹ năng.
“Hiệu trưởng phải có trách nhiệm xây dựng và đổi mới chương trình của trường mình để cập nhật với yêu cầu của xã hội, trên cơ sở bộ tiêu chuẩn đào tạo nghề du lịch. Tỷ lệ thực hành và lý thuyết ở các trường dứt khoát phải có sự thay đổi, trong đó thực hành chiếm 70-80%”, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch nhấn mạnh.
Vấn đề mất cân bằng về số lượng hướng dẫn viên các thứ tiếng, đặc biệt là tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng được đề cập tới tại hội thảo.
Ông Hùng cho biết sắp tới Hiệp hội sẽ mở các lớp tiếng này cho hướng dẫn viên: “Gọi là bồi dưỡng nhưng thực chất là đào tạo về các ngoại ngữ này để chúng ta có một lực lượng bổ sung”.
Nguồn: Vnexpress.net