Vì sao ăn hột vịt lộn phải kèm với rau răm?

0
24
Trên khắp các miền, món hột vịt lộn đều ăn kèm với rau răm /// Giang Vũ

Cho dù có đủ mọi món ngon từ hột vịt lộn như rang me, xào rau muống, hầm lá ngải cứu… thì món hột vịt lộn với tôi ngon nhất vẫn là ăn kèm với rau răm và muối tiêu.

Trên khắp các miền, món hột vịt lộn đều ăn kèm với rau răm /// Giang VũTrên khắp các miền, món hột vịt lộn đều ăn kèm với rau răm – Giang Vũ

Một trong các điều dân xứ nhiệt đới thấy hạnh phúc chính là luôn có cả vườn rau, rừng rau thơm để chọn lựa cho nghệ thuật chế biến món ăn ngon. Tùy vùng miền, tùy khẩu vị cộng đồng và cá nhân mà cách chọn loại rau thơm hành, ngò, cần, húng, quế … nêm nếm cho món ăn bình dân hay quý tộc có khác nhau.
Nhưng rau thơm đâu chỉ để riêng cho nêm nếm mà mùi thơm kích thích khẩu vị, mà còn là sự khoa học và thấu hiểu lẽ âm dương để phối rau cho hợp vị cũng như tốt cho sức khỏe.
Có bao giờ bạn tự hỏi, trong một rừng rau thơm thì người Việt lại chọn rau răm ăn cùng hột vịt lộn? Hầu như trải qua bao thế hệ, không có loại rau thơm nào thay thế được cho việc thưởng thức món ngon hột vị lộn luộc.

Vì sao ăn hột vịt lộn phải kèm với rau răm? - ảnh 1

Vì sao ăn hột vịt lộn phải kèm với rau răm? - ảnh 2

Theo cố giáo sư Đỗ Tất Lợi trong cuốn Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam (trang 547) thì: Rau răm là cây rau thường được dân ta dùng nhiều để ăn sống trong các bữa ăn như là một vị rau thơm. Đặc biệt một số món kết hợp không thể thiếu rau răm là món trứng lộn…
Rau răm hay còn gọi là thủy liễu. Tên khoa học Polygonum odoratum Lour, thuộc họ Rau răm Polygonaceae.
Tìm hiểu thêm dược tính và công dụng của rau răm, người khoái khẩu với món hột vịt lộn sẽ thêm tự tin khi biết: Rau răm có tính nóng, tinh dầu hơi đắng và cay. Trong Đông y, rau răm được biết đến với công dụng trừ phong hàn, hoạt huyết, tiêu độc, kích thích tiêu hóa.
Như vậy mỗi khi chọn ăn món hột vịt lộn luộc, một món ngon đại bổ có tính hàn thì rau răm có dược tính nóng, đó là cách cân bằng âm dương trong thực phẩm để khẩu vị và cơ thể hấp thu đầy đủ chất bổ dưỡng lại vừa giúp ấm bụng, dễ tiêu hóa, khử độc.

Vì sao ăn hột vịt lộn phải kèm với rau răm? - ảnh 3

Vì sao ăn hột vịt lộn phải kèm với rau răm? - ảnh 4

Nhưng có khi bàn thêm về dược chất của rau răm và hột vịt lộn giúp cân bằng năng lượng đại bổ của món hột vịt lộn luộc chấm muối tiêu chanh, khiến bạn có thể cho là vẽ vời.
Đúng là món này dẫu theo truyền thuyết có lần được vua Minh Mạng triều Nguyễn thiết đãi các công sứ Tây Phương, nhưng trước sau vẫn được người đời xếp vào thực đơn món ăn chơi, ăn vặt.
Sự xứng hợp của rau răm và hột vịt lộn quả đáng ca ngợi là một mối tình chung thủy không bao giờ chia lìa. Thật ngon miệng khi bạn ngồi bên sạp, bên gánh chợ quê hay hàng quán vỉa hè đô thị, cầm cái chung sành có hột vịt lộn nóng bỏng, dùng cái muỗng nhỏ khẻ nhẹ lên đầu hột vịt, tách bỏ một góc vỏ trứng, kề miệng vô hút phần nước cốt, lấy muỗng múc phần phôi trứng chấm vô chén muối tiêu chanh, rồi cho vô miệng, nhưng nếu sau đó bạn không ngắt một vài lá rau răm ăn kèm thì kể như bạn chưa bao giờ biết đủ đầy vị ngon của món hột vịt lộn, một trong vài món ăn dân dã ngon nhất trần đời.

Vì sao ăn hột vịt lộn phải kèm với rau răm? - ảnh 5

Quảng cáo

Tất nhiên người Việt ta chế biến nhiều món hột vịt lộn như trứng vịt lộn hầm ngải cứu, hột vịt lộn hầm thuốc bắc và cho dù gần đây có thêm món hột vịt lộn xào me nhưng phổ biến và có hàng trăm năm danh tiếng vẫn là hột vịt lộn luộc, rau răm, muối tiêu.
Thời các món ngon Việt danh tiếng được du khách và chuyên gia ẩm thực Nhật, Hàn, Tây, Mỹ… đua nhau thưởng thức và quảng bá trên mạng xã hội, nhưng nhìn các clip thu cảnh họ lấy hết sự can đảm, nhắm mắt, nhăn mặt đưa vô miệng cả con vịt con vừa tách khỏi vỏ trứng mà không màng đến việc ăn kèm mấy cọng rau răm cho tròn đủ vị ngon thì quả là đáng tiếc, bởi nếu không giải thích được cho họ lợi ích hài hòa của rau răm, thì có khi tốt nhất không nên thưởng thức món hột vịt lộn.
Cân bằng các tính năng âm dương đem lại lợi ích dinh dưỡng và sức khỏe cho người ăn, hột vịt lộn luộc, rau răm đã thực chứng lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt. Từ đó, có cơ sở để tự hào từng gia vị nêm nếm, từng loại rau thơm ăn kèm… trong nghệ thuật sáng tạo, chế biến món ngon Việt đều là tinh hoa truyền đời. 

Những lý giải về văn hóa ẩm thực chỉ nhìn ở một vài khía cạnh thì cũng là chưa bao quát. Rất mong quý độc giả Thanh Niên có thêm nhận xét về chủ đề này ở phần bình luận cuối bài. 

Tin liên quan

  • Vì sao chỉ Sài Gòn mới có mì vịt tiềm ngon nhất hạng?
  • Vì sao ăn phở Sài Gòn kèm giá và rau thơm, khác hẳn phở Hà Nội?
  • Vì sao miền Nam có tên gọi chả giò, miền Bắc gọi nem?

Nguồn: Thanhnien.vn