Ngoài món bánh củ cải nổi tiếng thì bánh tằm bì là món ăn mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm vùng đất công tử Bạc Liêu.
Hãy bắt đầu một ngày du ngoạn Bạc Liêu bằng món bánh tằm bì độc đáo và lạ miệng của người dân ở đây. Đây là một món ăn dân dã nên bạn có thể thưởng thức món ăn từ gánh hàng rong, quán vỉa hè hoặc trong một ngôi chợ nào đó bất kỳ. Tuy là món ăn phổ biến nhưng hầu như không ai biết món ăn này có từ lúc nào, vì sao có tên gọi đó?… Trong những câu chuyện vui của người dân ở đây, sở dĩ có tên gọi như vậy vì sợi bánh tằm nhìn giống con tằm, ăn với bì nên có tên gọi là bánh tằm bì.
Mặc dù không biết chắc về tên gọi và nguồn gốc nhưng món ăn với sợi bánh làm từ bột gạo, ăn kèm với bì, rau cùng nước cốt dừa… với vị vừa mặn vừa ngọt đã làm mê mẩn biết bao nhiêu du khách khi lần đầu ăn món này. Tuy là món ăn bình dân, nguyên liệu không có gì đặc biệt nhưng để có được một đĩa bánh tằm bì thơm ngon, béo ngậy đòi hỏi không ít công sức của người bán.
Bánh tằm bì tuy bình dị nhưng là một món ăn rất tinh tế đầy hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa |
Sợi bánh chính là thành phần quan trọng nhất của món ăn. Một đĩa bánh tằm bì được đánh giá là ngon khi sợi bánh phải trắng muốt, mềm, dai và không bị đứt đoạn. Để làm được điều đó thì khâu nhồi bột là quan trọng nhất, bột gạo được pha với bột năng theo tỷ lệ nhất định rồi nhồi với nước sôi. Nhồi bột đến lúc bột mềm, mịn, dẻo mà không dính tay là được. Bột được chia thành từng viên nhỏ, dùng tay se viên bột thành những sợi tròn dài. Ngày nay, nhiều nơi bán bánh tằm bì thường cán bột thành từng lát mỏng, rồi thái thành sợi như bánh canh. Cách làm này tuy nhanh nhưng sợi bột sẽ không đẹp và không dai bằng.
Sự kết hợp nhiều nguyên liệu với nhau đem đến hương vị thơm ngon và lạ miệng cho người ăn. Ảnh: Khánh Hòa. |
Sau khi làm xong, cho sợi bánh vào nồi luộc chín. Xả lại với nước lạnh nhiều lần rồi để ráo. Tiếp đến trộn bánh với ít dầu ăn để những sợi bánh không dính vào nhau. Ngoài sợi bánh thì bì và nước cốt dừa ăn kèm cũng quan trọng không kém. Bì được thái thành từng sợi mỏng đều nhau, trộn với thịt nạc thái sợi và thính gạo vừa giòn vừa bùi.
Nước cốt dừa của món ăn này rất đặc biệt, người bán phải tỉ mỉ pha chế làm sao để nó vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Nước cốt dừa được nấu với lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.
Nước cốt dừa được pha vừa mặn vừa ngọt, vẫn giữ được vị béo nhưng không hề ngấy mà lại thơm ngon. Ảnh: Khánh Hòa. |
Ngoài ra, bánh tằm bì còn có giá chần, mỡ hành cùng dưa leo, các loại rau thơm thái nhỏ, có nơi còn có thêm cà rốt, củ cải thái sợi ngâm chua…. Bánh tằm bì được cho vào một chiếc đĩa, bì cho lên trên, tiếp đến là các loại rau, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho thực khách. Khi ăn món này, thực khách trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng thì có thể chan thêm ít nước mắm ngọt được chủ quán chuẩn bị sẵn.
Tuy chỉ là món ăn sáng dân dã của người dân ở đây nhưng đĩa bánh tằm bì vừa có vị mằn mặn, vừa hơi ngọt được hòa quyện vào nhau một cách rất hài hòa chắc hẳn sẽ là điều bất ngờ và thú vị cho những thực khách lần đầu tiên thưởng thức món ăn này.
Tiêu Phong
Nguồn: Vnexpress.net