Doanh nhân người Mỹ gốc Á Anthony Hsieh từng làm nhân viên thu ngân trước khi thành lập tập đoàn thế chấp bất động sản trị giá hàng tỷ USD.
Theo Bloomberg, doanh nhân Anthony Hsieh là một tỷ phú người Mỹ gốc Á hiếm hoi trong giới “siêu giàu”. Tập đoàn thế chấp bất động sản LoanDepot của ông đã thực hiện niêm yết trên sàn Giao dịch Chứng khoán New York vào đầu năm nay, nâng giá trị tài sản của vị tỷ phú lên hàng trăm triệu USD.
Ông Hsieh cho biết đây là thành quả của hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực cho vay thế chấp. “Tôi có một cơ hội tuyệt vời. Nhờ vào thành công của tôi, người Mỹ đã coi trọng người châu Á hơn. Đó là một niềm tự hào đối với người châu Á”, vị tỷ phú nói.
Vị trí mà Hsieh có được ngày nay là một điều không tưởng vào 42 năm trước, khi cửa hàng rượu của gia đình ông tại California bị một tên trộm đột nhập. Chàng trai khi ấy 14 tuổi bị chĩa súng vào đầu và bị yêu cầu nộp hết số tiền trong két sắt.
Hsieh cho rằng giây phút cận kề nguy hiểm này đã đem lại cho ông những bài học khi bước chân vào thương trường, nơi một người Mỹ gốc Á như ông thường xuyên là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc.
Doanh nhân Anthony Hsieh từ hai bàn tay trắng. Ảnh: Business Insider. |
“Từ khi còn trẻ, tôi đã biết cách tự bảo vệ bản thân và làm sao để tồn tại”, Anthony nói. Doanh nhân 56 tuổi từng trải qua thêm 2 vụ cướp có vũ trang khi làm nhân viên thu ngân cho cửa hàng gia đình.
Cha mẹ Hsieh cùng ông và 2 người chị gái đến California sinh sống sau khi di cư từ Đài Loan vào những năm 1970, mang trong mình một “giấc mơ Mỹ”. Sau nhiều năm làm một đầu bếp, cha của Hsieh đã tự mở được cửa hàng của riêng mình. Vì gia đình không giao tiếp bằng tiếng Anh, Anthony Hsieh quán xuyến hết mọi vấn đề tài chính trong nhà, từ mua xe, đồ gia dụng cho đến vay thế chấp. “Từ khi 8 tuổi, tôi đã là phiên dịch viên và cố vấn tài chính cho cha mẹ của mình”, Hsieh nói.
Theo Bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, Hsieh hiện sở hữu khối tài sản ước tính 2 tỷ USD. Ông là một trong số ít doanh nhân người Mỹ gốc Đông Á, cùng với Eric Yuan – CEO của phần mềm hội thảo trực tuyến Zoom và Jensen Huang – CEO của tập đoàn Nvidia, đã gây dựng công ty mình sáng lập thành những doanh nghiệp tỷ USD.
Khác với nhiều tỷ phú bắt đầu sự nghiệp ở Thung lũng Silicon với bằng tốt nghiệp từ nhiều đại học danh giá, Hsieh theo học tại Đại học Bang California tại Fullerton.
Cơ duyên của Hsieh với ngành tài chính cũng rất tình cờ. Cha mẹ ông muốn ông trở thành bác sĩ hoặc nha sĩ. Tuy nhiên, Hsieh quyết định nghe theo lời khuyên của một người bạn và nộp đơn cho một công ty cho vay thế chấp nhỏ và được nhận vào ngay lập tức.
Ông Hsieh là một trong những tỷ phú gốc Á hiếm hoi ở thung lung Silicon. Ảnh: Bloomberg. |
Chỉ sau 4 năm làm việc, Hsieh nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành này và đề nghị mua lại công ty. Ngay khi mua thành công, Hsieh sa thải nhân viên đánh máy, loại bỏ máy fax, mở rộng thị trường trực tuyến và đổi tên công ty thành LoansDirect.com.
“Tôi cảm thấy tôi có thể làm tốt hơn thế. Tôi không chắc tôi giỏi gì nữa, nhưng tôi tự tin và tôi có đạo đức nghề.”
Sau khi bán LoansDirect cho E*Trade Financial Corp vào năm 2001, Hsieh lập ra HomeLoanCenter.com, nền tảng trực tuyến đầu tiên với nhiều lựa chọn cho vay thế chấp trong hơn 50 bang trước khi tiếp tục bán lại công ty cho LendingTree Inc vào năm 2004.
Phần lớn tài sản của Hsieh đến từ thương vụ gần đây nhất, khi LoanDepot ghi nhận một năm 2020 thành công. Công ty thậm chí đã có tính năng cho vay trên nền tảng mạng xã hội. Với hơn 100 triệu USD vốn hoá, LoanDepot là công ty cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ năm 2020.
Tháng 2/2021, công ty phát hành chứng khoán lần đầu (IPO) và đã tạo ra 62 triệu USD giao dịch – 200 triệu USD còn lại được chia cho các cổ đông, bao gồm Hsieh. Vấn đề đặt ra là liệu sự phát triển này có được bền vững. Cổ phần Loan Depot đã giảm hơn một nửa kể từ khi chạm đỉnh sau đợt IPO. Trong khi đó, tiềm năng của vay thế chấp cũng giảm khi 35% khách hàng tin rằng mua nhà vào thời điểm này là không thích hợp vì rủi ro lạm phát giá.
Nguồn: News.zing.vn