Tục đốt búp bê đầu năm của người Nhật

0
5
Nghi lễ Daruma Kuyo - đốt Daruma vào ngày đầu năm trong đền chùa. Ảnh: Japan Highlights Travel.

Dù là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn, búp bê Daruma lại mang dung mạo dữ tợn, không mắt và không chân tay.

Những vật cầu may có ở khắp nơi tại Nhật Bản, phổ biến nhất là búp bê Daruma. Theo truyền thống, người dân xứ sở hoa anh đào sẽ mua Daruma mới vào dịp Tết, cầu nguyện một năm thành công và đem búp bê cũ đến chùa để đốt.

Nghi lễ Daruma Kuyo - đốt Daruma vào ngày đầu năm trong đền chùa. Ảnh: Japan Highlights Travel.

Nghi lễ Daruma Kuyo – đốt Daruma vào ngày đầu năm trong đền chùa. Ảnh: Japan Highlights Travel.

Theo những tài liệu cổ, búp bê Daruma ra đời vào giữa thời Edo, năm 1783 khi nạn đói xảy ra ở vùng Takasaki, thuộc tỉnh Gunma. Một cao tăng trong đền Shorinzan Daruma-ji của địa phương đã chỉ cho nông dân cách làm những con búp bê bằng giấy bồi để họ có thể bán trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Xuất hiện vào thời điểm người Nhật cần bùa may mắn nhất, những con búp bê trở nên phổ biến trên khắp xứ sở hoa anh đào. 

Búp bê Daruma được làm theo hình dáng của vị Bồ Đề Đạt Ma – người sáng lập ra Phật giáo Thiền tông. Hình tượng của Bồ Đề Đạt Ma trong truyền thuyết thường mặc áo cà sa đỏ, do đó búp bê Daruma truyền thống luôn có nước sơn màu đỏ.

Bồ-đề-đạt-ma 9 năm diện bích. Ảnh: Tsukioka Yoshitoshi.

Bồ-đề-đạt-ma 9 năm diện bích. Ảnh: Tsukioka Yoshitoshi.

Người Nhật cho rằng Bồ Đề Đạt Ma đã mất tứ chi sau 9 năm ngồi thiền trong hang động. 9 năm thiền chỉ nhìn vào vách đá, ngài đã cắt đi mí mắt của mình vì cảm thấy tức giận cho những lúc ngủ quên. Người dân xứ phù tang đã dựa theo điển tích này để tạo nên những con búp bê tròn trĩnh, không có tay chân hay tròng mắt. Lông mày của búp bê tạo hình từ chim hạc, ria mép hình rùa – hai loài vật tượng trưng cho cuộc sống trường thọ trong văn hóa phương Đông. Trên bụng búp bê thường được viết chữ “Phúc” như một loại bùa may mắn xua đuổi bệnh tật và điềm dữ.

Ban đầu, người ta tạo ra búp bê Daruma có khả năng giữ thăng bằng tốt, dù có xô ngã như thế nào thì chúng vẫn trở lại vị trí ban đầu như câu thành ngữ của “bảy lần ngã, tám lần đứng dậy” của người Nhật (七転び八起き). Theo thời gian, chúng trở thành biểu tượng của sự hồi phục, cho sức mạnh nội tại và ý chí mãnh liệt của người Nhật: ngay cả khi sa cơ thất thế, họ vẫn sẽ mạnh mẽ đứng dậy và vươn lên.

Búp bê Daruma bán trong đền Shorinzan Darumaji ở thành phố Takasaki, Nhật Bản. Ngày nay, phần lớn búp bê Daruma vẫn được sản xuất tại thành phố này, nơi cách Tokyo khoảng 1 giờ 30 phút đi xe. Ảnh: Muza-chan.

Búp bê Daruma bán trong đền Shorinzan Darumaji ở thành phố Takasaki, Nhật Bản. Ngày nay, phần lớn búp bê Daruma vẫn được sản xuất tại thành phố này, nơi cách Tokyo khoảng 1 giờ 30 phút đi xe. Ảnh: Muza-chan.

Búp bê Daruma ngày nay vẫn là một vật cầu may phổ biến tại xứ sở hoa anh đào. Người Nhật thường mua búp bê trong đền chùa vào đầu năm. Họ sẽ vẽ một tròng mắt cho Daruma khi đặt mục tiêu hoặc ước nguyện vào đó. Một nhà sư sẽ thực hiện kaigen, một nghi thức thổi hồn và ban phước cho búp bê.

Người Nhật đặt Daruma tại nơi dễ thấy trong nhà hoặc tại văn phòng để ghi nhớ mục tiêu hay ước nguyện của mình mỗi ngày. Khi điều ước đã thành hiện thực, họ sẽ vẽ nốt tròng mắt còn lại rồi mang nó trả lại đền chùa để thực hiện nghi lễ đốt búp bê Daruma Kuyo.

Vào ngày 6/1 hàng năm, lễ hội thường niên Daruma – ichi diễn ra tại đền Syorinzan Daruma-ji, thành phố Takasaki, tỉnh Gunma. Nổi bật trong đó có phiên chợ Daruma, nơi hàng nghìn người đổ về mua những con búp bê Daruma mới và trả lại những búp bê cũ cho đền. Hội chợ có đầy đủ quầy ẩm thực, kẹo và các trò chơi đặc trưng của Nhật Bản. Đặc biệt là các quầy búp bê của những nghệ nhân tiếp nối nghề làm búp bê Daruma có truyền thống hàng trăm năm.

Trong lễ hội, du khách có thể tìm thấy búp bê với đủ kích cỡ từ nhỏ xíu có thể mang vừa trong túi cho đến những con búp bê cỡ lớn phải khuân trên vai. Búp bê màu tím tượng trưng cho nguyện ước về sức khỏe, màu vàng cho mong muốn bình an, vàng kim để cầu tiền tài và màu trắng để cầu duyên, còn màu đỏ truyền thống tượng trưng cho may mắn – phù hợp với mọi điều ước. Bạn nên khởi đầu với một Daruma nhỏ, và tiến tới búp bê lớn hơn khi những điều ước dần trở thành hiện thực.

Trang Anh (Theo Culture Trip)

Xem thêm: Những con búp bê mang đi vận rủi ở Nhật Bản

Nguồn: Vnexpress.net