Mình còn nhớ, khoảng hai năm trước, có một cuộc tranh luận khá gay gắt giữa Duhocsinhmy và Trang Hạ về du lịch mạo hiểm. Ý kiến hai chiều đều có những lý luận thuyết phục, khi ấy mình tự hỏi như thế nào sẽ được xếp vào du lịch mạo hiểm mà không phải là đi phượt và “check in”. Đến bây giờ với mình, chuyện đó không còn đáng thắc mắc nữa, quan trọng là chúng ta có gì sau chuyến đi. Vì thế hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người bộ ảnh du lịch của các bạn trẻ Tây, biết đâu những tấm ảnh này sẽ mang lại cho các bạn một chút kích thích để lên đường trải nghiệm.
Lên đường thôi. -Ảnh: lavaliseafleurs
Trước đây, mình rất hay bám theo một anh bạn thích bóng rổ, chụp ảnh, đi du lịch nên phần nào đó ảnh hưởng tư tưởng của anh. Anh nói với mình rằng kể cả những người tạo nên khái niệm “phượt” cũng không bao giờ dùng từ này. Đơn giản họ gọi những chuyến đi của mình là du lịch bụi. Và những chuyến đi bụi ấy thực sự không phải những cuộc check in và đánh dấu lãnh thổ ồ ạt như hiện nay.
Bắt đầu cuộc đời thực sự bằng đam mê và những chuyến đi bụi. -Ảnh: lavaliseafleurs
Mỗi người có một quan điểm và cách thực hiện chuyến đi của họ và đương nhiên mình hoàn toàn tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, mình thực sự ấn tượng bởi cách các bạn trẻ Tây đi du lịch bụi, những kẻ mà người Việt mình hay gọi là Tây balo ấy. Ở họ, mình cảm giác được sự hết mình và phóng khoáng, mình cảm nhận được sự ham thú với những chuyến đi và niềm vui khi trải nhiệm những điều cuộc đời chưa từng có. Họ cũng trẻ và “nghèo” như chúng ta, tuy nhiên dám đi và dám sống.
Đem ước mơ trong tim và đi khắp thế giới. -Ảnh: lavaliseafleurs
Dù họ cũng chẳng giàu có. -Ảnh: lavaliseafleurs
Xem thêm: Các khách sạn tại Hà Giang
Chuyến đi dài nhất mà các bạn thường tham gia là xuyên Việt nhỉ, cỡ chừng một tháng để đi dọc hai niềm Nam – Bắc. Chuyến đi ấy, mọi người thấy vui nhưng cũng khá mệt đúng không? Với chuyến đi của mình, nó mang lại cho mình nhiều thứ mới mẻ tuy nhiên cảm giác thời gian khá gấp gáp, chưa kịp quen với một chỗ đã đi tới nơi mới. Cũng phải nói thật là sức của mình quá hạn chế nữa, chặng cuối khi sắp về mình bắt đầu có cảm giác đuối, chỉ muốn nhanh trở lại nhà để lăn ra giường.
Tận hưởng tuổi trẻ và những chuyến đi. -Ảnh: lavaliseafleurs
Hạnh phúc trước khi trở về. -Ảnh: lavaliseafleurs
Đó là điểm khá yếu của tụi mình so với các bạn trẻ Tây. Bọn mình chưa biết cách cũng không có nhiều khả năng vừa đi vừa kiếm tiền nên không thể ở một nơi quá lâu cũng như không có thói quen rèn luyện sức khỏe thường xuyên. Các bạn thấy tụi Tây bằng tuổi mình đi du lịch, đứa nào cũng vác “cả cái nhà” trên lưng và đi bộ bất chấp đường xá, thời tiết. Bọn mình phi xe từ Hà Nội lên Hà Giang trong một ngày cũng đủ ngắc ngoải chứ đùa.
Trên lưng những “ngôi nhà”. -Ảnh: lavaliseafleurs
Chào cả thế giới. -Ảnh: lavaliseafleurs
Mặc dù cũng là đi lên vùng núi, đi khám phá đảo tuy nhiên cách đi của giới trẻ Việt chắc chắc có cảm giác “an toàn” hơn các bạn trẻ Tây. Không phải đoàn nào cũng thích mang lều, ngủ qua đêm ở mỏm núi, giữa rừng, trên thảo nguyên, trước mặt biển… Đa phần điểm dừng chân của những chuyến đi bụi hiện nay là các nhà nghỉ bình dân, các homestay…
Lấp lánh những sao trời. -Ảnh: lavaliseafleurs
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Mình không phải kẻ thần tượng phương Tây, thần tượng một cách vô lối nhưng mình thích sự năng động và năng lượng sống qua những câu chuyện trên đường với những bạn trẻ Tây mà mình gặp. Mình thích việc rời khỏi chăn ấm nệm êm và lăn xả vào cuộc đời như họ đã làm. Hẳn nhiên, rất nhiều người trong số họ từng đi nhiều hơn 25 quốc gia như Huyền Chip thời gian trước.
Lăn xả vào những ngày lạnh ở nơi xa. -Ảnh: lavaliseafleurs
Các bạn biết Gap Year chứ? Nói một cách dễ hiểu đây là khoảng thời gian một năm “giải lao” giữa cấp 3 và đại học, các bạn trẻ sẽ dành thời gian để làm những điều mình thích như: làm mới bản thân, học khóa học ngắn hạn, làm một công việc thú vị nào đó… và đa phần người trẻ chọn đi du lịch, đặc biệt là du lịch bụi nước ngoài.
Giải lao sau những năm dài trường lớp. -Ảnh: lavaliseafleurs
Mình thực sự ước sau này khi có con, thời đại của con mình Gap Year ở Việt Nam hoàn toàn là một chuyện bình thường và phổ biến, hoặc ít nhất mình có thể truyền cho con mình cảm hứng đi và trải nghiệm mà không phải ngày ngày ôm khư khư màn hình máy tính trong suốt một thời gian dài như lũ con nít bây giờ.
Đừng ôm máy tính, bạn còn có những chuyến đi. -Ảnh: lavaliseafleurs
Hồi tháng 6, câu chuyện phượt thủ Anh tại Fansipan đã nhận lại rất nhiều sự xót thương và trách móc. Mình không tham gia vào những cuộc bàn luận, chỉ tâm niệm rằng, ít nhất đó là cách sống mà anh ấy lựa chọn, hẳn anh ấy đã rất hạnh phúc vì những gì anh đã làm. Cuộc đời ngắn dài cũng quan trọng thật đấy nhưng tất nhiên chẳng ai muốn sống đến 75 tuổi mà thực sự đã chết ở tuổi 25, phải không nào?
Sống thực sự sau tuổi 25. -Ảnh: lavaliseafleurs
Với bài viết này, mình hoàn toàn không có ý so sánh giữa giới trẻ Việt và giới trẻ Tây bởi môi trường sống của chúng ta và họ khác nhau, quan điểm sống cũng khác nhau. Chỉ mong rằng, nếu có thể, các bạn cũng thử rời khỏi sách vở và công việc để bắt đầu một chuyến hành trình dù ngắn, dù dài nhưng thực sự. Biết đâu bạn sẽ tìm được niềm đam mê mới giữa cuộc sống nhiều bận rộn và lựa chọn này.
Bắt đầu thôi, bạn hiền. -Ảnh: lavaliseafleurs
Xem thêm: Các tour du lịch tại Hà Giang
Iki Oleo – Camnangdulich.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Camnangdulich.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Camnangdulich.vn.
Nguồn: News.zing.vn