Tranh cãi xoay quanh việc xếp hạng hướng dẫn viên Việt Nam

0
32
Đội ngũ HDV được xem là bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: CĐ Du lịch Sài Gòn.

Việc xếp hạng hướng dẫn viên được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành du lịch Việt Nam nhưng lại gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Việt Nam hiện có trên 20.000 hướng dẫn viên du lịch, nhưng tới hơn 90% làm việc tự do. Ngày 22 – 24/10, lần đầu tiên Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) thí điểm xếp hạng hướng dẫn viên ở TP HCM; sắp tới chương trình này dự kiến được thực hiện tại Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lào Cai…

Vì sao cần xếp hạng?

Hướng dẫn viên được nhiều người đánh giá là bộ mặt của ngành du lịch. Theo những nhà quản lý, việc xếp hạng là cần thiết trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ, chất lượng hướng dẫn viên không đồng đều.

“Trong số 20.000 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề, không phải tất cả đều có trình độ và được đào tạo như nhau. Không ít hướng dẫn viên không được trang bị đầy đủ kiến thức nhưng vẫn dẫn đoàn làm ảnh hưởng đến bộ mặt chung của ngành”, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dẫn chứng.

Theo bà Khánh, việc xếp hạng hướng dẫn viên không chỉ để đánh giá khả năng của từng người, mà còn khẳng định chất lượng của hướng dẫn viên Việt Nam với du khách quốc tế.

Đội ngũ HDV được xem là bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: CĐ Du lịch Sài Gòn.

Đội ngũ hướng dẫn viên được xem là bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: CĐ Du lịch Sài Gòn.

Ngoài rà soát lại chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên trên phạm vi cả nước, việc xếp hạng cũng được kỳ vọng sẽ đảm bảo quyền lợi về thu nhập cho từng hướng dẫn viên. 

“Hiệp hội mong muốn những hướng dẫn viên giỏi phải được trả thù lao xứng đáng theo trình độ chuyên môn của mình. Hướng dẫn viên 5 sao phải có mức lương cơ bản cao hơn 4 sao, 3 sao và những người chưa được xếp sao”, bà Khánh giải thích.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hướng dẫn viên Việt Nam, cho rằng đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp lựa chọn hướng dẫn viên thời vụ. Khi thương lượng mức lương, hướng dẫn viên cũng có căn cứ để yêu cầu doanh nghiệp trả sao cho tương xứng. Hay khi có lời mời từ một cuộc thi cấp quốc tế dành cho hướng dẫn viên, Hội sẽ dễ dàng hơn trong việc cử người tham dự. 

“Thường ban tổ chức chỉ cho một thời gian ngắn để gửi danh sách đăng ký. Chúng tôi không biết chọn ai, bỏ ai trong hơn 20.000 hướng dẫn viên. Nếu việc xếp hạng thành công, chúng tôi chỉ cần cử những người được xếp hạng 5 sao đi là xong”, ông Dũng kể. 

Từ nhiều năm nay, những doanh nghiệp lớn cũng đã phân loại HDV để trả lương. Ảnh: Saigontourist.

Từ nhiều năm nay, những doanh nghiệp lớn cũng đã phân loại hướng dẫn viên để trả lương. Ảnh: Saigontourist.

Việc xếp hạng có thật sự phát huy hiệu quả

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phân bậc hướng dẫn viên để trả thù lao chứ không đánh đồng tất cả. Như tại Saigontourist, mức lương được trả dựa trên thâm niên làm việc, kinh nghiệm, kết quả tập huấn hàng năm và phản hồi của khách hàng.

Đại diện công ty du lịch và dịch vụ Sông Hàn, đơn vị chuyên về thị trường Nhật Bản, cho rằng việc xếp hạng sao gần như không có ý nghĩa với công ty. “Người Nhật rất kỹ lưỡng, hướng dẫn viên chúng tôi sử dụng phải nộp hồ sơ cá nhân. Hồ sơ được chọn còn phải qua hai lần phỏng vấn với người Nhật rồi mới được dẫn khách”. Có nghĩa hướng dẫn viên dù có được xếp hạng hay không thì vẫn phải qua vòng phỏng vấn, lựa chọn của người Nhật.

“Chúng tôi cần thời gian để xem những hướng dẫn viên được xếp sao có thật sự chất lượng. Lương của hướng dẫn viên sẽ được trả tương xứng theo khả năng chứ không phải theo thứ bậc”, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội cho rằng những người làm quản lý doanh nghiệp đều biết hướng dẫn viên nào làm được việc hay không. Những người mới ra trường phải chấp nhận lăn xả để gầy dựng danh tiếng trước rồi mới yêu cầu về thù lao.

Ông Lý Tất Vinh, nguyên quản lý lữ hành của Cholontourist cho biết việc xếp hạng sao mới chỉ là thí điểm, doanh nghiệp cần thời gian để xác nhận và đánh giá chất lượng sao của hướng dẫn viên. “Việc doanh nghiệp trả lương theo sao cho hướng dẫn viên chưa thể thực hiện trong thời gian này”, ông nói. Hiện cũng chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào cam kết với Hiệp hội Du lịch Việt Nam rằng họ sẽ trả lương cao hơn cho hướng dẫn viên theo bậc xếp hạng.

Với các hướng dẫn viên, hầu hết đều tỏ ra thờ ơ với chương trình xếp hạng này. Trong đợt thí điểm đầu tiên ở TP HCM, chỉ có 60 hồ sơ đăng ký trong tổng số 200 thành viên của chi hội hướng dẫn viên địa phương. Đó là chưa kể khoảng 4.800 hướng dẫn viên hoạt động tại TP HCM nhưng chưa gia nhập chi hội.

“Chúng tôi cũng không kỳ vọng quá nhiều hồ sơ sẽ tham gia xếp hạng lần này. Hiện tại hiệp hội chỉ xếp hạng cho những hướng dẫn viên đang sinh hoạt trong các chi hội”, ông Phan Bửu Toàn, chủ tịch Chi hội hướng dẫn viên du lịch TP HCM, phản hồi về việc ít hướng dẫn viên đăng ký xếp hạng.

Chị Dương Thanh Tâm, hướng dẫn viên hơn 20 năm nghề tại TP HCM cho biết chị có nghe về việc xếp hạng sao cho hướng dẫn viên nhưng không mấy quan tâm. “Hiện tại tôi vẫn có thu nhập ổn định. Mùa thấp điểm thì nhận thêm vài đoàn khách cho đỡ nhớ nghề chứ không đặt nặng vấn đề tiền bạc”. Theo chị Tâm, một hướng dẫn viên có được trân trọng và trả lương xứng đáng không là ở tuổi nghề và danh tiếng cá nhân gầy dựng theo năm tháng, việc xếp hạng có lẽ chỉ mang tính tham chiếu.

Khó khăn khi triển khai xếp hạng hướng dẫn viên

Mặc dù mới trong giai đoạn thử nghiệm, việc xếp hạng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Chia sẻ với VnExpress, ông Bùi Văn Dũng cho biết toàn bộ kinh phí hiện tại của dự án được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên EU chỉ tài trợ cho dự án đến hết năm 2018, năm sau hội phải tìm nguồn kinh phí mới nếu muốn duy trì việc xếp hạng cho hướng dẫn viên.

Là đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm xếp hạng hướng dẫn viên du lịch, chi hội hướng dẫn viên du lịch TP HCM ước tính một lần tổ chức thi cho khoảng 60 người chi phí là vài chục triệu đồng. “Tiền thuê mặt bằng, tiền bồi dưỡng cho hội đồng thẩm định và rất nhiều chi phí khác. Trong khi hiệp hội không thu bất kỳ khoản phí nào từ thí sinh”, ông Phan Bửu Toàn nói.

TP HCM là nơi thí điểm đầu tiên trong chương trình xếp hạng HDV du lịch Việt Nam.

TP HCM là nơi thí điểm đầu tiên trong chương trình xếp hạng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam.

Ông Toàn lo lắng, sau này khi EU rút khỏi dự án Hiệp hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi không có nguồn thu chủ động. Tuy nhiên đó không phải điều duy nhất ông Toàn trăn trở.

“TP HCM là đơn vị làm thí điểm, chúng tôi cố gắng tổ chức xếp hạng một cách nghiêm túc. Trong 60 hồ sơ đầu tiên, tôi dự đoán chỉ có 1 – 2 người được xếp hạng 5 sao. Có nghĩa việc đánh giá thi cử rất khó chứ không làm đại khái cho xong. Nhưng không có gì đảm bảo hội đồng thẩm định ở các địa phương khác sau này cũng làm chặt như vậy”.

Theo ông Toàn, bộ đề thi trắc nghiệm thì sử dụng chung, nhưng phần hỏi đáp, giải quyết tình huống thì phụ thuộc nhiều vào hội đồng thẩm định, cảm tính nhiều. “Nó giống việc học và thi ở các trường đại học, cao đẳng. Tôi sợ sau này, hướng dẫn viên thấy thi ở TP HCM khó đạt 5 sao quá thì lại đi những tỉnh khác thi. Như vậy việc xếp hạng sẽ mất đi ý nghĩa và có nguy cơ đi vào lối mòn thành tích”, ông Toàn nói.

Nguồn: Vnexpress.net