Nếu phong cảnh hữu tình tự nhiên khiến trái tim bay bổng lâng lâng những xúc cảm ngọt ngào thì các công trình kiến trúc được tạo nên từ bàn tay tài nghệ của cha ông lại làm lòng dâng lên nhiều hoài niệm và cả niềm tự hào. Và ở giữa lòng Hà Nội cổ, có một ngôi chùa đẹp bậc nhất thế giới vẫn cứ bình yên, vẫn cứ vẹn nguyên dáng hình thuở xưa, để ai lạc bước đều khắc khoải những xuyến xao. Đó chính là ngôi chùa Trấn Quốc, điểm dừng chân gợi nhắc nhiều giá trị về tâm linh, lịch sử lẫn kiến trúc. Đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Thủ đô Hà Nội.
Một thoáng bình yên ở ngôi chùa cổ Trấn Quốc – Ảnh: @xbtcmdx
Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội khi có lịch sử lên đến 1500 năm. Ngôi chùa tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ năm về phía Đông Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính và cả sự nên thơ, nhã nhặn của vườn cây xanh tươi cùng hồ nước mênh mang đầy thơ tình. Chính vì thế, không quá khó hiểu khi Trấn Quốc lại được trang Thrillist uy tín bình chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, điểm dừng chân không chỉ dành riêng các tín đồ Phật giáo mà cả khách du lịch thập phương.
Hồ nước mênh mang thơ tình ôm lấy ngôi chùa cổ – Ảnh: Vu Phuong
Vẽ lên bức tranh bình yên và ngọt ngào – Ảnh: @traveltoblank
Ngôi chùa cổ nép mình yên tĩnh trên đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội, theo hệ phái Bắc tông. Tổng thể ngôi chùa là một quần thể gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là tiền đường, nhà thiêu công và thượng điện, nối thành chữ Công. Trên cửa chùa vẫn còn hiện lên bút tích ba chữ Phương Tiện môn và cả hai câu đối được viết bằng chữ Nôm đẹp mắt ‘Vang tai xe ngựa qua đường tục/ Mở mặt non sông đứng cửa thiền’.
Lối dẫn vào bên trong chùa – Ảnh: Sean Munson
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Câu đối ở hai bên vẫn còn rõ bút tích – Ảnh: @cindy_zc
Trấn Quốc không phải là tên gọi đầu tiên của ngôi chùa lâu đời này mà ban đầu chùa có tên là Khai Quốc. Qua rất nhiều lần đổi tên, từ đời vua Lê Hy Tông, người dân vẫn quen gọi chùa là Trấn Quốc và được lưu giữ đến tận ngày nay. Ngôi chùa đã từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý – Trần, vua và các quan thường chọn Trấn Quốc làm nơi vãn cảnh và ngự giá đến cúng lễ vào những dịp đặc biệt trong năm như lễ, Tết. Đến bây giờ, nơi đây vẫn là điểm đến của không ít người bởi không gian trầm mặc an nhiên làm người ta như buông bỏ hết mọi sân si khi đi qua cánh cửa đưa chân đến thiền môn.
Không chỉ thu hút các tín đồ Phật tử – Ảnh: @aaronboy27
Mà còn hấp dẫn cả khách du lịch thập phương – Ảnh: @nonyhayaty
Trang Thrillist đánh giá chùa Trấn Quốc có kiến trúc như một bông sen đang nở rộ, làm người ta liên tưởng đến đài sen của Phật tổ. Trước mặt tiền chính là khoảng sân lớn được lát gạch đỏ, có lư hương lớn ở giữa để du khách và Phật tử đến dâng hương. Ngoài kiến trúc ban đầu thì năm 2003, chùa đã tổ chức khánh thành thêm Bảo tháp Lục độ đài sen cao 15m, có 11 tầng, mỗi tầng có 6 bức tượng đức Phật A Di Đà trắng bằng đá quý trang nhã, phía trên đỉnh còn có một tháp sen cũng được tạc bằng đá.
Mặt tiền chính thanh tịnh trầm mặc – Ảnh: @debitameliala
Xem thêm: Các tour du lịch tại Hà Nội
Bảo tháp 11 tầng cao ngút – Ảnh: @rishirdua
Bên trong chùa còn lưu giữ rất nhiều pho tượng Phật lẫn Bồ tát có giá trị nghệ thuật lớn, trong đó điểm nhấn lớn nhất phải kể đến bức tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng gỗ và được sơn son thiếp vàng. Ngoài ra, các hiện vật khác có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tôn giáo từ thời trước vẫn còn được gìn giữ như 14 tấm bia bằng Hán Nôm.
Những bức tượng thiếp vàng nổi bật bên trong chùa – Ảnh: @nickblaszczyszyn
Dạo bước giữa không gian trong lành thoang thoảng hương nhang trầm đang phảng phất, du khách có dịp chiêm ngưỡng cây bồ đề hơn chục năm tỏa bóng mát rượi phủ kín khắp một khoảng chùa. Cây bồ đề được chính tay Tổng thống Ấn Độ tặng trong một chuyến ghé thăm chùa Trấn Quốc vào 24/03/1959. Thả mình vào bức tranh trầm mặc tĩnh lặng của chùa Trấn Quốc, khách du lịch còn có cơ hội khám phá nghệ thuật kiến trúc trên các nét chạm trổ. Nhiều phần của mái ngói lợp chùa đã bị rêu phong phủ kín, nhưng không vì thế mà Trấn Quốc mất đi vẻ đẹp hài hòa của mình, chính điều đó càng làm tăng thêm nét hấp dẫn nhuốm màu thời gian của ngôi chùa linh thiêng ngàn năm.
Cây bồ đề tỏa bóng mát rượi – Ảnh: @nowwariz
Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận chùa Trấn Quốc là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1962. Hằng năm, chùa Trấn Quốc vẫn được chọn làm nơi diễn ra các sự kiện quan trọng liên quan đến Phật giáo, là nơi hành lễ của hàng triệu tín đồ và cuốn hút cả khách du lịch thập phương đang ấp ủ mong ước được một lần chiêm nghiệm vẻ đẹp thời gian của ngôi chùa cổ ở Hà Nội phố.
Vẻ đẹp ở chùa Trấn Quốc còn mãi theo thời gian – Ảnh: @jianlinooi
Xem thêm: Các khách sạn tại Hà Nội
Không cần quá hoa lệ kiêu sa, không cần màu mè tô điểm, chùa Trấn Quốc có một nét hấp dẫn rất riêng, làm khỏa lấp những phiền muộn lo lắng nhỏ nhặt thường nhật, đưa tâm hồn mỗi người lạc chốn thiền môn, một thoáng bình yên dịu vợi. Nếu là một người thích tìm hiểu văn hóa tôn giáo, khám phá nét đẹp tinh hoa kiến trúc xưa và hứng thú câu chuyện của cha ông, chùa Trấn Quốc sẽ là điểm đến mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Để đôi chân vừa đặt chân lên bậc cửa, lòng bỗng thấy thanh tịnh nhẹ nhàng đến lạ, để gió cuốn đi tất cả, chỉ còn ta và khoảng không gian trầm mặc bình an.
Scodaisym – Camnangdulich.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Camnangdulich.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Camnangdulich.vn
Nguồn: News.zing.vn