TP HCM muốn phát triển Cần Giờ thành đô thị du lịch biển tầm cỡ khu vực

0
13
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại hội nghị đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Cần Giờ sau 40 năm sáp nhập vào TP HCM. Ảnh: Ánh Thúy

Sở hữu tài nguyên thiên nhiên – văn hoá, Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch mang tầm khu vực và quốc tế.

Tại hội nghị đánh giá thành tựu phát triển kinh tế – xã hội huyện Duyên Hải (Cần Giờ) 40 năm sáp nhập TP HCM (29/12/1978 – 29/12/2018) ngày 29/12, ông Nguyễn Thiện Nhân – bí thư thành ủy TP HCM đánh giá Cần Giờ sở hữu nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa. Lượng khách du lịch đến ngày càng tăng, bình quân cao hơn 50% so với năm trước với tổng thu từ du lịch năm 2018 ước tính hơn 900 tỷ đồng.

“Nếu chúng ta có tổ chức giao thông và phục vụ tốt hơn, riêng lượng khách từ TP HCM đến đây thay đổi không khí, thưởng thức đặc sản mỗi cuối tuần đã góp phần lớn vào thu nhập của người dân địa phương”, ông Nhân nhận định.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại hội nghị đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Cần Giờ sau 40 năm sáp nhập vào TP HCM. Ảnh: Ánh Thúy

Ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại hội nghị đánh giá thành tựu phát triển kinh tế – xã hội Cần Giờ sau 40 năm sáp nhập vào TP HCM. Ảnh: Ánh Thúy

Định hướng của TP HCM là đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ, xây dựng và phát triển khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế tại đây. Mong muốn của thành phố là địa phương có thể góp phần tạo sự tăng trưởng cho thành phố nhưng phải giữ được những lợi thế về tự nhiên và văn hoá của Cần Giờ.

Nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 50km, Cần Giờ có 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, với các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 71.361ha, trong đó, trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, rừng, sông… Ngoài ra, Cần Giờ còn sở hữu nhiều làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hoá đặc sắc, thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hoá – tín ngưỡng.

Theo đề án kiểm kê, đánh giá và quản lý hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn TP HCM do Sở du lịch thành phố chủ trì từ năm 2017, Cần Giờ đứng thứ 7 trong số 24 quận, huyện của thành phố về lợi thế phát triển tài nguyên du lịch. Lượng khách đến huyện này đã tăng đáng kể từ khoảng 3 năm trở lại đây. Nếu như giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng về khách du lịch chỉ khoảng 12-17% thì từ năm 2016 đến nay, tốc độ này tăng lên đến 46%. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó giám đốc Sở Du Lịch TP HCM cho biết, với một huyện như Cần Giờ, muốn tạo sự đột phát trong du lịch và cạnh tranh với những địa phương khác, cần phải có những dự án lớn, có điểm nhấn khác biệt.

Bà Hoa cũng dẫn chứng, một số thành phố trên thế giới đã rất thành công trong việc phát triển các khu đô thị du lịch lấn biển, như Singapore, Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án nào, cần có sự tính toán toàn diện, để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái Cần Giờ cũng như không ảnh hướng đến môi trường, đời sống, kinh tế của người dân.

Trong các giải pháp thực hiện định hướng phát triển Cần Giờ thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng và giải trí, UBND huyện cũng đã đưa ra nhiều dự án quy mô lớn về hạ tầng du lịch và hạ tầng giao thông.

Chẳng hạn, dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ đã được UBND TP HCM phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000, với quy mô 2.870ha tại xã Long Hoà và thị trấn Cần Thạnh. Thành phố cũng đã đồng ý về chủ trương hoặc đang xem xét với loạt dự án hạ tầng, nhằm kết nối giao thông của huyện Cần Giờ với các trung tâm TP HCM và các khu vực lân cận. 

Dự án xây dựng cầu Cần Giờ kết nối huyện với trung tâm thành phố đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố và đang được UBND TP HCM xem xét phương án thiết kế kiến trúc. Dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường Rừng Sác cũng đã được chấp nhận chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP.

Sông nước Cần Giờ. Ảnh: Yatlat.com.

Sông nước Cần Giờ. Ảnh: Yatlat.com.

Với giao thông đường sông, thành phố sẽ phát triển hệ thống giao thông bằng tàu cao tốc nối Cần Giờ với quận 1 và Vũng Tàu. Ngoài ra, phía Cần Giờ cũng đề xuất khả năng phát triển tuyến giao thông kế nối bằng máy bay trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Cần Giờ và đầu tư cầu vượt biển hiện đại nối liền Cần Giờ – Vũng Tàu dài khoảng 17km.

“Đây là những dự án hạ tầng ưu tiên quan trọng, để thúc đẩy phát triển và đáp ứng ước vọng, mong mỏi của bà con nhân dân huyện Cần Giờ”, ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ – cho biết.

Ánh Thúy

Nguồn: Vnexpress.net