Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn này, TP.HCM nên làm test nhanh trước, song song thực hiện rRT-PCR nhằm sớm khống chế dịch Covid-19.
Đến hết ngày 10/6, TP.HCM có 561 ca mắc Covid-19 (tính từ ngày 18/5) với nhiều chuỗi lây nhiễm. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM nhận định đợt dịch tại điểm nhóm tôn giáo đã trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm, có tính chất lây nhanh, lan rộng.
Tuy nhiên, khó khăn không dừng ở ổ dịch này. Liên tiếp nhiều ngày qua, thành phố phát hiện hàng loạt ca nhiễm chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn, những trường hợp này tiếp tục lây cho nhiều người tiếp xúc gần tạo thành chùm ca bệnh rải rác.
Trong bối cảnh thời gian giãn cách xã hội càng ngắn dần, tình hình dịch tại TP.HCM có thể yên tâm?
“Còn ca nhiễm không rõ nguồn lây thì chưa thể yên tâm”
Theo phân tích của bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM có đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn từ cột mốc 26/5. Đến nay, chuỗi lây nhiễm này đã trải qua nhiều chu kỳ. Một số bệnh nhân được phát hiện ở vòng lây nhiễm thứ 5.
TP.HCM hiện có hơn 300 địa điểm giám sát, cách ly, phong tỏa tại 21/22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Giám. |
Tuy nhiên, khi ổ dịch liên quan hội viên điểm nhóm tôn giáo ở Gò Vấp tạm thời được kiểm soát, một tình huống đáng lo ngại xảy ra. Đó là các ca nhiễm không rõ nguồn lây. Đến nay, theo các báo cáo của HCDC, thành phố có 29 ca bệnh đang điều tra dịch tễ và 47 trường hợp là F1 của những bệnh nhân chưa rõ nguồn lây.
Điều đáng lo ngại hơn là ca bệnh không rõ nguồn lây được phát hiện ở cơ sở y tế khi có triệu chứng.
“Về nguyên tắc dịch tễ, khi bệnh nhân có triệu chứng đến cơ sở y tế, điều đó có nghĩa ngoài cộng đồng còn nhiều người mắc bệnh không có triệu chứng. Những ca bệnh nằm ngoài chuỗi, tầm kiểm soát của ngành y tế, công tác truy vết đang khá vất vả. Tôi cho rằng chính những ca không rõ nguồn lây hiện tại khiến tình hình dịch tại thành phố chưa thể yên. Chúng ta cũng chưa thể yên tâm được”, bác sĩ Khanh nói với Zing.
Ảnh: Bích Huệ. |
Chuyên gia này cho biết điều ông lo ngại là chúng ta chưa xác định được hoặc thời gian xác định khá lâu để tìm ra mối liên quan của chuỗi này với các ổ dịch đang bùng phát.
“Về nguyên tắc dịch tễ, khi bệnh nhân có triệu chứng đến cơ sở y tế, điều đó có nghĩa ngoài cộng đồng còn nhiều người mắc bệnh không có triệu chứng”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
“Chúng ta chưa biết ca mới phát hiện qua tầm soát có liên quan chuỗi cũ hay không. Muốn biết thì phải truy vết. Theo tôi, khả năng những ca bệnh này liên quan ổ dịch tại điểm nhóm tôn giáo rất cao. Tuy nhiên, càng xác định muộn thì càng khó khăn hơn trong truy vết vì những người liên quan điểm nhóm này cư trú ở khắp các quận, huyện”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Theo phân tích của bác sĩ Khanh, hiện nay, TP.HCM có 3 chuỗi lây nhiễm chính. Chùm ca bệnh tại công ty kiểm toán ở quận 3 có 3 bệnh nhân. Chùm ca bệnh ở quán bánh canh O Thanh có 7 bệnh nhân. Hiện 2 chuỗi này thành phố cơ bản kiểm soát được.
Riêng ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo ở Gò Vấp, thành phố chưa kiểm soát được vì số hội viên di chuyển quá xa. Trước khi được phát hiện, họ đã lây nhiễm cho gia đình, người xung quanh, đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè…, tại hầu hết địa điểm như nhà riêng, khu nhà trọ, công ty, tòa nhà văn phòng, quán cà phê.
Lực lượng chức năng quận 1 phun khử khuẩn trong con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, nơi có 4 ca Covid-19 chưa rõ nguồn lây. Ảnh: Yến Thư/ HCDC. |
Giải pháp để tìm kiếm hết những người liên quan là kêu gọi ý thức của người dân, hỗ trợ ngành y tế truy vết. Với những người liên quan hoặc nghi ngờ liên quan hội viên, có triệu chứng, cả nhà nên cùng đến một cơ sở y tế để làm xét nghiệm, tránh đi lẻ tẻ.
Thực tế, một số người đã xuất hiện triệu chứng nhưng vẫn chần chừ đi khám. Điều này càng khiến virus có thêm nhiều vòng lây nhiễm và đi xa hơn.
TP.HCM cần test nhanh song song rRT-PCR
Về nguy cơ khi dịch xuất hiện trong khu công nghiệp, bác sĩ Khanh cho rằng đây là điều đã được dự đoán trước.
“Với tình hình lây nhiễm nhanh, lan rộng của các ổ dịch hiện nay, Covid-19 tấn công khu công nghiệp, công nhân là tất yếu. Nhưng vấn đề chúng ta cần làm rõ là dịch đã tấn công bao lâu, những nơi chưa bị Covid-19 tấn công phải phòng ngừa thế nào. Từ ca nhiễm ban đầu, chúng ta truy vết diện rộng, điều tra dịch tễ và xét nghiệm nhanh cho công nhân. Tuy nhiên, với xét nghiệm rRT-PRC hiện nay, tôi cho rằng chúng ta sẽ truy vết chậm”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Chuyên gia này lý giải nếu mẫu xét nghiệm rRT-PCR đồng loạt quá nhiều, gây ùn ứ mẫu sẽ dẫn đến việc kết quả trả chậm, thậm chí, mẫu không đạt yêu cầu. Điều này vô tình khiến công tác truy vết chậm hơn.
“Chống dịch theo chiến lược hiện tại sẽ càng làm tăng thêm gánh nặng xét nghiệm rRT-PCR trong khi chúng ta đang cần ưu tiên tốc độ”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Theo tìm hiểu của Zing, số lượng mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sắp đạt ngưỡng quá tải. Nhân viên tại các phòng xét nghiệm nhiều ngày qua tăng tốc làm việc nhưng số lượng mẫu đổ về mỗi ngày vẫn khá nhiều, gây nên tình cảnh ùn ứ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, từ 26/5 đến hết 5/6, thành phố lấy 482.154 mẫu xét nghiệm, trong đó, 6.448 F1, 475.706 tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm. Đến nay, 299.542 trường hợp đã được trả kết quả. 182.612 mẫu vẫn chờ kết quả. Đây là số lượng khá lớn.
Cùng quan điểm với bác sĩ Khanh, một chuyên gia dịch tễ ở TP.HCM cho rằng giai đoạn này, TP.HCM nên thay đổi phương án xét nghiệm. Trong đó, ưu tiên là xét nghiệm nhanh, đơn giản, trả kết quả sớm. Khi có xét nghiệm nhanh dương tính, hệ thống truy vết từ đó được kích hoạt sớm, ngăn chặn việc hình thành ổ dịch mới.
Nhân viên làm việc tại khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong đợt dịch lần 2 vào tháng 8/2020. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chống dịch theo chiến lược hiện tại càng làm tăng thêm gánh nặng xét nghiệm rRT-PCR trong khi chúng ta cần ưu tiên tốc độ. Dĩ nhiên, test nhanh không có độ chính xác như rRT-PCR nhưng sẽ giúp ngành y tế tầm soát được số lượng đông.
“Thành phố cần sớm triển khai tập huấn cho nhân viên y tế, nhiều người cùng làm được test nhanh. Phương pháp này rất đơn giản, hầu hết bệnh viện tư tại TP.HCM đã làm. Thực tế, rất nhiều ca dương tính không rõ nguồn lây ở TP.HCM được phát hiện nhờ test nhanh tại các bệnh viện tư. Theo tôi được biết thành phố đang bắt đầu triển khai test nhanh”, chuyên gia này nói thêm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: “TP.HCM cần thay đổi chiến lược xét nghiệm trước khi quá muộn. Trong giai đoạn này nên làm test nhanh trước, song song thực hiện rRT-PCR. Nếu thực hiện quyết liệt chiến lược này, tôi cho rằng chỉ sau 5 ngày, thành phố có thể kiểm soát được tình hình”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM đang nỗ lực tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2. Toàn lực lượng ngành y tế thành phố được huy động tham gia lấy mẫu xét nghiệm, phát huy hết công suất thực hiện xét nghiệm của các cơ sở y tế thuộc thành phố. Ngoài ra, thành phố còn có sự hỗ trợ một phần từ cơ sở tuyến Trung ương như Viện Pasteur TP.HCM để mở rộng và nâng cao công suất xét nghiệm.
Theo cập nhật của HCDC, tổng số mẫu xét nghiệm (lũy tích) đã thực hiện cho tất cả nhóm đối tượng từ đầu đợt dịch đến ngày 9/6 là 676.816 mẫu. Trong đó, riêng từ ngày 26/5 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 491.848 mẫu.
Nguồn: News.zing.vn