Không biết tự khi nào, hành hương đầu năm trở thành một thói quen, một nét đẹp văn hóa của những người con đất Việt. Ấy vậy nên, cứ mỗi độ tết đến xuân về, người ta lại rủ nhau về những miền đất Phật để kiếm tìm một miền thanh tịnh giữa cõi đời trần tục, thưởng ngoạn thiên nhiên trong lành và nguyện ước một năm mới an nhiên. Điểm qua những ngôi chùa linh thiêng trải dài từ Bắc tới Nam trong những ngày đầu xuân, không lạ lùng gì khi bắt gặp những đoàn người cùng vui vẻ chuyện trò, rồi lại mải mê ngắm cảnh, có đôi khi là nét mặt thành tâm cúng bái, mong được đức Phật chở che.
Những chuyến hành hương đầu năm đã trở thành một nét văn hóa của người Việt – Ảnh: Dung Master
Một cái Tết mới lại gần kề, hãy cùng Camnangdulich.vn khám phá những điểm hành hương thu hút nhiều Phật tử trên khắp đất nước Việt thân yêu nhé.
1. NÚI THIÊNG YÊN TỬ – NGÀN NĂM MỘT CÕI ĐI VỀ
Được coi là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13, cho đến tận hôm nay Yên Tử vẫn là nơi mà người ta lựa chọn để hành hương mỗi dịp đầu năm mới. Yên Tử như một nơi trở về, nơi đưa ta rời xa khỏi hiện thực xô bồ, náo nhiệt, chỉ còn lại trong tâm những an nhiên trong trẻo.
Yên Tử như một nơi để trở về – Ảnh: o0ocavallio0o
Nơi nhiều người lựa chọn cho chuyến hành hương đầu năm mới – Ảnh: quynhxquynh
Ở đó ta bắt gặp sắc hoa mùa xuân nở rộ trên những con đường, gặp rừng trúc thênh thang reo vui cùng gió ngàn phương Bắc, và đâu đó vẫn còn những cây cổ thụ già nua đứng trầm lặng theo bao năm, còn suối Giải Oan ngày đêm rì rầm tiếng kinh sám hối đến tận muôn đời. Để rồi trong hơi lành lạnh còn ngày xuân còn vương vất, trong tiếng gió vi vu mơn trớn trên da thịt mát lành, ta chợt thấy mình như quên hết đi những muộn phiền thường nhật, lòng cứ thế phiêu diêu theo tiếng chuông chùa vang vọng khắp bốn bên, cứ ngỡ như đã thoát đời trần tục, lên đến cõi Thiền định an lành.
Để quên hết đi những muộn phiền thường nhật – Ảnh: xxyanfan395
Ngỡ như thoát đời trần tục – Ảnh: Justin Mott
Lên Yên Tử ngày đầu năm, du khách có thể lựa chọn đường cáp treo để thong dong ngắm nhìn thiên nhiên hùng vỹ, thu trọn trong tầm mắt cả núi rừng xanh mướt phía dưới kia. Nhưng cũng có người lại muốn chậm rãi leo từng bậc thang rêu phong phủ kín, để có thể thưởng ngoạn rõ hơn núi non ở chốn linh thiêng.
Lên Yên Tử bạn có chọn đi cáp treo để thong dong ngắm nhìn thiên nhiên bốn cõi – Ảnh: Nabi_237
Hay đi bộ leo từng bậc đá để cảm nhận rõ hơn cảnh sắc chốn linh thiêng – Ảnh: Nam Hoang
2. BÁI ĐÍNH – LẠC CHỐN CÕI PHẬT, TRỜI TIÊN
Tọa lạc chốn linh thiêng “núi gối đầu sông, mây vờn non đỉnh”, chùa Bái Đính hiện lên hoành tráng, đồ sộ, nơi được ngợi ca là quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. Ở đó ta bắt gặp những vòm mái cong cong hình đuôi phượng, gặp những pho tượng uy nghi được chạm khắc vô cùng tinh tế, gặp những hành lang La Hán dài nhất châu Á và cả tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.
Nơi được ca ngợi là quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á – Ảnh: Ngọc Sơn
Nơi ta bắt gặp những kỷ lục có một không hai – Ảnh: Joseph ‘Dapp’ Foster
Nguy nga, đồ sộ là như thế những ẩn sâu trong từng đường nét, người ta vẫn nhận thấy những dấu ấn kiến trúc mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam, với những khu chùa hình khối lớn, những vòm mái nâu sẫm, những vật liệu thân quen, để ngôi chùa ấy như trở thành nơi lưu giữ cái hồn xưa cũ của Việt Nam từ nghìn năm trước.
Chùa Bái Đính hiện lên nguy nga, đồ sộ – Ảnh: theanh0918329148
Nhưng ta vẫn nhận thấy những dấu ấn kiến trúc mang đậm bản sắc Việt Nam – Ảnh: Múp Múp
Chùa Bái Đính sừng sững đứng giữa đất trời, như một viên ngọc sáng, hội tụ linh khí của nghìn năm huyền thoại, để kẻ khách cứ thế lạc trong chốn bồng lai, không còn khói bụi trần thế, không có những mệt mỏi, lo toan, chỉ còn những an yên đang phủ kín tâm hồn và lòng thong dong hòa mình vào thiên nhiên bốn bề rộng lớn, hít hà cái hương thanh khiết của chốn trời Tiên và chìm trong tiếng chuông chùa nơi cõi Phật đầy yên ả.
Chùa Bái Đính như đưa kẻ khách lạc trong chốn thiền định linh thiêng – Ảnh: xynkheo
Để những an yên phủ kín tâm hồn – Ảnh: Thomas Dominicus
3. CHÙA THIÊN MỤ – LINH THIÊNG CỔ TỰ CHỐN CỐ ĐÔ
Trải qua hơn 400 năm đầy biến cố, chùa Thiên Mụ vẫn sừng sững đứng đó, trên ngọn Hà Khê, bên dòng sông Hương thơ mộng, như kể một câu chuyện bao đời về đất cố đô. Đến tận hôm nay, ngôi chùa ấy vẫn giữ vẹn nguyên những uy nghi, cổ kính ngày nào, nơi người ta tìm thấy những khoảnh không đầy thanh tịnh, để lòng chợt trầm lắng lại, lắng nghe thiên nhiên một cõi đang ngân nga những khúc nhạc yên bình.
Nằm lặng yên bên dòng sông Hương thơ mộng – Ảnh: Tran Ta
Chùa Thiên Mụ như kể câu chuyện bao đời về đất cố đô – Ảnh: Alexey Gnilenkov
Nơi lòng người trầm lắng lại nghe thiên nhiên ngân nga khúc nhạc yên bình – Ảnh: Per-Andre Hoffmann
Đến chùa Thiên Mụ, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng lối kiến trúc đặc trưng của chùa chiền Huế, thưởng ngoạn thiên nhiên hữu tình trong trẻo và say sưa nghe kể về những truyền thuyết xưa được lưu lại đã trăm năm.
Đến chùa Thiên Mụ là được chiêm ngưỡng kiến trúc đặc trưng của chùa Huế – Ảnh: Mai Sơn
Là lắng nghe những truyền thuyết đã lưu lại đến trăm năm – Ảnh: Toan Do
Vậy nên, cứ mỗi dịp xuân về, người ta lại rủ nhau cùng thong dong theo con thuyền nhỏ xuôi dòng sông Hương, ghé về chùa Thiên Mụ, chìm đắm trong 108 tiếng chuông chùa giữ nhịp thời gian, thắp một nén nhang nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành.
Thắp nén nhang nguyện cầu những điều tốt đẹp – Ảnh: Piotr Micherewicz
4. NÚI SAM CHÂU ĐỐC – HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ĐẤT PHẬT
Nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở An Giang, Núi Sam như một điểm hành hương không thể lỡ trong những ngày đầu xuân năm mới. Nơi đây có tới hơn 200 đền, chùa, am, miếu nằm rải rác từ chân núi cho đến đỉnh núi, trong đó nổi bật nhất phải kể đến chùa Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang…. tạo nên một chốn tâm linh đầy huyền bí mà bao kẻ tìm vè để kiếm tìm những phút giây tĩnh lặng và cầu mong mọi sự an lành.
Núi Sam là chốn tâm linh nổi tiếng của vùng Châu Đốc – Ảnh: Nguyenhoangnam
Điểm hành hương không thể lỡ trong những ngày đầu xuân – Ảnh: Sưu tầm
Đến Núi Sam những ngày đầu xuân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi chùa cổ kính mang phong vị của tháng năm, gặp những sắc hoa đang điểm cho chốn thiền định thêm một sắc màu sự sống. Rồi từ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa là thu vào lòng cả một bức tranh thơ tuyệt đẹp của làng quê yên ả, có những cánh đồng xanh ngắt trải dài đến bất tận, những mái nhà đơn sơ nép mình bên rặng cây xa, ở khắp nơi nơi là cỏ cây, hoa lá, tất cả đều ánh lên màu của lộc biếc chồi non, đưa người ta chìm sâu trong những trong trẻo, ngọt lành.
Nơi ta được chiêm ngưỡng những ngôi chùa cổ kính mang màu năm tháng – Ảnh: ltbinh2006
Phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn một bức tranh thơ – Ảnh: sun.ss
Lòng bình lặng lại trong những trong trẻo, ngọt lành – Ảnh: Kameharris
Một năm mới lại sắp đến rồi, chần chừ chi nữa, lên lịch cho những chuyến hành hương đầu xuân thôi bạn nhé. Và bạn cũng đừng quên đặt trước cho mình những chốn nghỉ ngơi trong hành trình ấy. Hãy cùng Camnangdulich.vn điểm qua một số nơi dừng chân lý tưởng gần những chốn linh thiêng trên.
Khách sạn Thương Mại Uông Bí ( gần đỉnh Yên Tử): Số 496 – Quang Trung, Uông Bí , Quảng Ninh.
Khách sạn Thương Mại Uông Bí giản dị mà ấm cúng – Ảnh: Sưu tầm
Emeralda Resort & Spa ( gần chùa Bái Đính): Làng Tập Ninh, Xã Gia Vân, Gia Viễn , Ninh Bình.
Emeralda Resort & Spa đầy sang trọng – Ảnh: Sưu tầm
Huế Riverside Boutique Resort & Spa (gần chùa Thiên Mụ): 558 Bùi Thị Xuân, TP. Huế.
Huế Riverside Boutique Resort & Spa mang nét huyền bí xứ cố đô – Ảnh: Sưu tầm
Khách Sạn Victoria Núi Sam Lodge ( gần Núi Sam Châu Đốc): Vĩnh Đông 1, Phường Núi Sam, Thành Phố Châu Đốc, Tỉnh An Giang.
Khách Sạn Victoria Núi Sam Lodge đầy lạ lẫm – Ảnh: Sưu tầm
Dandelion – Camnangdulich.vn
Nguồn: News.zing.vn