Tôn Ngộ Không qua góc nhìn của Lục Tiểu Linh Đồng

0
8

Ngôi sao điện ảnh Lục Tiểu Linh Đồng đã đưa ra những bình luận về nhân vật Tôn Ngộ Không cũng như kiệt tác “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân.

Là người dành tới 17 năm đóng vai Tôn Ngộ Không (phim truyền hình Tây du ký) và đóng vai tác gia Ngô Thừa Ân (phim Ngô Thừa Ân và Tây du ký), ngôi sao điện ảnh Lục Tiểu Linh Đồng (tên thật là Chương Kim Thái) rất hiểu Tôn hầu tử và tác giả của Tây du ký.

Tay du ky anh 1

Sách Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du tập 2, NXB Lao động và Chi Books phát hành. Ảnh: Y. N.

Góc nhìn của người trong cuộc

Xuất phát từ niềm yêu thích văn hóa Hầu vương và văn hóa Tây du, đặc biệt, với mong muốn góp phần vào việc xây dựng một “hệ thống nghiên cứu” liên quan đến Tây du ký (giống như tác phẩm Hồng lâu mộng), ông đã viết tác phẩm Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du.

Tác phẩm bao gồm hai tập, chia sẻ những góc nhìn về Tây du ký của người trong cuộc, qua đó mong muốn bạn đọc có thêm một cách nhìn nhận và cảm thụ được thêm những nét tinh túy của tác phẩm này.

Tay du ky anh 2

Tác giả Lục Tiểu Linh Đồng với ấn bản tiếng Việt sách Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du (tập 2). Ảnh: ChiBooks.

Trong cuốn sách, Lục Tiểu Linh đã dành phần lớn nội dung để bình phẩm nhân vật trung tâm Tôn Ngộ Không.

Theo ông, hình tượng nhân vật này là sự kết hợp giữa tính động của khỉ với tính xã hội của người và tính biến hóa của thần phật.

Tác giả cũng cho biết hình tượng này đã trải qua một quá trình biến hóa dài.

Theo Lục Tiểu Linh Đồng, từ xưa, dòng sông Hoài Thủy ở quê nhà của Ngô Thừa Ân từng là mối họa lớn đối với người dân. Vì vậy nơi đây đã sớm xuất hiện rất nhiều truyền thuyết thần thoại liên quan đến việc việc trị thủy.

Vô Chi Kỳ là một thủy thần bị thu phục trong lúc trị thủy. Người này vốn là một hầu tinh thần thông quảng đại, sau này bị trấn áp dưới chân núi Quy Sơn ở vùng Hoài Âm. Rất có thể Ngô Thừa Ân đã căn cứ vào hình tượng của Vô Chi Kỳ để phát triển thành Tôn Ngộ Không.

“Trái tim khỉ” và khát khao của Ngô Thừa Ân

Cũng theo Lục Tiểu Linh Đồng, Tôn Ngộ Không là anh hùng thần thoại đặc biệt do Ngô Thừa Ân sáng tạo ra trong Tây du ký.

Ngộ Không là một con khỉ đá trời sinh, nhưng vừa là khỉ, vừa là người và thần. Thói quen hầu tử ở Ngộ Không thể hiện ở tính sinh vật, đặc trưng của người là ở tính xã hội hiện thực, đặc điểm thần thì biểu hiện ở việc Ngộ Không trừ yêu diệt quái, tính truyền kỳ thể hiện ở một cú lộn nhào một vạn tám nghìn dặm.

Tay du ky anh 3

Vai Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng trong phim Tây du ký 1986. Ảnh: ChiBooks.

Trong quá trình xây dựng nhân vật thần thoại Tôn Ngộ Không này, Ngô Thừa Ân đã thể hiện sự khinh bỉ đối với quyền thống trị và phản đối với thế lực yêu ma gian ác.

Chính vì thế mà những miêu tả của ông về nhân vật Tôn Ngộ Không đều hàm chứa phẩm chất, tư tưởng tốt đẹp hoặc khát khao của nhân dân lao động trong cuộc sống hiện thực. Đây được xem là một trong những lý do khiến mọi người đều yêu thích Tôn Ngộ Không.

Cũng theo Lục Tiểu Linh Đồng, nhân vật Ngộ Không còn đại diện cho sự theo đuổi về giá trị tâm hồn. “Trái tim khỉ” là tâm hồn tự do, là đam mê vô tận mà Ngô Thừa Ân khát khao, là tinh thần đấu tranh dũng cảm không sợ hãi, là phong thái của người thông thái lạc quan.

Trong tiểu thuyết, mặc dù Tôn Ngộ Không là đồ đệ của Đường Tăng, nhưng thực chất là nhân vật chính của toàn bộ bộ sách. “Đại náo tam giới” là thiên anh hùng của Ngộ Không, Tây Thiên lấy kinh là lịch sử sự nghiệp của Ngộ Không…

Bên cạnh nhân vật trung tâm Tôn Ngộ Không, Lục Tiểu Linh Đồng cũng bình phẩm những nội dung nguyên tác và các nhân vật khác. Đồng thời còn lồng vào đó những mẩu chuyện thực khi ông đóng bộ phim truyền hình dài tập Tây du ký.

Tác giả còn phân tích, mở rộng các tình tiết và hình tượng nghệ thuật được xây dựng trong Tây du ký, qua đó nêu lên triết lý sống, nhân sinh quan, trí tuệ ẩn chứa trong bộ trước tác này với hiện thực cuộc sống đương đại.

Cũng trong cuốn sách, Lục Tiểu Linh Đồng cung cấp những hiểu biết của mình về tác giả Ngô Thừa Ân. Bên cạnh đó tác giả đề cập đến những hiện thực xã hội phản ảnh trong Tây du ký, hay những tinh túy nghệ thuật trong tác phẩm này.

Tác giả đưa ra những bình luận của mình đối với 81 kiếp nạn; những hiểu biết về văn hóa Hầu vương… Ngoài ra tác giả cũng phân tích lý do tại sao Tây du ký có thể trở thành kiệt tác được bạn đọc mọi lứa tuổi trong và ngoài nước yêu thích…

Nguồn: News.zing.vn