‘Tốn bao nhiêu tiền của cũng phải cứu bằng được biển Hội An’

0
8

Tốn bao nhiêu tiền của cũng phải cứu bằng được biển Hội An - Ảnh 1.

Bao cát được chất xuống giữ biển Hội Sau trong cơn bão số 9 – Ảnh: B.D

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói: “Tình trạng sạt lở biển tại Hội An đã xảy ra hàng chục năm, và trở nên khốc liệt hơn sau nhiều trận bão lụt vừa qua. Dù đã có các chuyên gia, nhà khoa học tìm hiểu, mọi thứ vẫn bế tắc”.

Trăm, ngàn tỉ đổ xuống biển như “dã tràng xe cát”

Theo ông Sơn, chính quyền đã chi cả ngàn tỉ đồng kè biển giữ bờ, nhưng tới nay mọi thứ vẫn không thể kiểm soát. Không chỉ bãi biển bị chắn chân, mà các khách sạn, resort đắt tiền, nhà dân cũng đã đổ xuống biển với mức độ ngày càng nặng nề.

Ông Sơn cho rằng các nguyên nhân được chỉ ra vẫn xoay quanh các yếu tố như chế độ thuỷ văn sông Thu Bồn thay đổi, tình trạng xây dựng các công trình dọc biển quá dày, rừng đầu nguồn bị tàn phá, nước biển dâng…

Tốn bao nhiêu tiền của cũng phải cứu bằng được biển Hội An - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Trung ương, tỉnh Quảng Nam kiểm tra hiện trạng sạt lở biển Hội An – Ảnh: B.D

Theo GS.TS Nguyễn Thế Hùng – Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng – cho rằng sạt lở biển Hội An có tính “di truyền”, dẫn dắt từ chỗ này lan qua khu vực khác. Thời gian qua, quá sốt ruột trước công trình ven biển bị hư hại, các hộ dân, chủ doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước đã đổ tiền để làm các hệ thống kè bằng bê tông, kè cứng. Tuy nhiên do chỗ làm, chỗ không, hiệu quả không cao, bãi biển vẫn cứ lở và xu hướng dữ dội hơn sau mưa bão.

Nguyên bí thư Thành uỷ Hội An Nguyễn Sự cho rằng việc thi công cầu Cửa Đại với hệ thống trụ cầu lớn nằm giữa sông Thu Bồn đã làm dòng chảy cửa biển thay đổi. Rừng dừa Cẩm Thanh được trồng cơi làm bít hẹp dòng chảy, cộng với việc thuỷ văn sông từ thượng nguồn biến đổi đã làm cho xói lở, bồi lấp ở biển diễn ra khủng khiếp hơn. 

Ông Sự cho rằng, nếu không nghiêm túc nhìn nhận trên tổng thể để tìm ra nguyên nhân sạt lở thì việc gia cố, kè biển có làm cách nào thì cũng không cản được sóng.

Cấp bách cứu biển hoặc Hội An sẽ thành “biển chết”

Về giải pháp cấp bách, nguyên bí thư Thành uỷ Hội An cho rằng vì tài sản của dân nằm dọc biển đã quá lớn, nên phải bằng mọi cách giữ được bờ biển trước các đợt sóng dữ, đi liền đó phải có giải pháp đủ lâu dài để hạn chế sự hung hãn của biển.

Đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia đã gợi ý nhiều giải pháp. Đại diện Trường CĐ Thuỷ lợi miền Trung cho rằng bờ biển Đà Nẵng – Hội An hiện nay bị đứt gãy và mặt phẳng mấp mô  nhiều. Do vậy khi gia cố bờ thì phải làm cùng lúc, nếu theo kiểu mạnh ai nấy làm như thời gian vừa qua thì công sức sẽ như dã tràng xe cát.

“Đồng thời với việc giữ bờ, cũng phải làm các đê chắn ngầm phá sóng từ xa, trong bờ thì kè bê tông mỏ hàn để giảm áp lực sóng, mới đảm bảo giữ biển lâu dài” – đại diện này nói. 

Tốn bao nhiêu tiền của cũng phải cứu bằng được biển Hội An - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp, các nhà khoa học đã tham gia hiến kế các giải pháp cứu biển Hội An chiều 19-11 – Ảnh: B.D

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết không thể chậm trễ cứu biển Hội An bởi tình thế hiện nay là vô cùng nguy cấp. 

Tỉnh Quảng Nam và Trung ương cũng đã triển khai một số đoạn đê ngầm đặt cách bờ biển một khoảng để phá sóng, trong bờ thì cũng có một số đoạn gia cố bằng bê tông. Trong 1-2 năm tới, các dự án sẽ được triển khai mạnh để hạn chế tối đa tình trạng biển xâm thực đất liền.

Tốn bao nhiêu tiền của cũng phải cứu bằng được biển Hội An - Ảnh 4.

Chính quyền, người dân Hội An gia cố khẩn cấp bờ biển trong bão số 9 – Ảnh: B.D

Chúng tôi tha thiết kiếm tìm một giải pháp đủ hiệu quả để cứu biển, ngân sách thành phố hiện nay sau đại dịch đang rất khó khăn nhưng dù có tốn kém bao nhiêu thì cũng phải tạo được nguồn để có ít nhất vài trăm tỉ đồng giữ bãi biển. Nếu Hội An không có biển thì ngành du lịch sẽ tổn thương nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND TP Hội An NGUYỄN VĂN SƠN

Học người Úc giữ biển

Ý kiến của bà Trần Hạnh An – chủ một doanh nghiệp – đưa ra đã gây chú ý. Bà An nêu câu chuyện ở một dải biển tại Australia và cho biết dải biển này có cấu tạo, địa thế và bố trí dân cư y hệt Hội An hiện nay. Cách đây 30 năm, chính quyền và người dân cũng đã từng hoang mang tột độ. Sau đó, giải pháp tối ưu được đưa ra hoá ra lại rất đơn giản: dùng cọc tre đóng sát bờ biển, đan các tấm giằng tre để “bẫy cát” theo hình bậc thang. Sóng biển xô vào sẽ bị phân tán, cát được giữ lại và trên lớp cát này được trồng các loại cây dại, chèn túi cát làm bằng vật liệu thân thiện.

“Hiện nay, hơn 40km biển ở đó không sạt lở nữa. Nhà cao tầng, khách sạn mọc lên san sát và khách du lịch kéo đến nườm nượp. Tôi đề nghị cần tham khảo kỹ giải pháp này cho Hội An, vừa tránh tốn kém vừa giải quyết được tình trạng bất lực như hiện nay” – bà An nói

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn