Tọa đàm về hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

0
5

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác thức tỉnh thế hệ trẻ hôm nay trong việc ra đi học hỏi để trở về phát triển đất nước.

Ngày 9/6, tọa đàm “Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân” được NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức trực tuyến.

Đây là hoạt động hưởng ứng Triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trên Book365.vn.

Năm nay tròn 110 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước. GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nói sự kiện trưa 5/6/1911, con tàu Amiral Latouche-Tréville rời bến cảng Nhà Rồng mang theo người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của đất nước và dân tộc ta.

110 nam Bac ra di tim duong cuu nuoc anh 1

Từ ngày 25 đến 30/12/1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Về quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi ấy, GS.TS Hoàng Chí Bảo dẫn lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Một quyết định mà lịch sử đã chứng minh là sáng suốt phi thường”.

GS.TS Hoàng Chí Bảo nói khi ra đi, người thanh niên Văn Ba 21 tuổi, hành trang mang theo là lao động, là học tập, là lòng yêu nước, thương dân, quyết tâm thực hiện mục đích cao cả.

Trong cuộc đời gần 6 thập niên hoạt động, đấu tranh cách mạng, hành trình 30 năm của Bác đã qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong suốt 30 năm đó, Người tự học, tự tích lũy tri thức để rồi trở thành danh nhân thế giới, chiến sĩ đấu tranh cho độc lập, tự do dân tộc.

30 năm đó có biết bao sự kiện, hoạt động nổi bật của Người, trong đó có những bước ngoặt lịch sử. Những tư tưởng lớn đã hình thành ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Văn Ba – Nguyễn Ái Quốc trong suốt hành trình, để rồi khi về nước, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực hiện lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc.

110 nam Bac ra di tim duong cuu nuoc anh 2

Từ trái sang: TS Hoàng Mạnh Thắng, GS.TS Hoàng Chí Bảo và MC tại chương trình tọa đàm.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước là điểm khởi đầu cho những bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Người và cũng là bước ngoặt lớn của dân tộc, nhân dân ta, của triển vọng phát triển đất nước sau này. Đó cũng là đóng góp to lớn, ý nghĩa với phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác có ý nghĩa lớn, là bài học quý, thức tỉnh lòng yêu nước, thức tỉnh trách nhiệm với nhân dân của những người trẻ đang học tập ở nước ngoài, đem trí thức, tài năng về nước để phục vụ cho cuộc sống của nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước.

“Đó cũng là trách nhiệm vẻ vang với thanh niên, lớp trẻ hôm nay”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.

Tham dự tọa đàm, TS Hoàng Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, Tổng biên tập tạp chí Nhịp cầu Tri thức, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, cho biết nhà xuất bản đã thực hiện hơn 100 đầu sách, hàng triệu bản in về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, có những cuốn về hành trình tìm đường cứu nước của Người.

“Chúng tôi không chỉ xuất bản sách giấy, mà làm sách điện tử, audio, video; không chỉ làm sách tiếng Việt, mà còn có sách tiếng Anh, tiếng Trung… để phục vụ công tác quảng bá, tuyên truyền, đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, phát hành sách về Bác tới đông đảo công chúng”, TS Hoàng Mạnh Thắng nói.

Đặc biệt, năm 2021, cuốn sách Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô (1923-1938) được NXB Chính trị quốc gia Sự thật biên dịch, biên tập, xuất bản bằng tiếng Nga. Cuốn sách viết về những năm tháng sống, học tập, hoạt động và làm việc sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc tại Nga từ năm 1923 đến năm 1938. Sách được giới thiệu, trưng bày tại Hội sách quốc tế Saint-Petersburg lần thứ XVI từ ngày 26 đến 29/5.

Nguồn: News.zing.vn