Hương thơm ngọt ngào của mực ống tươi và sợi bún mềm, thêm nước dùng đậm đà tạo nên tô bún mực khiến nhiều du khách nhớ đến mỗi khi đi qua vùng biển Đại Lãnh, Khánh Hòa.
Nếu có dịp đi qua cung đường từ đèo Cổ Mã, chạy theo quốc lộ 1A thẳng đến Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức món bún mực ở các quán nằm rải rác ven đường.
Được xem là món ăn “cây nhà lá vườn” dân dã của biển Đại Lãnh, bún mực có sức lôi cuốn riêng nhờ nguyên liệu tươi rói. Mực thường được các chủ quán đặt mua vào mỗi sáng sớm khi ngư dân mới đánh bắt về và chỉ tiêu thụ trong ngày.
Loại mực được chọn để nấu bún là mực ống hoặc mực lá, to chừng hơn ngón tay cái, dài vừa phải. Vì còn tươi xanh nên khi chế biến sẽ có vị ngọt lừ, vỏ ngoài tím, trong ruột trắng ngần, không quá dai.
Giá trung bình cho mỗi suất bún thường từ 25.000 đồng. Bạn có thể ăn ở bất kỳ quán ăn nào bởi chất lượng hầu như ngang nhau. Ảnh: Mary123. |
Món bún được chế biến rất đơn giản. Mực sau khi rửa sạch, vớt để vào rổ cho ráo nước. Các nguyên liệu đi kèm như dứa, cà chua, hành, ngổ cắt ngắn để sẵn. Điều thú vị là các quán hàng ở đây thường đợi khi có khách gọi mới bắt đầu chế biến mực chứ không nhúng sẵn như các nơi khác.
Sợi bún được chế biến từ thứ gạo thơm nên mềm dai, sau khi nhúng qua nồi nước sôi cho vào bát lượng vừa đủ. Tiếp đến cho cà chua, dứa vào nồi nước dùng, nhúng tái rồi mới cho mực vào, đợi đến khi miếng mực săn lại, co hai đầu, vớt ra đổ ra bát. Cuối cùng chan nước dùng và rắc rau thơm lên là hoàn thành món ăn.
Bún mực Đại Lãnh thường ăn kèm với xà lách, diếp cá và một số loại rau thơm theo mùa. Khi ăn bún mực, thực khách đừng quên vắt vài giọt chanh tươi, thêm một hai lát ớt và chấm mực với chút nước mắm đậm đà để cảm nhận hương vị trọn vẹn của món ăn vùng đất nắng gió.
Xem thêm: Xanh biếc biển trời dưới chân hải đăng Đại Lãnh.
Lê Thương
Nguồn: Vnexpress.net