Tính đến 17 giờ ngày 3.1, tổng số du khách Việt Nam “mất tích” tại Đài Loan đã tìm được là 30 người, gồm 15 nữ và 15 nam. Đài Loan kêu gọi 118 du khách còn lại ra đầu thú.
Theo báo cáo của Cục Di dân Đài Loan, trong tổng số 30 du khách Việt được tìm thấy, có 13 người tự ra trình báo, cảnh sát và các cơ quan chức năng “tìm được” 17 người. Hiện 22 trong số 30 người này đã được chuyển về tạm giữ tại cơ sở của cơ quan xuất nhập cảnh ở Cao Hùng, 8 người còn lại đang bị giữ lại cơ quan hành pháp để tiến hành điều tra.
30 người trên thuộc nhóm 152 du khách Việt Nam “mất tích” trong 2 ngày 21 và 23.12.2018 sau khi nhập cảnh vào lãnh thổ này ở Cao Hùng.
Sau đó, Cục Di dân đã liên hệ được với một người và kiểm tra thì được biết 3 người khác đã xuất cảnh khỏi Đài Loan, nên tổng số người “mất tích” được xác định là 148 người.
|
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc “mất tích” tập thể trên trong lịch sử ngành du lịch Đài Loan, Cục Di dân đã phối hợp với Sở Cảnh sát Đài Loan và huy động tìm kiếm trên diện rộng. Các cơ quan chức năng Đài Loan nhận định vụ việc này có liên quan đến một tổ chức hoặc đường dây buôn người quy mô lớn và có kế hoạch bỏ trốn rất bài bản và chặt chẽ.
Một số du khách Việt Nam được “tìm thấy” đã thừa nhận với các cơ quan chức năng rằng họ đã đóng một số tiền không nhỏ tại Việt Nam (từ 15 – 53 triệu đồng/người) để sang Đài Loan với danh nghĩa du lịch nhưng mục đích chính là trốn lại và làm việc bất hợp pháp.
Đài Loan kêu gọi du khách “mất tích” ra đầu thú
Theo ông Trần Kiến Thành, đội trưởng đội nghiệp vụ xuất nhập cảnh thuộc Cục Di dân Đài Loan, 148 du khách Việt “mất tích” đã vi phạm Điều 74 Luật Xuất nhập cảnh và Di dân của Đài Loan quy định về hành vi “nhập cảnh không phép”. Ông cho biết những người này có visa đến Đài Loan nhưng vì “âm mưu bỏ trốn tập thể” nên được xem là phạm pháp. Các du khách này có thể bị phạt tù với thời hạn tối đa 3 năm, phạt lao động cải tạo hoặc phạt tiền 90.000 Đài tệ (gần 68 triệu đồng).
Từ ngày 1.1.2019, Cục Di dân Đài Loan đã phát thông báo bằng tiếng Việt Nam kêu gọi 118 du khách còn lại sớm đến cơ quan chức năng trình diện, với cam kết rằng họ sẽ được đảm bảo nhân quyền và tránh tình trạng bị phạt tù như trên.
Đồng thời, cơ quan này cũng kêu gọi người dân nếu phát hiện ra cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng về tung tích của các du khách Việt đang mất tích. Nếu bị phát hiện có các hành vi như che giấu, hỗ trợ người bỏ trốn, họ có thể đối mặt án tù lên đến 2 năm.
Ông Trần Kiến Thành cũng cung cấp các số điện thoại đường dây nóng tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam của Đài Loan cũng như của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để người dân trình báo. Thông báo về đường dây nóng được viết bằng cả tiếng Trung và tiếng Việt.
Cuối tháng 12.2018, Đài Loan đã bắt một đối tượng gốc Việt có thẻ thường trú tại Đài Loan. Người này bị tình nghi đã đón các du khách Việt rời khách sạn, hiện đang bị thẩm tra bởi các cơ quan chức năng.
Với 24.827 lao động Việt Nam được tiếp nhận trong 5 tháng đầu năm 2018, Đài Loan là thị trường hàng đầu sử dụng lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB7XH) của Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.247 người, đạt 42,95% kế hoạch năm 2018.
Nguồn: Thanhnien.vn