Địa chỉ nhà ông Hòa vừa là quán ăn vừa là điểm cung cấp sợi mì tươi cho nhiều tiệm ăn gốc Hoa trong thành phố.
Mì sợi là thực phẩm thường dùng trong nền văn hóa ẩm thực của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Sợi mì mượt có màu vàng rơm làm từ bột không men được gia đình ông Minh Hòa (61 tuổi) duy trì suốt mấy chục năm qua ở Sài Gòn.
Vốn là người gốc Triều Châu, ông Hòa có cách chế biến gia truyền cho ra sợi mì thơm ngon. “Ngày trước, gia đình tôi kinh doanh ở đường Nguyễn Văn Tráng, quận 1. Do nhiều lý do, chúng tôi dời về địa chỉ hiện tại cũng được hơn 2 năm”, ông Hoà kể lại.
Ông Minh Hòa bên góc bếp thân quen được đặt ở ngay trước quán. Ảnh: Di Vỹ. |
Hiện tại, vì tuổi cao mà ông Hòa để con trai là anh Thế Duy làm chủ tiệm ăn Chấn Phong. Ông chủ trẻ bắt đầu học nghề truyền thống của gia đình từ khi còn nhỏ. Cũng nhờ phục vụ mì tươi được làm mới mỗi ngày mà tiệm ăn rất được lòng thực khách.
Mỗi ngày, anh Duy thức dậy từ 4h để bắt đầu làm mì. Mì làm ra không chỉ để nấu cho khách ở quán mà còn bán cho một số nơi. Vì vậy, các công đoạn đến 14h mới hoàn thành.
>Xem thêm: Ba tiệm ăn “cha truyền con nối” bán món Hoa ở Sài Gòn
Không tiết lộ công thức chế biến, ông Hòa chỉ cho biết, nguyên liệu chính để làm mì của quán là trứng vịt, nước tro tàu và bột mì, hoàn toàn không dùng nước khác. Tất cả được kéo căng, ép đùn, cán phẳng và cắt nhỏ. “Nếu dùng nước thì sợi mì sẽ mềm, không giòn, bị bở và ăn sẽ mất ngon”, ông nói.
Theo thời gian, dù vật giá leo thang nhưng quán vẫn bán một kg mì 8 trứng với giá như ban đầu. Suất ăn ở quán có giá từ 45.000 đồng với gần 10 loại mì, hoành thánh, sủi cảo. Mì sườn sụn và mì khô là hai món được ưa chuộng nhất.
Hoành thánh hay sủi cảo cũng là món được nhiều khách gọi ăn kèm với mì. Ảnh: Di Vỹ. |
Sau khi trụng mì qua nước lèo nóng, chủ quán sẽ cho vào các thành phần ăn kèm như hoành thánh, sủi cảo, thịt xá xíu, sụn heo, bò viên, bao tử, tim, gan, tôm, mực, xí quách, cá viên… Rồi đầu bếp nhanh tay thêm chút lá hẹ, hành phi vàng ươm, tóp mỡ chiên giòn rụm. Cuối cùng là những vá nước lèo trong veo, thơm mùi xương ống hầm.
Thưởng thức món ăn tại quán, thực khách còn có cơ hội chứng kiến màn trụng và thảy mì điệu nghệ của người đàn ông hơn 60 tuổi. Lúc rảnh rỗi, vợ ông Hòa là bà Thuận (61 tuổi) cũng ra trông quán, phụ tính tiền hoặc chuẩn bị các nguyên liệu.
Chiếc xe mì kiểu người Hoa thường thấy. Ảnh: Linh Sea. |
Bà Thuận kể, trước đây khi quán còn ở quận trung tâm, có ngày trời mưa mà quán vẫn đông khách đứng chờ mua mang về. “Bây giờ dời về đây thì ít khách hơn. Khách nào nhớ tìm đến làm mình cũng thấy vui”, bà Thuận nói.
Anh Đỗ Huy Hoàng (quận 7) từng khá bối rối khi quán ăn thay đổi địa chỉ. “Tôi không biết quán dời đi do một thời gian dài không ghé ăn. May mà sau này tìm lại được chỗ mới”, anh Hoàng nói. Theo anh, phần ăn ở đây khá giống với các hàng gốc Hoa nhưng sợi mì giòn, thơm và dai thì hiếm quán nào có được. “Dù tôi để lâu, sợi mì vẫn ngon, không bị nở hay bở”, anh Hoàng nhận xét.
Tiệm mì cũng là nơi sinh sống của gia đình hiện nằm trên đường Tôn Đản, quận 4. Gian nhà nhỏ được chủ xếp vài ba bộ bàn ghế cao hai bên cho khách ngồi. Trước đây, quán mở suốt ngày đêm nhưng hiện tại, sợ không phục vụ chu đáo và chỉn chu mà quán chỉ phục vụ từ 16h tới 0h sáng. Đường Tôn Đản khá đông vào buổi tan tầm, quán có hiên hẹp nên khách đi xe máy đến hơi vất vả để dắt xe.
Nguồn: Vnexpress.net