Thụy Sỹ đã trở thành điểm đến của nhiều du khách nhờ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với các thành phố và làng mạc đẹp như tranh vẽ.
Du lịch – câu chuyện thành công của Thụy Sỹ
Du thuyền trên hồ Lucerne |
Ngày 1 tháng 8 năm nay, Thụy Sỹ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 728. Kể từ khi thành lập, được ấn định bởi một lời thề của ba bang trên ngọn đồi “Rütli”, Thụy Sỹ đã trở thành điểm đến của nhiều du khách nhờ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với các thành phố và làng mạc đẹp như tranh vẽ.
Từ nhiều năm nay, du lịch là một ngành mang lại nguồn thu lớn cho Thụy Sỹ. Với sự đa dạng về sản phẩm du lịch dành cho nhiều đối tượng, Thụy Sỹ đã và đang thu hút du khách từ nhiều nơi, và trở thành một trong những quốc gia có lượng du khách đến đông nhất trên thế giới.
Ngành công nghiệp du lịch Thụy Sỹ đã có một năm 2018 hết sức thành công, đạt mức kỷ lục 38,8 triệu đêm lưu trú.
Theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang Thụy Sỹ, hơn 10 triệu phòng khách sạn đã được khách nước ngoài đặt, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Switzerland Tourism – Cục Xúc tiến Du lịch Thụy Sỹ, dự kiến từ nay cho đến năm 2020, lượng du khách Việt Nam lưu trú qua đêm sẽ tăng từ 10% đến 12% mỗi năm. Năm 2017, đã có khoảng 17.300 lượt du khách Việt Nam lưu trú tại Thụy Sỹ.
Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến nghỉ dưỡng phổ biến
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, số lượt du khách Thụy Sỹ đến Việt Nam trong tháng 6 năm 2019 đã tăng ấn tượng ở mức 107,3% so với tháng 6 năm ngoái.
Tổng cộng đã có gần 20.000 lượt du khách Thụy Sỹ đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019. Việt Nam và Thụy Sỹ đều coi trọng phát triển du lịch nhờ vẻ đẹp của mỗi nước. Giống như Thụy Sỹ, Việt Nam là đất nước có vẻ đẹp nhiên nhiên kỳ vĩ và đón tiếp rất nhiều du khách mỗi năm.
Quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sỹ và Việt Nam được thiết lập từ năm 1971 và phát triển nhanh chóng.
Như đã nêu ở trên, số lượng du khách Việt Nam đến khám phá vẻ đẹp của Thụy Sỹ ngày càng tăng và số lượng du khách Thụy Sỹ đến Việt Nam cũng tăng nhanh. Các mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước sẽ tiếp tục lớn mạnh và ngày càng khẳng định đó là một tài sản hết sức quan trọng giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ tuyệt vời giữa hai quốc gia.
Thụy Sỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch bền vững
Từ nhiều năm nay Thụy Sỹ đã hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững gắn liền với tạo công ăn việc làm.
Chương trình Phát triển Du lịch Bền vững Thụy Sỹ (SSTP) sẽ được triển khai đến hết tháng 5 năm 2022. Đây là chương trình do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và sẽ hỗ trợ các điểm du lịch mới nổi của Việt Nam.
Chương trình nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững của du lịch Việt Nam, ví dụ thông qua hoạt động tăng cường kỹ năng về du lịch cho lực lượng lao động trong ngành du lịch. Với những kỳ vọng này, ngành du lịch sẽ phát huy hết tiềm năng như một ngành kinh tế có khả năng tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân Việt Nam trong tương lai.
Du lịch – một con đường giúp mở rộng trao đổi văn hóa giữa hai đất nước
Một năm thành công rực rỡ của ngành du lịch Thụy Sỹ và Việt Nam cho thấy hai nước chúng ta đều đánh giá cao tầm quan trọng của việc đón tiếp khách du lịch và tiếp nhận các nền văn hóa khác nhau.
Tàu Glacier Express chạy trên cầu Landwasser Viaduct, bang Grisons |
Số lượng du khách Thụy Sỹ tới Việt Nam sẽ tiếp tục tăng một phần là nhờ việc Việt Nam đưa Thụy Sỹ vào chương trình cấp thị thực điện tử và việc mở đường bay thẳng giữa Zurich và thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 năm 2018.
Nhân dịp khai trương đường bay thẳng của Hãng hàng không Edelweiss Air, Switzerland Tourism – Cục Xúc tiến Du lịch Thụy Sỹ đã xây dựng một số chương trình tham quan du lịch Thụy Sỹ dành cho các công ty lữ hành của Việt Nam.
Những sáng kiến này có tác động tích cực tới sự tăng trưởng về số lượng đêm lưu trú của du khách Việt Nam. Đồng thời, với nỗ lực cộng hưởng cả về chiều sâu và chiều rộng của các cơ quan chức năng, ngành du lịch nhằm quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài chắc chắn sẽ đóng góp vào một năm thành công nữa của du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng Cục Du lịch Việt Nam cũng không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng dịch vụ hoàn hảo cho các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, các cơ quan quản lý địa phương và các cơ quan chức năng trong ngành du lịch.
Nhiều cán bộ trong ngành du lịch Việt Nam đã được đào tạo tại các trường du lịch nổi tiếng của Thụy Sỹ. Ví dụ, năm 2018, Viện Quản lý Du lịch và Khách sạn Thụy Sỹ (HTMi) đã ký bản ghi nhớ về quan hệ đối tác với trường Đại học Đông Á của Việt Nam. Hình thức đối tác như vậy chắc chắc sẽ giúp phát triển hơn nữa hợp tác giữa Thụy Sỹ và Việt Nam trong lĩnh vực du lịch.
Kèn sừng, một nhạc cụ truyền thống nổi tiếng của Thụy Sỹ |
Nhân dịp này, và cùng chúc cho những kết quả thành công của hai nước trong ngành du lịch, tôi xin gửi tới nhân dân Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng và chúc toàn thể công dân Thụy Sỹ đang có mặt ở Việt Nam một ngày Quốc khánh thật nhiều niềm vui!
Bà Beatrice Maser – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam
Nguồn: Vietnamnet.vn