Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để phát triển đột phá du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, gắn với chiến lược bài bản và phát triển cơ sở hạ tầng.
Sáng 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với với Đại học Hoa Sen tổ chức.
Con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 3 chữ C để xây dựng Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chữ “C” đầu tiên là vấn đề con người. Ông nhấn mạnh cần phải nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sự sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch của người dân Việt Nam, đặc biệt là dân bản địa ở địa phương.
“Các trường đào tạo cũng đóng vai trò rất quan trọng, còn người dân có vai trò trực tiếp”, ông nói.
Chữ “C” thứ hai được Thủ tướng lưu ý là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng ở đây gồm hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng mềm là tiềm lực văn hóa, hạ tầng thông minh như chính phủ điện tử và mô hình thành phố thông minh mà TP.HCM đang triển khai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại diễn đàn. Ảnh: HSU. |
Chữ “C” cuối cùng được Thủ tướng lưu ý là chiến lược. Ông nhấn mạnh làm bất cứ việc gì cũng phải có chiến lược, có trước có sau, có bước đi cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa ra tầm nhìn dài hạn, các xu hướng hành động mỗi năm của ngành du lịch cùng với các ngành khác, nhất là ngành giáo dục đào tạo để thực thi tốt, cân bằng giữa kinh tế, văn hóa, môi trường.
“Về chiến lược đào tạo, lao động, cần các bước đi phù hợp để không thừa không thiếu, số lượng đi liền với chất lượng để phát triển ngành du lịch, nguồn nhân lực du lịch việt nam”, Thủ tướng phát biểu.
Làm thế nào để thu hút nguồn nhân lực cho du lịch
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 3 câu hỏi cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Đầu tiên, ông băn khoăn việc có đủ nguồn nhân lực chất lượng cho ngành du lịch hay phải đặt câu hỏi ngược trở lại, rằng ngành này có đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng tham gia hay không.
Thủ tướng khẳng định các hình thức đãi ngộ nhân tài sẽ quyết định khả năng thu hút nguồn nhân lực. Điển hình như một số doanh nghiệp được đánh giá có nguồn nhân lực tốt tại Việt Nam, thu hút được nhân sự do có chính sách tốt với người quản lý lẫn người lao động.
“Tôi tin những công ty, những mô hình kinh doanh tốt nhất trong ngành du lịch Việt Nam là những đơn vị trả lời được câu hỏi này vì các bạn chính là những nhà tuyển dụng tốt nhất. Môi trường, cơ chế thu hút con người là quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đặt câu hỏi trên không chỉ cho các doanh nghiệp du lịch mà còn cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi du lịch là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu và khó có thể áp dụng chính sách bảo hộ nào được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn sáng 12/4. Ảnh: HSU. |
Thủ tướng cũng mong muốn nội hàm của nguồn nhân lực du lịch không chỉ dừng ở các doanh nghiệp mà mở rộng ra cả người dân, cộng đồng nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Đây là yếu tố sẽ ảnh hưởng quan trọng đến phát triển hệ thống du lịch.
Ông lấy ví dụ vì sao tôi tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch ở Hội An, bởi ở đây có cộng đồng làm du lịch rất tốt.
“Sáng sớm vào cửa hàng, anh đo quần áo nhưng anh không mua thì người dân vẫn vui vẻ. Người dân còn hướng dẫn du khách đường đi”, ông nói.
Thủ tướng cho rằng trong ngành du lịch, hiệu quả của nguồn nhân lực gắn liền với giá trị họ mang lại qua chất lượng dịch vụ cung cấp. Bởi những người có năng lực, thân thiện, hữu ích có tác động rất lớn tới sự hài lòng của du khách tới địa điểm du lịch hơn là cơ sở hạ tầng xa hoa.
Câu hỏi thứ hai được Thủ tướng nêu ra: “Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm trên 10% GDP. Vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng với 2 chữ mũi nhọn? Làm gì để thu hút lao động có kỹ năng tham gia ngành du lịch? Làm gì để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có?”.
Ông cũng đặt câu hỏi các bộ, ngành đã làm gì để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá cho ngành du lịch VIệt Nam khi Đảng và Nhà nước xác định thể chế, nguồn nhân lực, và hạ tầng là 3 đột phá quan trọng.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải hành động nghiêm túc chứ không chỉ chờ địa phương rồi nêu ý kiến.
Nguồn: News.zing.vn