Nêu rõ Quảng Ninh là tỉnh có quy mô kinh tế lớn, luôn nằm trong top địa phương dẫn đầu cả nước, Thủ tướng muốn nghe chia sẻ, hiến kế để tháo gỡ khó khăn, giúp Quảng Ninh cất cánh.
Sáng 24/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa phương mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 4 lần đến thăm, làm việc trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chuyến công tác tại địa phương lần này là để nghe các biện pháp cất cánh mới của Quảng Ninh hậu dịch Covid-19, để thảo luận về nhiệm vụ nặng nề năm nay là cố gắng đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở mức cao nhất.
“Với một tỉnh có quy mô kinh tế tương đối lớn như Quảng Ninh, đây là yêu cầu hết sức quan trọng, làm sao giữ vững mục tiêu tăng trưởng đối với một số địa bàn trọng điểm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp để giúp cho Quảng Ninh cất cánh. Ảnh: VGP. |
Chuyến công tác của Thủ tướng lần này cũng nhằm phát động ra quân về du lịch của cả nước với tinh thần lấy du lịch nội địa làm trọng tâm trong bối cảnh hiện nay. Được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch bị thiệt hại lớn do dịch Covid-19, nhưng nay Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước không khí làm ăn tại Quảng Ninh khi các khách sạn đều đông khách.
Theo ông, đây là không khí mới mà chúng ta cần thúc đẩy trên phạm vi cả nước.
Theo Thủ tướng, chuyến công tác, làm việc tại Quảng Ninh cũng là để lắng nghe, giải quyết các kiến nghị cụ thể, để tháo gỡ, góp ý cho sự phát triển của địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng ta phải có biện pháp mạnh chứ không thể theo giải pháp thông thường.
Ông đề nghị các bộ trưởng đề xuất, góp ý để có sự đột phá trong phát triển hiện nay, góp phần tạo sức bật mới đối với Quảng Ninh.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã cắt băng khánh thành, khai trương một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Khánh thành cầu Bài Thơ và tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn tại TP Hạ Long; khai trương khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh tại TP Cẩm Phả. Đây là khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật Bản đầu tiên của Việt Nam (có tên Yoko Onsen Quang Hanh).
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều dấu ấn về phát triển kết cấu hạ tầng, du lịch. Ảnh: VGP. |
Quảng Ninh cũng là địa phương luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 – 2019 đạt gần 163.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm hơn 72,3%.
Một trong những dấu ấn của Quảng Ninh là phát triển kết cấu hạ tầng với hàng loạt dự án như cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn dài 120 km (cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài hơn 80 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2022); cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai… Tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt hơn 123.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 62% tổng vốn đầu tư.
Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), trên cơ sở kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”.
Theo đó, tỉnh đã thực hiện 44 dự án với tổng số vốn 47.000 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Như vậy cứ 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách.
Chia sẻ về tác động của đại dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Tổng số khách du lịch 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1,54 triệu lượt, giảm 77% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 2.766 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Trước tình hình này, tỉnh đã tung ra gói kích cầu du lịch trị giá 200 tỷ đồng.
Nguồn: News.zing.vn