Một món mỳ lửa theo đúng nghĩa “cháy phừng phừng”. Người ăn mỳ bốc cháy không những cần sự gan dạ mà còn phải tuân thủ hàng loạt quy tắc. Đó chỉ có thể là Fire Ramen ở Kyoto, cố đô của Nhật Bản.
Buổi tối đầu đông, thời tiết cố đô Kyoto chỉ vài độ C, đi bộ ngoài đường tay chân đã lạnh cóng. Một người bạn Nhật Bản hào hứng bảo, có muốn đi ăn chút gì không?
Phải là món gì thật nóng nhé. Có ngay món mỳ lửa độc nhất vô nhị ở Kyoto. Mỳ ramen thì ai đến Nhật cũng không lạ lẫm gì, nhưng mỳ mà bốc cháythì chỉ ở đây mới có. Mỳ lửa – cái tên nghe thôi đã thấy ấm áp rồi.
Quán mỳ tên Menbakaichidai, nhưng chắc ít ai nhớ tên mà thường gọi là quán Fire Ramen (mỳ ramen bốc cháy).
Quán nhỏ, trên con một con phố cũng nhỏ và phảng phất nét cổ kính kiểu Kyoto. Quán chỉ đủ chỗ phục vụ 12 khách/lượt và mỗi khách khuyến khích lưu lại quán khoảng 30 phút.
Vì thế, thực khách phải ngồi thành hàng trên những chiếc ghế bên ngoài, chờ đến lượt. Không lo lạnh vì chủ quán đã mang cả đèn sưởi ra phục vụ.
|
Vừa bước vào quán, không khí ấm cúng đã lan tỏa. Chúng tôi ngồi quây quần quanh quầy bếp, phía sau là các đầu bếp đang tất bật chế biến.
Thực đơn cũng rất đơn giản. Một tô mỳ ramen lửa cơ bản có giá 1.350 yên (khoảng 290 nghìn đồng), loại đặc biệt nhất giá 2.250 yên (khoảng 480 nghìn đồng), có thể ăn thêm cùng gà rán, trứng luộc, gyoza (một loại há cảo).
Quy định của quán là mỗi khách phải ngồi đúng vị trí, mỗi khách gọi một tô, không ăn chung. Trẻ em cao dưới 1,5 m không được ăn để đảm bảo an toàn. Và tất nhiên, nếu bạn đến mà không ăn mỳ lửa thì có thể ngồi ở bàn riêng.
Chọn món xong mới là bước thú vị. Nhân viên phát cho mỗi khách một chiếc tạp dề giấy cỡ lớn để che phủ cả người, tránh dầu mỡ bắn vào quần áo.
Thực khách được cho xem bảng hướng dẫn trước khi xem trình diễn chế biến mỳ lửa, đặc biệt là có cả tiếng Việt. Có hàng loạt yêu cầu rất chi tiết, như phải buộc tóc gọn gàng, né người ra sau khi lửa to, không kêu gào, ngồi yên tại chỗ…
|
Xong xuôi, đầu bếp bưng tới trước mặt mỗi chúng tôi một tô mỳ có các nguyên liệu theo yêu cầu. Nước dùng của mỳ ramen được hầm từ thịt heo, gà hoặc cá, nước tương đậu nành. Tô có mỳ sợi, thịt heo, trứng luộc, trên mặt có một lớp hành xanh mướt, cuối cùng là một lớp dầu đặc biệt phủ trên cùng.
Tô mỳ trông thật hấp dẫn. Nhưng chưa, bạn chưa được ăn đâu. Chờ một chút. Đây mới là màn trình diễn đáng giá. Sau khi đun mồi trên bếp, đầu bếp châm lửa vào bát. Hành lá nhanh chóng bắt lửa, lan ra lớp dầu khiến ngọn lửa đỏ rực bốc lên ngùn ngụt, cao đến cả mét.
Trong phút chốc, tô mỳ trước mắt bốc cháy làm chúng tôi không khỏi thích thú. Người thì nhắm tịt mắt, người thì ồ lên vì trầm trồ thán phục.
|
Lửa cháy hết, tô mỳ vẫn còn bốc khói nóng hôi hổi. Giờ thì bạn mới có thể bắt đầu thưởng thức món ăn độc đáo này. Sợi mỳ dai ngon, nước dùng thơm ngọt hơi béo béo ngầy ngậy, thịt lợn thái miếng lớn đậm đà, đặc biệt là những khoanh hành lá cỡ lớn cay cay hăng hăng rất đưa vị.
Lạ một cái, cảm giác khi ăn từng gắp mỳ có mùi cháy thơm thơm khiến hương vị càng thêm đặc biệt. Chúng tôi ăn một hơi hết tô mỳ cỡ lớn, thở ra một hơi hài lòng.
Hỏi ra mới biết, quán ăn mỳ này cực kỳ phổ biến với khách du lịch. Cùng ăn với chúng tôi có nhóm bạn trẻ người Mỹ, Trung Quốc, Malaysia…
Chủ quán cũng rất biết kinh doanh, các nhân viên đều mặc áo có slogan: “No ramen – No life” (Không có mỳ ramen – không có cuộc sống), bán cả áo thun, đồ kỷ niệm cũng như đưa khách tham quan xưởng làm mỳ nếu có nhu cầu.
Ăn mỳ bốc lửa thực đúng là một trải nghiệm thú vị. Vì thế mà những ngày lạnh như thế này, tôi lại nhớ không khí ấm sực lên khi ngồi trước quầy bếp, thưởng thức tô mỳ ám mùi lửa ở cố đô Kyoto, bỏ thêm gia vị là sự ngạc nhiên và trầm trồ.
Tin liên quan
- Cà Mau đất mũi Việt Nam vậy sao ít khách quốc tế đến du lịch?
- Du lịch Nhật Bản: Các món ăn tráng miệng nổi tiếng và cực ngon
- Ưu đãi hấp dẫn cho tour du lịch Nhật Bản mùa đông
Nguồn: Thanhnien.vn