[kdn-video]
VTV.vn – Sau hàng chục năm “đóng cửa” với thế giới vì chia cắt chính trị, thị trấn với khu nghỉ dưỡng Varosha nổi tiếng một thời hy vọng sẽ sớm thu hút được du khách quay trở lại.
Nằm ở bờ Đông quốc đảo Síp ở Địa Trung Hải là một thị trấn “ma” bị lãng quên cùng thời gian. Mang tên Varosha, vùng lãnh thổ bị giới hạn này sắp được mở cửa trở lại sau 46 năm không có bóng người vãng lai. Thủ tướng của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp, ông Ersin Tatar hy vọng rằng công chúng sẽ sớm có thể quay lại mảnh đất một thời xinh đẹp và sôi động này.
Sau khi Síp bị chia cắt vào năm 1974, trở thành vùng Thổ Nhĩ Kỳ-Síp ở phía Bắc và vùng Hy Lạp-Síp ở phía Nam, các cư dân sinh sống tại của khu vực Varosha, thành phố Famagusta đã buộc phải rời đi. Nơi này trở thành một khu vực đặc biệt được canh giữ bởi Liên Hiệp Quốc. Vào năm 1984, một nghị quyết an ninh từ Liên Hợp Quốc được đưa ra đã cấm người dân tái định cư. Vì vậy, chỉ có duy nhất quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là những người duy nhất có mặt phía sau hàng rào ngăn cách.
(Ảnh: Sean Gallup)
Vào giai đoạn “hoàng kim” trong khoảng thập niên 1970, Varosha là nơi sinh sống của hơn 25.000 cư dân. Ngành du lịch ở đây đã từng nở rộ, hấp dẫn du khách đến từ mọi nơi trên thế giới. Một số minh tinh lừng danh từng chọn nơi này làm địa điểm nghỉ dưỡng có thể kể đến là Elizabeth Taylor, Richard Burton, và Brigitte Bardot.
Ông Tatar chia sẻ với truyền thông: “Hiện tại chúng tôi đang tiến đến rất gần với việc bắt đầu quá trình tái mở cửa. Theo tôi thì mọi thứ đều đã sẵn sàng. Thời thế đã thay đổi, đã đến lúc chuyển sang một chương mới”.
(Ảnh: iStock)
Tuy kế hoạch “hồi sinh” thị trấn cùng khu du lịch vang bóng một thời chưa được xác định cụ thể vì vướng phải một số sự kiện chính trị sắp diễn ra, ông Tatar cho biết chính quyền của mình rất quyết tâm với dự định này. Ông khẳng định thị trấn thuộc lãnh thổ của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp, và họ sẽ tiếp quản nơi này tốt nhất có thể.
Varosha không phải là khu vực duy nhất bị bỏ hoang phế sau những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp năm xưa. Hiện tại ở Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng Kayakoy cũng đang phải sinh sống tại một vùng đất đầy đổ nát sau cuộc đụng độ giữa người Hồi giáo Hy Lạp và người Cơ đốc giáo Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1923.
Nguồn: Vtv.vn