Từ độ cao 200 m, các công trình như chợ Đầm, sân vận động, nhà thờ, chùa, tháp bà Ponagar và nhiều danh thắng khác của thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) hiện lên ở góc nhìn khác lạ.
Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Từ năm 2009, thành phố biển này được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.
Nha Trang được mệnh danh là hòn ngọc của Biển Đông, hay viên ngọc xanh do những giá trị thiên nhiên, khí hậu tự nhiên. Diện tích tự nhiên của thành phố biển này là 251 km², dân số khoảng 500.000 người. Phía bắc giáp thị xã Ninh Hòa, phía nam liền kề huyện Cam Lâm, phía tây nối liền huyện Diên Khánh và phía đông là bờ biển trải dài khoảng 4,5 km.
Địa hình Nha Trang khá phức tạp, có độ cao trải dài từ 0 đến 900 m so với mặt nước biển, chia thành 3 vùng địa hình. Vùng đồng bằng duyên hải và ven sông Cái có diện tích khoảng 81,3 km² (chiếm 32,33% diện tích toàn thành phố). Vùng chuyển tiếp và các đồi thấp có độ dốc từ 3⁰ đến 15⁰ chủ yếu nằm ở phía tây và đông nam hoặc trên các đảo nhỏ (chiếm 36,24% diện tích).
Vùng núi có địa hình dốc trên 15⁰ phân bố ở hai đầu bắc – nam thành phố, trên đảo Hòn Tre và một số đảo đá (chiếm 31,43% diện tích toàn thành phố).
Nha Trang có khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hòa. Nhiệt độ trung bình năm là 26,3⁰C, mùa đông ít lạnh và mùa khô kéo dài. Mùa mưa lệch về mùa đông bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12 dương lịch. Lượng mưa chiếm gần 80% lượng mưa cả năm (1.025 mm).
Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên “Nha Trang” được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là “sông Lau”, tiếng người Chăm, tức là gọi sông Cái chảy qua Nha Trang đổ ra biển đúng chỗ có nhiều cây lau). Tên sông chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.
Vinpearl Land nhìn từ trên cao.Từ thành phố vào hòn đảo này, du khách phải sử dụng hệ thống cáp treo hoặc phà, tàu cao tốc hoặc ca nô. Đây là một quần thể vui chơi giải trí với các trò cảm giác mạnh du nhập từ nước ngoài, hệ thống resort và khách sạn 5 sao, thủy cung rộng 3.400 m² như một đại dương thu nhỏ với 300 loài sinh vật biển lạ mắt.
Thành phố có trên gần 900 tuyến đường, trong đó 280 tuyến đường do thành phố quản lý với tổng chiều dài 115,64 km. Đường tỉnh 7 tuyến với tổng chiều dài 41,377 km. Trên ảnh là ngã 6 tại trung tâm thành phố.
Sân vận động 19/8 với sức chứa 20.000 chỗ ngồi nằm bên đường Phan Chu Trinh, phường Vạn Thạnh. Đây là sân nhà của CLB bóng đá đang chơi ở giải V-league mang tên Khánh Hòa.
Trung tâm thành phố có nhà thờ Đá nằm ở độ cao 12 m. Công trình được xây dựng năm 1928 theo lối kiến trúc nhà thờ công giáo phương Tây, giống với nhà thờ ở Sa Pa và một số địa điểm khác tại Việt Nam.
Khu vực chùa Long Sơn (hay còn gọi là Chùa Phật trắng, trước có tên là Đăng Long Tự) tại đường 23/10, phường Phương Sơn. Chùa nằm ngay dưới chân đồi Trại Thủy, được xây dựng cách đây hơn một trăm năm. Khuôn viên chùa có chiều rộng 44,5 m, chiều dài hơn 72 m. Chính điện chùa Long Sơn rộng 1.670 m², có một tượng Phật Tổ bằng đồng đang ngồi thuyết pháp, cao 1,6 m, nặng 700 kg. Trải qua nhiều lần trùng tu đến nay Long Sơn là ngôi chùa nổi tiếng nhất tỉnh Khánh Hòa.
Hình ảnh Hòn Chồng thuộc địa bàn phường Vĩnh Phước nhìn từ ngoài biển. Danh thắng này bao gồm quần thể những khối đá lớn nhỏ, nhiều tầng lớp với hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển. Điểm nhấn của Hòn Chồng là hai cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi La San, được tạo nên do sự xâm thực của thủy triều.
Tháp Bà Ponagar là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển ở cửa sông Cái, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc. Được xây dựng từ thế kỷ 8-13, Tháp Bà nổi tiếng Nha Trang là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa có quy mô vào loại lớn nhất còn lại ở miền Trung.
Đường Trần Phú và quảng trường 2/4. Tuyến đường sầm uất nhất thành phố Nha Trang này bắt đầu từ cảng cầu đá, chạy dọc bên bờ biển, tiến về phía bắc, vắt qua sông Cái.
Chợ Đầm tại trung tâm thành phố có kiến trúc độc đáo theo hình hoa sen, đường kính 66,5 m với một tầng hình vành khăn, lệch tâm. Diện tích cả tầng một và tầng lầu rộng tới 5.270 m2, có thể cùng lúc chứa được trên 3.000 khách. Đây là chợ lớn nhất tỉnh, vừa là biểu tượng thương mại vừa là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách.
Sông Cái Nha Trang (còn có tên gọi là sông Phú Lộc, sông Cù) dài 75 km, bắt nguồn từ đỉnh Chư-Tgo cao 1.475 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn (Đại Cù Huân). Đoạn hạ lưu thuộc địa phận Nha Trang có chiều dài khoảng 10 km.
Sông Cái là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và sinh hoạt của người dân thành phố và các huyện lân cận.
Cùng với Đà Nẵng, Nha Trang là một trong hai thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất trong số các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ.
Nguồn: News.zing.vn
Nguồn: Dulich.vtv.vn