Diễn viên “Mẹ chồng tôi” kể trẻ con xưa đón Trung thu bằng chiếc lồng đèn tự làm từ hộp xà phòng, nhưng vẫn cảm nhận trọn vẹn niềm vui và ý nghĩa.
Trung thu được xem là mùa đoàn viên của mỗi gia đình, diễn ra vào ngày rằm tháng 8, giữa mùa thu tiết trời mát mẻ. Ngày Tết này dành cho cả gia đình nhưng chủ yếu hướng đến trẻ con. Đây cũng là ý nghĩa nhân văn đặc biệt của dịp lễ này.
Theo thời gian, mọi người đón Tết Trung thu có khác đi, nhưng ý nghĩa về sự đoàn viên, sum họp gia đình và chăm lo cho thiếu nhi vẫn còn nguyên giá trị. Với NSƯT Chiều Xuân, ngày Tết Trung Thu cũng đặc biệt ý nghĩa như thế.
Tham dự triển lãm Tết Trung thu xưa và nay ở 33 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, diễn viên Chiều Xuân chia sẻ, chị biết đến triển lãm này qua một người bạn. Vì sắp Tết Trung thu, nên chị thấy lòng vẫn háo hức như ngày còn bé. Tuy nhiên, với chị, sự háo hức này vẫn xen lẫn bồi hồi khi nhớ lại nhiều kỷ niệm về bố mẹ, chồng, con.
“Tôi qua đây như một lần để ôn lại những kỷ niệm đó và có thể sẽ lên một kế hoạch bí mật cho các con trong ngày Tết Trung thu sắp tới”, chị trải lòng.
Diễn viên “Mẹ chồng tôi” kể ngày xưa thời bao cấp, ai cũng khó khăn, hai vợ chồng đều làm nghệ thuật, đồng lương ít ỏi, nhưng vẫn cố thu xếp công việc để Tết Trung thu cả gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau. Không có tiền mua lồng đèn, con gái lớn của chị cùng trẻ con hàng xóm toàn tự tay làm lồng đèn bằng hộp xà phòng, ngày xưa rất hay dùng. Dù khó khăn nhưng cả phố vẫn quây quần, tổ chức Trung thu cho các cháu rất vui và ý nghĩa.
Khi được kể chuyện ngày xưa cho các cháu tham dự buổi triển lãm, NSƯT Chiều Xuân cũng nhớ lại những ngày bé: “Thời điểm khi tôi tầm tuổi như các cháu ở đây thì đời sống của người dân khó khăn lắm, trẻ con chỉ mơ ước đến ngày Tết Trung thu để được ăn bánh dẻo, bánh nướng. Ngày đó tuy thiếu thốn nhưng ai nấy cũng thật vui và hồn nhiên”.
Còn ngày nay, cuộc sống hiện đại, vật chất đủ đầy, các cháu nhỏ có nhiều điều kiện hơn, được cha mẹ chăm lo tốt hơn. Vì thế, ngày Tết Trung thu, các cháu có nhiều đồ chơi hiện đại bên cạnh những món đồ truyền thống: đầu sư tử, đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân. Nhưng đôi lúc vì quá hiện đại và cuộc sống quá xô bồ nơi thị thành mà các cháu bị xa rời các giá trị truyền thống của dân tộc.
Tết Trung thu là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam tự bao đời và dù cuộc sống có hiện đại như nào thì những giá trị truyền thống vẫn cần phải được giữ gìn. Vì thế, theo NSƯT Chiều Xuân, thế hệ trẻ cần có những sân chơi truyền thống để hiểu về văn hóa dân tộc, về ngày Tết Trung thu. Những sân chơi này chính là cơ hội gắn kết nhiều thế hệ, để cùng thẩu hiểu, đồng cảm và sẻ chia.
Mai Thương
Triển lãm “Trung thu xưa và nay” do Bảo Ngọc tổ chức nằm trong chuỗi sự kiện “30 năm một hành trình, Bảo Ngọc tri ân khách hàng”. Với triển lãm lần này, nhà tổ chức mong muốn mang hình ảnh ngày Tết Trung thu xưa của Hà Nội để giúp mọi người hiểu rõ về ý nghĩa ngày Tết đoàn viên của dân tộc, về những truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết Trung thu. Tại triển lãm, Bảo Ngọc dành 1.000 vé xem chương trình “Cổ tích đêm rằm” cho những người tròn 30 tuổi, sinh năm 1986, cùng nhiều phần quà là tranh chữ thư pháp do NSƯT Chiều Xuân ký tặng.
Nguồn: Vnexpress.net