Sau chuyến đi từ thiện tại chùa Thanh Sơn ở Cam Ranh (Khánh Hòa), tôi quyết định xuống Nha Trang để tìm cảm giác mạnh với tour lặn biển. Và tôi đã thật sự ‘nếm đủ mùi đời’.
Lên đường
7 giờ 30, xe đón tôi tại đường Lê Thánh Tôn (Nha Trang) để đến cảng Cầu Đá lên tàu ra Hòn Mun. Dọc đường, xe còn đón thêm những người khách nước ngoài. Họ đến từ Đan Mạch, Đức và nhiều nhất là Trung Quốc. Chưa đầy 30 phút, xe đến cảng Cầu Đá. Tôi bước lên tàu trong tư thế “hiên ngang”. Dù gì thì hơn mấy mươi năm trước, tôi là dân biển chính cống và từng có vài chục lần đi biển đánh cá mà. Ngay khi lên tàu, mọi người bắt buộc phải mang áo phao và kê khai tình trạng sức khỏe…
Bác lái tàu Nguyễn Hữu Để nói: “Hôm nay gió hơi mạnh, sóng hơi lớn”. Tôi nghĩ trong bụng “chuyện nhỏ”. Rồi tàu rời bến, phóng tầm mắt nhìn biển trời, núi non Nha Trang thơ mộng, lại được ngồi bên những cô gái trẻ đẹp người Đức nên lòng tôi cũng lắc lư như con tàu đang tiến về Hòn Mun. Nhưng tư thế “hiên ngang” của tôi đã bị sóng biển cho nếm mùi để biết “lễ độ”. Tàu chạy một đoạn, đầu tôi bắt đầu choáng váng, mặt xanh lè.
Thậm chí, tô bún cá đặc sản Nha Trang ngon đáo để mà tôi vừa “nhập khẩu” sáng nay có nguy cơ sẽ làm mồi cho cá. May mà có 2 viên thuốc chống say sóng anh nhân viên trên tàu đưa cho, nếu không, có lẽ tôi đã bỏ cuộc lặn biển đầy thú vị phía trước.
|
|
Du khách lặn biển hôm nay được chia thành 2 “trường phái” Freedive và Scuba. Freedive là những du khách đã qua các khóa học lặn biển. Do đó, họ có thể lặn biển không cần hỗ trợ thiết bị từ A – Z. Trang bị cho một người lặn Freedive gồm chân vịt, mắt kính, quần áo lặn, dây chì. Còn trang bị cho Scuba là một mớ thiết bị lỉnh kỉnh và rất nặng. Ngoài những thứ giống như Freedive còn có thêm áo cân bằng độ nổi, thiết bị thở và bình dưỡng khí…
Sau khi test trình độ lặn biển của tôi, chàng HLV đen như cột nhà cháy Nguyễn Đình Nhã hóm hỉnh: “Anh xếp vào trường phái Scuba nhé”. Dĩ nhiên là tôi đồng ý.
Trước khi nhập cuộc lặn, các HLV lặn thuộc Trung tâm Lặn biển Green Star (Nha Trang) gồm Quang Huân, Đình Nhã, Lê Việt, Quan Hùng, Duy Thái, Văn Hiền, hướng dẫn tỉ mỉ hàng loạt thao tác lặn và những quy định cho du khách. Chàng HLV Quang Huân cho biết: “Hầu hết xuất thân của các HLV đều là dân biển Nha Trang nên họ biết bơi lặn từ nhỏ.
Tuy nhiên, để trở thành HLV lặn họ phải trải qua các khóa huấn luyện để có bằng HLV lặn quốc tế từ Rescue đến Instructor”. Tôi càng ngưỡng mộ hơn về trình độ giao tiếp bằng ngoại ngữ của các nhân viên trên tàu. Lê Việt nói tiếng Trung như gió, còn các HLV khác thì họ giao tiếp với du khách bằng tiếng Anh cũng rất lưu loát.
|
|
Phiêu lưu dưới thủy cung
Sau gần 1 tiếng đồng hồ vượt sóng, con tàu đưa chúng tôi dừng lại khu vực lặn đầu tiên là Madonarook. Khoác bộ khí tài Scuba rất nặng, tôi được HLV Võ Quan Hùng kèm cặp để bắt đầu chuyến khám phá đại dương. Đầu tiên, Hùng hướng dẫn tôi cách sử dụng ống thở. Tưởng đơn giản, nhưng ngay cả việc ngậm ống thở đúng cách, thở bằng miệng cũng làm tôi bối rối. Tôi cứ hít vào toàn nước và bị ngợp thở. Tôi sốt ruột nhìn nhóm du khách đã lặn mất tăm, còn mình cứ dập dềnh trên mặt nước, loay hoay tập hít thở. Trong đầu tôi thoáng nghĩ phi vụ lăn biển sẽ bất thành. Nhưng anh chàng HLV sinh năm 1987 này vẫn cố động viên tôi bình tĩnh và tập trung tập thở đúng cách. Khi thấy chuyện hít thở của tôi đã ổn, Hùng bèn dìu tôi bước vào hành trình lặn.
Cúi đầu nhìn xuống đáy biển thấy những đàn cá đủ màu sắc diễu hành qua trước mắt tôi, trên những rạn san hô muôn hình vạn trạng… Quá hưng phấn, tôi muốn lặn ngay. Nhưng Hùng lại kéo tôi lên mặt nước hướng dẫn cách… bóp mũi để đẩy hơi ra, dồn khí về mang tai nhằm tránh bị đau tai do áp lực khi lặn xuống dưới mực nước ngày càng sâu. Vụ này càng làm tôi khốn đốn hơn. Cứ mỗi lần lặn xuống, thấy tai đau kinh khủng và cảm giác bị ngạt thở tôi dùng tay bịt mũi nhưng lại không đẩy khí ra mũi để dồn khí về mang tai mà thở hết hơi ra đằng miệng. Tập gần chục lần không được, lần này tôi nói luôn với Hùng: “Thôi, anh bỏ cuộc em ơi!”. Hùng lại trấn an “anh bình tĩnh” và kiên nhẫn hướng dẫn tôi. Cuối cùng tôi cũng thao thác đúng “bài” để bắt đầu chuyến phiêu lưu thật sự của mình. Đai chì nặng giúp tôi chìm dần xuống độ sâu chừng 5m so với mặt biển. Tôi quẫy chân vịt lướt đi trên vùng biển được mệnh danh là thủy cung của Đông Nam Á. Những đàn cá dường như quá quen với du khách nên cứ lượn lờ trước mắt tôi. Phía dưới là rừng san hô, và vô số loại hải quỳ đẹp đến nao lòng. Mãi mê lướt đi để ngắm thủy cung đẹp “hớp hồn”, bỗng tôi “hết hồn” khi không thấy Hùng đâu. Sau vài mươi giây tôi hoảng loạn, Hùng đã có mặt. Thì ra, chàng HLV này luôn luôn bám theo tôi mọi nơi mọi lúc. Đó là nhiệm vụ của HLV lặn biển.
|
|
Sau khoảng 20 phút trải nghiệm ở khu vực Madonarook, toàn bộ khách lặn lên tàu và trực chỉ đến khu vực lặn thứ 2 là Marahanh Beach. Trong lúc di chuyển đến khu vực này, du khách được thưởng thức trà, cà phê và các loại trái cây miễn phí trên tàu. Sau khi được xả hơi và nạp năng lượng, chừng 20 phút sau, đoàn du khách lại có những khám phá mới về đại dương kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố biển Nha Trang ở khu vực Marahanh Beach.
Kết thúc 2 tour lặn biển, cũng là lúc cái bụng đói meo. Lúc đó, một bữa cơm trưa đã được bày ra. Thưởng thức bữa ăn ngay trên tàu, ngắm trời mây, non nước Nha Trang, nhìn các du khách Tây lóng ngóng sử dụng đũa nhưng cười rạng rỡ và nhớ lại trải nghiệm lặn biển… hồn tôi vừa giống như được lên mây, vừa giống như đang “treo cột buồm” vậy.
Nguồn: Thanhnien.vn