Vốn là những người có mức sống khá, tầng lớp trung lưu ở đất nước tỷ dân cũng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức khi dịch bệnh ập đến.
Bình luận
Christine (40 tuổi) là người Thượng Hải, tốt nghiệp trường hàng đầu cả nước, làm việc trong ngành du lịch và có nhà ở thành phố.
Khi được hỏi đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng như thế nào đến vị trí của cô trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc, Christine nhanh chóng sửa lại: “Tôi chưa bao giờ nghĩ gia đình mình thuộc tầng lớp trung lưu”.
“Khi nghe đến tầng lớp trung lưu, tôi nghĩ đến khách hàng của mình. Họ kiếm được nhiều tiền hơn từ các công ty riêng hoặc là chuyên gia, nhà quản lý trong các doanh nghiệp lớn. Còn tôi và chồng đều làm trong ngành dịch vụ, không ổn định lắm”, cô giải thích.
Phản hồi của Christine phần nào cho thấy nhận thức của người dân Trung Quốc về định nghĩa tầng lớp trung lưu.
20-50% dân số thành thị ở Trung Quốc đủ tiêu chuẩn là tầng lớp trung lưu. Ảnh minh họa: Chinabriefing. |
Ở Trung Quốc, phim truyền hình, tiểu thuyết, quảng cáo và các sản phẩm văn hóa đại chúng thường mô tả những doanh nhân, nhà quản lý và người trí thức có thu nhập cao thuộc tầng lớp trung lưu. Những mô tả này khác biệt đáng kể so với các định nghĩa xã hội học về những chỉ số khách quan như giáo dục, thu nhập, nghề nghiệp và tiêu dùng.
Theo đó, 20-50% dân số thành thị ở trong nước đủ tiêu chuẩn là tầng lớp trung lưu.
Điều này đồng nghĩa Christine và chồng cô – người Thượng Hải, có bằng cấp danh giá – cũng được xếp vào nhóm này. Cặp vợ chồng đã làm việc trong ngành du lịch và lữ hành gần 20 năm và tận hưởng lối sống thoải mái, sở hữu nhà, xe hơi, các chuyến du lịch nước ngoài hàng năm và chi tiêu hào phóng cho việc học của con gái.
Khó khăn
Tuy nhiên, Christine cũng có lý khi không nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu. Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là ngành du lịch, vốn đã phải tạm dừng từ mùa xuân năm nay.
Giữa làn sóng mất việc và giảm lương trong lĩnh vực dịch vụ, tầng lớp trung lưu của nước này nhận ra tình trạng của họ cũng có thể mong manh như thế nào.
Frank, quản lý cấp trung của một công ty xe buýt, đã bị giảm lương tới 60% khi công việc kinh doanh gặp khó khăn. Ban đầu, anh hy vọng có thể đưa con gái sang Mỹ học cao học, song hiện giờ ông bố phải tạm hài lòng khi con tìm được việc ở Thượng Hải.
Những người làm trong ngành dịch vụ ở Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: AP. |
Tương tự, khi dịch bệnh mới bùng phát, Christine lo lắng việc giảm thu nhập sẽ ảnh hưởng đến chuyện học hành của cô con gái tuổi teen. Tuy nhiên, cô dần thích nghi với thực tế mới của mình bằng cách cắt giảm những gì có thể.
Ví dụ, con gái Christine từng được phép tham gia bất kỳ chương trình hoặc đợt ngoại khóa nào, nay sẽ cân nhắc chi phí, lựa chọn giữa các chuyến đi.
“Thu nhập của gia đình chúng tôi thấp hơn một nửa so với trước đây. Nhưng thực ra con số này là khoản thu nhập thường xuyên của nhiều cặp vợ chồng. Họ cũng sống và nuôi dạy con cái ở Thượng Hải mà vẫn xoay sở để có cuộc sống tốt đẹp”, bà mẹ nói.
Xoay sở
Điều khiến Amanda, đồng nghiệp của Christine, ngạc nhiên là cách mà đại dịch đã đưa những người như cô đến gần nhau hơn. Khi công việc kinh doanh sụp đổ, mọi người đều dốc sức tìm bất cứ cơ hội kiếm tiền nào có thể, từ việc giúp khách hàng trước đây của mình bán hàng ở lề đường đến gấp hộp đựng thức ăn thuê.
Và với nhiều lúc “rảnh rỗi” hơn, có thời gian trò chuyện, Amanda cùng đồng nghiệp thấy gắn kết với nhau nhiều hơn.
“Thật tuyệt khi cùng ngồi lại làm việc và trò chuyện với nhau. Trước đây, tôi chưa bao giờ tụ tập cùng đồng nghiệp của mình, nhưng bây giờ họ thường xuyên đến làm khách trong nhà tôi”, cô cho biết.
Bên ngoài văn phòng làm việc, những người quen, bạn học cũ, khách hàng, hàng xóm và thậm chí cả các chủ doanh nghiệp nhỏ dường như cũng đang tiếp cận và trò chuyện với nhau nhiều hơn.
Không thể phủ nhận một trong những động lực của họ là tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và việc làm tiềm năng. Tuy nhiên, sự quan tâm, thấu hiểu lẫn nhau trước tình hình khó khăn này cũng là điều sâu sắc, đáng quý.
Ví dụ, khi ngày càng có nhiều người chuyển sang bán hàng trên mạng xã hội để kiếm thêm tiền trang trải, họ nhận thấy bạn bè mua hàng cho họ không phải do cần thiết mà vì muốn giúp đỡ.
Nhiều người Trung Quốc ở mọi tầng lớp không còn được chi tiêu thoải mái, tận hưởng cuộc sống như trước khi có dịch. Ảnh: People Visual. |
Điều đó không có nghĩa là mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Đối với nhiều người Trung Quốc, mất việc và giảm tiền lương do đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại của họ. Với mức lương thấp, một người bạn học cũ của Christine hiện gần như không còn khả năng chi trả cho việc điều trị bệnh ung thư của vợ.
Trước một tương lai bất ổn do đại dịch, Christine và chồng quyết tâm sẽ tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít đi, ngay cả khi nền kinh tế phục hồi. Cô muốn chuyển sang một công việc ổn định hơn nhưng gặp khó khăn do vấn đề tuổi tác.
Thay vào đó, dự đoán rằng du lịch quốc tế có thể sẽ không phục hồi, kể cả sau đại dịch, Christine vẫn gắn bó với công việc hiện tại nhưng chuyển chuyên môn từ đặt vé máy bay quốc tế sang du lịch nội địa.
Dù với kế hoạch nào, những người ở tầng lớp trung lưu như Christine hay bất kể tầng lớp nào khác trong xã hội Trung Quốc sẽ phải chứng tỏ sự kiên cường của bản thân bởi hành trình tìm lại sự ổn định không hề dễ dàng.
Nguồn: News.zing.vn