Sức sống nghìn năm của môn bơi chải truyền thống

0
13
Không chỉ Tết, vào các ngày lễ nhiều tỉnh miền Trung tổ chức đua thuyền. Ảnh: Hoàng Táo.

Bơi chải là môn thể thao đậm giá trị văn hoá của dân tộc, đồng thời ghi lại lịch sử oanh liệt của cha ông ta hàng nghìn năm trước.

Truyền thống hàng nghìn năm

Lễ đua bơi chải đã được ghi trong sử sách nước ta từ hơn 1.000 năm nay, khi vua Lý Thái Tổ vừa mới dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển 2, chép về sự kiện đời Lý Thái Tổ, năm thứ 2 (1010): “Tháng Bảy, mùa thu. Bơi thuyền thi ở sông Phú Lương (tức sông Hồng), nhà vua ngự điện Hàm Quang để xem. Suốt đời nhà Lý, việc xem bơi chải trở thành lệ thường”.

Trước đó, bộ sử này cho biết điện Hàm Quang được cho xây dựng ở bên sông Phú Lương là để vua dùng trong những lúc đi chơi, vãn cảnh, và là “khán đài” danh dự để vua nhà Lý chứng kiến các cuộc đua chải sôi động.

Sách Tuỳ thư (Địa lý chí) Việt sử lược cũng đều cho biết: Thời Tiền Lê, thời Lý, nước An Nam thường tổ chức các lễ hội đua thuyền.

Theo các cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản hồi đầu thế kỷ 20, như Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức), hay Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, đều ghi từ “trải”, và giải thích: “Thuyền nhỏ và dài, thường dùng để bơi đua”.

Không chỉ Tết, vào các ngày lễ nhiều tỉnh miền Trung tổ chức đua thuyền. Ảnh: Hoàng Táo.

Không chỉ Tết, vào các ngày lễ nhiều tỉnh miền Trung tổ chức đua thuyền. Ảnh: Hoàng Táo.

Tuy nhiên, hiện ở Thanh Hoá, vẫn duy trì một trò diễn dân gian là “chèo chải”, là màn hát múa, kèm động tác biểu diễn chèo, đua thuyền trên cạn. Việc quy định là “bơi trải” hay “bơi chải” đến nay chưa thống nhất, nhưng hiện hầu hết các sách báo đều ghi trò đua thuyền này là “bơi chải”.

Ngược dòng lịch sử, có nhiều bằng chứng rằng hội đua thuyền ở nước ta có trên 3.000 năm. Có thể thấy điều này khi nhìn các hình được chạm khắc trên thân các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Quảng Xương… đều có hình những hàng người cùng chèo thuyền với động tác rất đồng đều. Các thuyền được đúc trên trống đồng đều có người cầm lái, người đánh trống đồng giữ nhịp, người chèo thuyền đều gắn lông chim trang trí trên đầu. Đầu mũi thuyền đều được tạo hình tinh xảo.

Là quốc gia nhiều sông nước, truyền thống đánh thuỷ đã trở thành thế mạnh tuyệt đối của quân đội nước ta thời phong kiến, được thể hiện qua các chiến công của Ngô Quyền, Lê Hoàn (thế kỷ X), các cuộc hành quân đánh Chiêm Thành, đến Trần Hưng Đạo ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông (thế kỷ XIII).

Sử thời Lê cũng cho biết, vua Lê Thái Tổ cho luyện thủy quân trên hồ Lục Thủy giữa kinh thành Thăng Long, nên hồ này thường được dân gian gọi là hồ Thủy Quân, nay hồ thu nhỏ lại, chính là Hồ Gươm hiện nay.

Cũng trên hồ này, đã lưu lại truyền thuyết vua Lê Thái Tổ đi thuyền rồng dạo chơi rồi trả gươm cho rùa thần, để hồ có tên là Hoàn Kiếm.

Trở thành lễ hội dân gian

Bơi chải, đua chải bắt nguồn từ hình thức luyện quân thủy của cha ông ta. Từ cuộc thi tài sức dẻo dai bền bỉ, tinh thần đoàn kết của thủy quân, lan rộng ra dân gian, đã trở thành cuộc đua tài giữa các giáp, làng, trong dịp hội làng, gắn với lễ thức cầu mùa màng tươi tốt của các địa phương sinh sống dọc theo các con sông hoặc vùng biển.

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện diễn ra vào rằm tháng 9 âm lịch hằng năm tại làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) có phần đua thuyền sôi động, đặc sắc.

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện diễn ra vào rằm tháng 9 âm lịch hằng năm tại làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) có phần đua thuyền sôi động, đặc sắc. Ảnh: Việt Hùng.

Đua thuyền chính là những cuộc đua trong hội nước, là cảnh hội làng mà trong đó nghi lễ chủ yếu liên quan tới nước, nhắc đến cội nguồn tổ tiên người Việt gồm hai nhánh: Săn bắn trên núi (Âu Cơ) và đánh cá dưới sông, biển (Lạc Long Quân).

Xung quanh vùng Bạch Hạc, Việt Trì có nhiều nơi diễn ra hội đua chải, diễn ra liên miên trong những ngày Xuân, cho đến ngày 10 tháng Ba, giỗ Tổ Hùng Vương. Người dân Bạch Hạc từ lâu đời đã truyền nhau câu ca “Rau gác, Hạc bơi, Hạc gác, Me bơi, Me gác, Đức Bác bơi, Đức Bác gác, Dạng bơi” để miêu tả sự sôi động của các lễ hội bơi chải nối tiếp nhau của các làng xung quanh nhánh sông Lô, sông Hồng này.

Các cuộc đua chải ở vùng Bạch Hạc thường được tổ chức trong các kỳ lễ thánh, thành hoàng của các làng ven sông, như hai anh em đức Thổ Lệnh Đại Vương (Đức Thánh Hạc) và đức Thạch Khanh Đại Vương. Các nghi lễ tế thánh thường được tổ chức trang trọng, sử dụng thuyền rồng trong lễ rước, sau đó, thuyền rồng được sử dụng để bơi thi, nên thành ra thông lệ.

Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng, trang trọng. Trong các lễ hội thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng có công đức thì theo ý niệm dân gian, chính các ngài đã về “ngự” trên thuyền rồng để việc cầu phúc, cầu sức khỏe, an khang thịnh vượng của người tổ chức hội, dự hội, xem hội được như ý nguyện.

Ở vùng kinh thành Thăng Long, cũng có lễ hội bơi chải nổi tiếng, được nhắc đến trong câu ca dao “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thày…”. Làng Đăm xưa nay là phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, và nguồn gốc của tục bơi chải làng Đăm cũng gắn với sự tích Thánh Tam Giang; đình làng Đăm thờ Đức Thánh Tam Giang, dân gian gọi là Bạch Hạc Tam Giang. Thời xưa, lễ hội làng Đăm thường tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng Ba âm lịch, trùng với lễ hội Bạch Hạc hay lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cư dân Hà Nội xưa gắn liền với sông nước. Do đó ngoài làng Đăm, nhiều nơi cũng tổ chức bơi chải như Yên Duyên – Yên Sở, Lưu Xá – huyện Chương Mỹ… “Lễ hội bơi chải là hoạt động linh thiêng, tưởng nhớ thành hoàng nên có ý nghĩa với từng làng”, ông Huy nói.

Ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước, lễ hội bơi chải thuyền rồng cũng được tổ chức gắn với tục thờ các vị thần cai quản sông, biển, hay các danh tướng có tài đánh thủy. Như lễ hội bơi chải thuyền rồng ở đảo Cát Bà, Hải Phòng bắt nguồn từ phong tục tâm linh của những người đi biển, cầu Nam Hải Đại Vương – vị thần cai quản vùng biển che chở, cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu.

Lễ hội đua thuyền rồng trong hội đền Quả xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, Nghệ An được tổ chức để tỏ lòng biết ơn công đức của Hoàng tử Uy Minh Vương, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ.

Môn thể thao của sức mạnh và tinh thần tập thể

Theo bút ký của các giáo sĩ phương Tây, ở kinh thành Thăng Long thời vua Lê, chúa Trịnh thế kỷ XVII, các cuộc đua chải được tổ chức tại bến Tây Long trên sông Hồng. Mỗi thuyền có các trạo phu khỏe mạnh ngồi trên các thuyền thon dài, sơn phết sặc sỡ. Các trạo phu mặc đồng phục ngồi hai bên mạn thuyền để chèo, đầu thuyền có người tổng tài đầu chít khăn, thắt lưng một dải lụa màu, tay gõ trống khẩu cầm trịch để chỉ huy.

Trong quá trình gìn giữ và phục dựng theo lời kể của các bậc cao niên, hiện nay, trong các cuộc đua thuyền rồng, mỗi thuyền có một màu sơn, mặc một màu áo, màu thắt lưng, màu cờ riêng để phân biệt.

Bơi chải không chỉ là cuộc đua của sức mạnh mà còn là môn thi của tinh thần tập thể. Mỗi thuyền đua có đến từ 12, 16, đến 27 hoặc 31 người, tùy theo quy mô. Do đó, để giành chiến thắng, mỗi chải bơi phải khổ công rèn luyện để có sức khỏe dẻo dai và có tính đồng đội cao trong thi đấu.

Hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Táo.

Hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Táo.

Trong đội hình này, vai trò của người chỉ huy, cầm lái rất quan trọng. Người chỉ huy cầm trống hay mõ đánh nhịp để các tay chèo vung đều nhịp, trong khi đó, người cầm lái giữ hướng để thuyền đi đúng hướng, nương theo con sóng và không va chạm vào thuyền khác.

Trong ngày thi chải, màu sắc sặc sỡ của thuyền, của trang phục thi đấu, cờ xí, hòa quyện với âm thanh náo nhiệt của tiếng mái chèo khua sóng, tiếng trống, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô của vận động viên, tiếng reo hò cổ vũ, sẽ tạo thành một bức tranh sống động khó quên, mang đậm sắc màu lễ hội truyền thống dân tộc.

Trải qua hàng nghìn năm được nhân dân gìn giữ, bơi chải thuyền rồng đã trở thành môn thi đấu thể thao yêu thích của người Việt.

Nhằm khôi phục và phát triển các môn thể thao truyền thống, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2018 vào ngày 24/2 (mùng 9 Tết) tại Hồ Tây. Đây được kỳ vọng tạo điểm nhấn thu hút du khách tới thủ đô, tạo đà phát triển các môn thể thao dưới nước.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, đây là ý tưởng hay và sáng tạo khi khai thác được thế mạnh của hồ Tây và phát triển môn thể thao truyền thống bơi chải. “Hồ Tây có mặt nước rộng nhưng trước đây khai thác chưa tốt. Hội bơi chải sắp tới không chỉ giúp hồ Tây trở nên sôi động, thu hút khách du lịch mà còn cho thấy sự mở rộng văn hóa truyền thống lên văn hóa đương đại”. Ông Huy nhấn mạnh sự kiện sẽ phát huy hiệu quả nếu biết khai thác ở khía cạnh thể thao, vui chơi là chính, tránh gắn với phần lễ.

Mã Giang

Nguồn: Vnexpress.net