Những tháng gần đây, chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông quốc tế là sức mua của du khách Trung Quốc khiến các công ty không kịp sản xuất hàng.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu du lịch Trung Quốc, vào thời gian Tết Âm lịch năm 2015, lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài lên tới trên 5 triệu người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014, vượt xa lượng khách du lịch trong nước. Đặc biệt, họ đã bỏ ra hơn 1.400 tỷ NDT để mua sắm khi đi du lịch nước ngoài.
Khách Trung Quốc chờ bên ngoài một cửa hàng miễn thuế tại Nhật Bản. Ảnh: Sina. |
Đến Nhật Bản mua đồ gia dụng
Do đồng yên xuống giá và chính sách mở rộng phạm vi mặt hàng miễn thuế dành cho người nước ngoài của Nhật, lượng lớn du khách Trung Quốc lựa chọn du lịch Nhật Bản, vừa được ngắm cảnh lại được mua sắm thỏa thích. Thời gian qua, một trong những mặt hàng được họ yêu thích là nắp bồn cầu. Họ mua nhiều tới mức các công ty không kịp sản xuất.
Trên thực tế, ngoài một số mặt hàng vẫn được yêu thích là mỹ phẩm, đồng hồ…, thời gian gần đây, đồ gia dụng hay điện tử cũng trở thành mặt hàng được người Trung Quốc rất ưa chuộng, như dao cạo râu, cốc giữ nhiệt, ….
Đến châu Âu mua sữa bột
Là quốc gia có dân số đông nhất thế giới, sức mua quá lớn của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới rất nhiều nước. Du khách Trung Quốc thường mua túi xách ở Pháp, sữa bột ở Đức, quần áo ở Italy… Theo Sina, có người Trung Quốc đã bỏ ra 400.000 NDT để mua sắm tại Paris Plaza.
Nhiều người còn ăn mì tôm ở bên đường để chờ mua hàng giảm giá tại cửa hiệu của Gucci. Thậm chí báo chí ở Đức còn giật tít “Người Trung Quốc lại đến kìa!” khi đưa tin hiện tượng du khách Trung Quốc mua nhiều sữa bột đến mức hết hàng cung cấp tại các siêu thị.
Để phòng tránh hiện tượng du khách Trung Quốc mua sạch sữa bột khiến trẻ em trong nước không đủ sữa để dùng, nhiều siêu thị đã cài thêm khóa chống trộm trên sản phẩm của những hãng sữa nổi tiếng, hay ghi biển “không còn sữa bán” ở quầy hàng sữa…
Italy dù là xưởng sản xuất sữa lớn nhất của thế giới, nay rất hiếm nhìn thấy cảnh sữa bột lúc nào cũng chất đầy giá bán ở các quầy hàng sữa tại siêu thị hay hiệu thuốc. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sức mua quá lớn của du khách Trung Quốc. Có những khách hàng mua tới 200 hộp sữa một lần, còn mua 100 hộp một lần là chuyện không hiếm gặp.
Vì vậy, các siêu thị và hiệu thuốc của Italy đã sử dụng chính sách hạn chế lượng hàng khi mua sữa bột. Tại siêu thị khách hàng mỗi lần không mua quá 4 hộp, tại hiệu thuốc mỗi lần chỉ được mua 1 hộp.
Đến Australia mua nhà đất
Có 28% chủ khách sạn ở châu Úc là người Trung Quốc. Theo Australia Chinese Nespaper Group, rất nhiều người Trung Quốc muốn mua đất, căn hộ, khách sạn tại xứ chuột túi, thậm chí cùng lúc có nhiều khách Trung Quốc muốn mua cùng một căn nhà.
Đến Hàn Quốc mua mỹ phẩm
Du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc chủ yếu mua mỹ phẩm, như mặt nạ dưỡng da, nước hoa,… Có nhiều thời điểm tại những cửa hàng miễn thuế, người Trung Quốc chen lấn, xô đẩy để vào được bên trong khiến nơi này tắc nghẽn.
Đến Mỹ mua quần jean
Quần áo là mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất tại Mỹ. Quần jean hãng Levi’s và Ralph Lauren rất được ưa chuộng. 48% du khách Trung Quốc mua sản phẩm của hãng này.
Việc mua sắm của người Trung Quốc khi du lịch nước ngoài sớm trở thành một hiện tượng được truyền thông thế giới rất quan tâm. Đằng sau câu chuyện này không chỉ là bài toán kinh tế dài kỳ mà còn là thể hiện những thói quen sinh hoạt đặc trưng.
6 thói quen khó ưa của du khách Trung Quốc
Những thói quen “đặc sắc” của người dân nước này tại những điểm du lịch khiến nhiều nước trên thế giới vô cùng khó chịu.
Nguồn: News.zing.vn