Sức lan tỏa của ‘Ghen Cô Vy’ và một năm biến động của ngành Văn hóa

0
5

Dịch bệnh bùng phát biến 2020 trở thành năm đầy biến động. Trong đó, những lĩnh vực của ngành Văn hóa đã phải chịu ảnh hưởng sâu rộng.

Tại Hội nghị công tác Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) sáng 8/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có nhắc đến sức lan tỏa của ca khúc Ghen Cô Vy trên nhiều kênh sóng truyền hình thế giới. Ghen Cô Vy từng được ví là “giai điệu của năm” giữa bối cảnh 2020 với những diễn biến khó lường của dịch Covid-19.

Dịch bệnh bùng phát biến 2020 trở thành năm đầy biến động, không ai ngờ tới. Trong đó, những lĩnh vực của ngành Văn hóa đã phải chịu ảnh hưởng sâu rộng.

Ngành Du lịch vượt qua khó khăn bằng sự khơi dậy tình yêu quê hương đất nước

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng bậc nhất từ dịch bệnh trải dài suốt năm 2020. Trước khi Covid-19 lan rộng, tháng 1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với 2 triệu lượt. Từ cuối tháng 3/2020, khi dịch bùng phát, hoạt động du lịch quốc tế đã đình trệ đến nay.

Trước những nguy cơ dịch diễn biến khó lường, Bộ VHTTDL thực hiện nghiêm chỉ thị số 16/CT-TTg và chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bộ chỉ đạo hoãn và lùi thời gian tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch, đảm bảo các biện pháp an toàn về phòng, chống dịch.

Ngành Du lịch “tê liệt” trong nhiều tháng. Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp cũng như người lao động của ngành Du lịch, Bộ VHTTDL triển khai gấp rút hai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, ngay khi dịch có dấu hiệu được kiểm soát.

Chưa bao giờ, tình yêu với quê hương đất nước, niềm tự hào với cảnh sắc thiên nhiên trải dài khắp mảnh đất hình chữ S được ngợi ca, được truyền cảm hứng sôi nổi trên khắp mạng xã hội như năm 2020. Kế hoạch truyền thông cho du lịch Việt Nam với tiêu chí du lịch an toàn được Bộ VHTTDL thúc đẩy thành công. Nhà nhà kêu gọi “Người Việt đi du lịch Việt”, người người bày tỏ tình yêu, sự tự hào trước cảnh sắc khắp các vùng miền với slogan “đất nước mình đẹp lắm”.

V.League,  Tiec trang mau,  Du lich Viet anh 1

Câu chuyện “Người Việt đi du lịch Việt Nam” truyền cảm hứng trong suốt năm 2020. Nhiều người bày tỏ tình yêu, niềm tự hào với cảnh sắc thiên nhiên đất nước.

Trước làn sóng “Người Việt đi du lịch Việt Nam” truyền cảm hứng khắp mạng xã hội, các tỉnh thành, địa phương phát triển du lịch đã hưởng ứng nhiệt tình với nhiều phong trào kết hợp.

Đà Nẵng tổ chức chương trình “Danang Thank You 2020”, Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 “Kết nối lữ hành: Huế – Điểm đến an toàn và thân thiện”, Khánh Hòa tổ chức Chương trình gặp mặt kết nối doanh nghiệp kích cầu du lịch của tỉnh Khánh Hòa… Du lịch nội địa chuyển mình một cách thần kỳ giữa bối cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch.

Cũng giữa bối cảnh khó khăn của năm 2020, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á và thế giới, như: Điểm đến Di sản hàng đầu, Điểm đến Văn hóa hàng đầu và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu. Lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Qua đó, đã khẳng định thương hiệu, chất lượng của du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Bộ VHTTDL còn phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc lần thứ 9, cuộc thi clip quảng bá du lịch Việt Nam. Ra mắt bộ sản phẩm “Stay at home with Viet Nam” dành cho khách quốc tế. Xây dựng clip “Why not Viet Nam?” truyền thông trên kênh truyền hình CNN, CNBC… để thúc đẩy du lịch.

Tiến tới năm 2021, Bộ VHTTDL dự kiến triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa, xây dựng các phương án, chủ động đón khách du lịch quốc tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, phấn đấu phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, ước đạt tổng thu từ khách du lịch khoảng 337.000 tỷ đồng.

Những thông điệp có sức truyền cảm hứng như “Du lịch Việt Nam an toàn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2021.

V.League,  Tiec trang mau,  Du lich Viet anh 2

Những thông điệp “Đất nước mình đẹp lắm”, “Cần gì phải đi đâu khi đất nước mình đẹp đến thế”… được lan tỏa trong nỗ lực phục hồi ngành Du lịch nội địa.

Đồng thời, khi dịch được kiểm soát, Bộ VHTTDL lên kế hoạch phối hợp tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam online, kết nối doanh nghiệp (webinar) tới thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và ASEAN, để nhanh chóng phục hồi du lịch quốc tế.

Bảo tồn Di sản cũng là một cách khác để kích cầu phát triển Du lịch trong năm 2021. Bộ VHTTDL dự kiến hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững. Bộ cũng trình lên kế hoạch mở rộng danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể dự kiến cho phép lập hồ sơ đệ trình UNESCO trong thời gian tới.

Trong đó, hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đồng thời hoàn thiện hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” theo biểu mẫu mới trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những kế hoạch bị hủy bỏ của các giải đấu thể thao

Dịch Covid-19 đã thể hiện sức công phá mạnh mẽ vào thể thao thế giới suốt năm 2020 khi hầu hết giải đấu lớn đều phải hủy bỏ hoặc hoãn lại. Ở Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch, các hoạt động thể dục thể thao trên toàn quốc phải giảm về số lượng và quy mô. Việc lùi và hoãn tổ chức các giải đấu đã ảnh hưởng đến kế hoạch huấn luyện của các vận động viên.

Việc hoãn tập huấn và tham dự các giải thể thao quốc tế, đặc biệt là các cuộc thi vòng loại Olympic, Paralympic đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu vượt qua vòng loại, giành suất tham dự Đại hội của các vận động viên Việt Nam.

Những ngày đầu năm 2021, tuy diễn biến dịch bệnh còn phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, Bộ VHTTDL đã cho tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự vòng loại Olympic, Paralympic Tokyo, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 6, SEA Games 31 năm 2021 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.

V.League,  Tiec trang mau,  Du lich Viet anh 3

Giải V.League phải hoãn nhiều lần trong năm 2020 vì dịch.

Hiện, đã triệu tập 2.697 lượt vận động viên, 413 huấn luyện viên, 30 chuyên gia, 61 bác sỹ cho các đợt huấn luyện.

Cũng trong năm 2021, Bộ VHTTDL cho chuẩn bị kế hoạch tổ chức, điều hành các giải thể thao trong nước và quốc tế tại Việt Nam, tổ chức các lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo phối hợp tổ chức tốt V.League 2021 đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị cho đội tuyển Bóng đá tham dự các trận thuộc vòng loại World Cup khu vực châu Á và SEA Games 31.

Điện ảnh vươn dậy sau nhiều tháng tê liệt, rạp chiếu đóng băng

Cũng giống như Du lịch, Thể thao, và những hoạt động có tính cộng đồng khác, Điện ảnh Việt năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch. Các rạp chiếu đóng băng hoạt động suốt nhiều tháng. Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội tại nhà, nhiều người đã xây dựng thói quen xem phim trên các nền tảng trực tuyến. Bởi vậy, ngay cả khi dịch được kiểm soát, rạp chiếu mở cửa trở lại, rất đông khán giả vẫn e dè, thậm chí đã “bỏ quên” thói quen đến rạp xem phim.

Hầu hết dự án phim đình trệ hoạt động sản xuất, lùi ngày ra rạp suốt 10 tháng đầu năm 2020. Đến cuối năm 2020, những bộ phim như Ròm, Tiệc trăng máu rục rịch trở lại, bứt phá thành công, và mang đến hy vọng mới cho sự phục hồi của phim Việt.

V.League,  Tiec trang mau,  Du lich Viet anh 4

Phim Việt đã nỗ lực vượt qua khó khăn sau một năm gần như đóng băng vì dịch.

Để tạo môi trường làm việc, sản xuất với hành lang kiểm duyệt cụ thể cho các nhà làm phim Việt, năm 2020, Bộ VHTTDL tập trung xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ban hành Đề án quảng bá thương hiệu quốc gia với hoạt động Liên hoan Phim Việt Nam và Đề án tổ chức Liên hoan Phim giai đoạn 2021-2030.

Bộ cũng hoàn thiện các quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung quy trình và định mức kinh tế – kỹ thuật trong lĩnh vực điện ảnh.

Bên cạnh đó, Bộ đang tiến tới hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Xây dựng hồ sơ đề xuất gia nhập các Hiệp ước về quyền tác giả, Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường bảo vệ quyền tác giả trên không gia mạng.

Những điều luật về quyền tác giả sẽ tạo môi trường thúc đẩy sự phát triển sáng tạo cá nhân cho các nghệ sĩ, trong từng lĩnh vực nghệ thuật.

Nguồn: News.zing.vn