Sở hữu 3.400 tỷ USD, các nhà đầu tư mua tài sản trong dịch Covid-19?

0
6
dau tu trong dich Covid-19 anh 1

Không lao đầu vào chứng khoán, các quỹ đầu tư toàn cầu đổ tiền mua khách sạn, hệ thống đường ống dẫn dầu, chuỗi cửa hàng tiện lợi hay trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Bloomberg, trong giai đoạn dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu, rất nhiều quỹ đầu tư và hưu trí, hãng quản lý tài sản không đổ tiền vào thị trường chứng khoán bất chấp việc giá cổ phiếu liên tục tăng vọt. Giới đầu tư tỏ ra thận trọng bởi họ hiểu giá cổ phiếu tăng một phần vì chính phủ Mỹ duy trì lãi suất cực thấp và các ngân hàng trung ương liên tục kích thích kinh tế.

Các chương trình này sẽ sớm kết thúc trong thời gian tới. Định giá của các công ty phình to, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và y tế. Không ít nhà đầu tư lo ngại nguy cơ giá cổ phiếu sẽ lao dốc lần thứ hai sau khi các gói kích thích thích kinh tế hết hiệu lực.

Trả lời Bloomberg, CEO Lim Chow Kiat của GIC Pte – quỹ đầu tư quốc gia của Singapore – cho biết đang xem xét đầu tư vào các lĩnh vực “ít được quan tâm” như bán lẻ và cơ sở hạ tầng. Định giá của doanh nghiệp thuộc những ngành này lao dốc mạnh trong dịch Covid-19.

Theo Sovereign Wealth Fund Institute, GIC Pte quản lý hơn 450 tỷ USD. Trong năm nay, quỹ này cùng một nhóm nhà đầu tư mua 49% cổ phần ADNOC Gas Pipelines với giá 10,1 tỷ USD. Tháng trước, GIC Pte hợp tác với Charter Hall – hãng bất động sản Australia – để mua lại hơn 200 cửa hàng tiện lợi kèm cây xăng với giá 500 triệu USD.

dau tu trong dich Covid-19 anh 1

Andrew McCaffery, Giám đốc Đầu tư Fidelity International, cho biết quỹ này sẽ đầu tư vào trái phiếu của các nhà sản xuất ôtô. Ảnh: Investment Week.

Giám đốc Đầu tư Jeffrey Jaensubhakij của GIC Pte nhận định ngay cả các lĩnh vực đang khủng hoảng như dịch vụ du lịch – nhà hàng khách sạn cũng có thể phục hồi khi các nước nới lỏng giãn cách xã hội. “Khi dịch được kiềm chế, du lịch nội địa sẽ tăng mạnh dù du lịch quốc tế gặp khó khăn. Đó là cơ hội để ngành nhà hàng khách sạn tăng trưởng trở lại”, ông nói.

Chuyên gia Didier Borowski thuộc Amundi SA – công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu (khoảng 1.900 tỷ USD) – cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới rồi sẽ được dỡ bỏ, thương mại sẽ dần phục hồi. Dù vậy, các ngành dược và y tế sẽ chuyển dây chuyền sản xuất một số mặt hàng chủ chốt để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc

Trong khi đó, Standard Life Aberdeen Plc đầu tư vào Thule Group AB, một hãng sản xuất giá để xe đạp và thùng chở hành lý ở Thụy Điển. “Không thể du lịch nước ngoài, mọi người lái xe du lịch trong nước”, ông Will James – đại diện Standard Life Aberdeen – giải thích. Ông cũng cho rằng cổ phiếu hàng không có thể sẽ “tăng vọt” nếu ngành dược sản xuất được vaccine chống Covid-19.

ÔngAndrew McCaffery – Giám đốc Đầu tư Fidelity International, hãng quản lý 437 tỷ USD – dự đoán trái phiếu của các công ty sản xuất ôtô sẽ trở nên hấp dẫn khi sản xuất phục hồi, bởi người tiêu dùng sẽ sử dụng xe nhiều hơn, tránh phương tiện giao thông công cộng đông đúc.

AustralianSuper – quỹ hưu trí lớn nhất Australia, quản lý 133 tỷ USD – giảm sở hữu bất động sản, tín dụng khi dịch Covid-19 bùng nổ. Giờ quỹ này đổ tiền vào hạ tầng kỹ thuật số, giao thông và xã hội. Giám đốc Đầu tư Mark Delaney cho biết hãng cũng sẽ rót vốn vào các dự án năng lượng tái tạo.

“Đầu tư vào môi trường sẽ mang về kết quả tuyệt vời trong dài hạn. Chính phủ các nước sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và khiến nền kinh tế chủ động hơn, môi trường sẽ đáng được lưu tâm”, ông Mark Delaney nói.

Nguồn: News.zing.vn