‘Sẽ làm mọi cách để người Việt du lịch trong nước nhiều hơn’

0
16

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết hạ tầng du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu cao của khách nội địa.


Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết hạ tầng du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu cao của khách nội địa.

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Kéo theo đó là khó khăn của các ngành khác như vận chuyển, hàng không, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí.

Ngay sau khi bước đầu khống chế thành công dịch Covid-19, Chính phủ đã cho phép di chuyển bình thường bên trong nội địa, tạo điều kiện mở cửa trở lại ngành du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa đưa ra chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Nhân dịp này, Zing có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) về việc kích cầu du lịch dựa vào khách nội địa.

Khách nội địa có thể giúp phục hồi du lịch?

– Theo ông, điều gì là quan trọng nhất lúc này để kích cầu du lịch?

– Ngay trong dịch, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều kịch bản để sau khi dịch được khống chế có thể phục hồi du lịch nội địa. Sau khi Thủ tướng cho phép du lịch nội địa, chúng tôi đã tham mưu Bộ kích cầu du lịch nội địa, chủ đề là “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Hoạt động này được ủng hộ mạnh mẽ từ các địa phương, hãng lữ hành, hãng hàng không, hãng vận chuyển, các điểm tham quan vui chơi giải trí, hiệp hội… Theo tôi, để thu hút được khách nội địa, cần phải thực hiện một số việc sau.

'Se lam moi cach de nguoi Viet du lich trong nuoc nhieu hon' hinh anh 1 khanh_zing.jpg

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh. Ảnh: Hiếu Công.

Thứ nhất, cần có nghiên cứu rất cụ thể về khách du lịch nội địa. Từ trước đến nay chủ yếu chúng ta nghiên cứu đến thị trường khách quốc tế là chính, còn du lịch nội địa chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng. Chúng tôi phải đổi mới, phải nghiên cứu hơn nữa thị trường khách nội địa, từ đó đề xuất những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của khách.

Thứ hai là vấn đề giá cả. Rõ ràng để cạnh tranh khách quốc tế và khách nội địa, giữ chân khách, khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, thì giá cả là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, giá cả phải là yếu tố song hành cùng chất lượng dịch vụ.

Không có nghĩa giảm giá mà lại giảm chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp tham gia kích cầu phải đạt được mục tiêu này

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Không có nghĩa giảm giá mà lại giảm chất lượng dịch vụ. Đây là nội dung xuyên suốt mà các doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp tham gia kích cầu phải đạt được mục tiêu này.

Thứ ba là cung cách phục vụ. Đối với thị trường khách du lịch nội địa, để phục hồi và phát triển, chúng tôi cho rằng thái độ phục vụ tại các đơn vị cung ứng cần chuyên nghiệp hơn, có thái độ thân thiện hơn. Đây là dịp làm mới hình ảnh đối với khách du lịch nội địa.

Song song đó, cung cách đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ môi trường cũng là vấn đề mà Tổng cục Du lịch đề nghị các đối tác trong quá trình xây dựng các chương trình kích cầu.

– Nếu chỉ dựa vào khách nội địa mà không có khách quốc tế, liệu có phục hồi được ngành du lịch?

– Chúng tôi cho rằng phát triển du lịch là phải đa dạng hóa thị trường khách và có những định hướng chiến lược lâu dài phát triển từng dòng khách. Cho đến lúc này, chúng ta cần phải khôi phục lại du lịch nội địa, khuyến khích đi du lịch trong nước khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Trong thời điểm ban đầu nhiều người còn e ngại. Nhưng khi kiểm soát dịch rất tốt, chúng tôi cũng đề nghị các tụ điểm, nơi cung ứng dịch vụ du lịch phải công bố đảm bảo an ninh, an toàn trong phòng chống dịch, trong điều kiện an ninh, an toàn khác. Tôi nghĩ rằng du lịch nội địa sẽ tốt.

Trước mắt, chúng ta sẽ làm mọi cách để người Việt Nam sử dụng các dịch vụ, đi lại trong nước ngày càng du lịch nhiều hơn.

“Sẽ dề xuất Chính phủ các gói kích cầu”

– Mỗi năm có khoảng 12-14 triệu lượt người Việt Nam du lịch nước ngoài. Vậy chúng ta có biện pháp gì để thu hút đối tượng này, nhằm cân đối lại lượng khách quốc tế hiện nay?

– Trong lúc này, điều kiện du lịch trong nước và các chương trình kích cầu hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của khách.

Về cơ sở hạ tầng du lịch, Việt Nam không thua kém gì nước ngoài, đặc biệt là các cơ sở lưu trú. Chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ du lịch trong nước thời gian qua đã được cải thiện đáng kể. Do đó, chúng ta dần dần sẽ lấy được niềm tin của khách nội địa.

– Chính phủ một số nước đã phát voucher để kích cầu cho người dân đi du lịch. Việt Nam có thực hiện điều tương tự hay không, hoặc có biện pháp tài chính nào thay vì chỉ kêu gọi kích cầu?

– Tổng cục Du lịch đóng vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi không thể có hỗ trợ về mặt tài chính, mà sẽ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách. Chúng tôi sẽ phất ngọn cờ để các doanh nghiệp, lữ hành, khách sạn, hàng không, các hãng vận chuyển, khu vui chơi giải trí, lập các nhóm liên minh, lập các nhóm kích cầu tại các khu vực, tại các vùng, miền, tại điểm cụ thể.

Chúng tôi sẽ phát huy là vai trò trụ cột và có đề xuất Chính phủ các gói kích cầu du lịch, để người dân có thể tham gia nhiều hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Chúng tôi sẽ phát huy là vai trò trụ cột và có đề xuất Chính phủ các gói kích cầu, đặc biệt là kích cầu du lịch, để người dân có thể tham gia nhiều hơn. Có thể hỗ trợ bằng hình thức phiếu đi du lịch.

Trước đây, một số khách đã đặt các tour du lịch rồi, nhưng do dịch bệnh không đi được. Thay vì hủy, hoàn trả, chúng ta thay thế bằng phiếu đi du lịch này, có thời hạn 12-18 tháng. Khách có thể dùng đi lại trong nước và tham gia các chương trình du lịch.

Khi nào mở cửa lại khách quốc tế?

– Để doanh nghiệp có nguồn lực giảm giá hơn nữa các gói kích cầu, Tổng cục có đề xuất chính sách hỗ trợ gì thêm?

– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có 2 văn bản gửi Chính phủ kiến nghị, đề xuất hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch để phục hồi và phát triển lại hoạt động kinh doanh của mình. Chúng tôi cũng đang hướng đến các gói kích cầu của Chính phủ như gói tài khóa, tài chính và an sinh xã hội. Ba nhóm đề xuất đều hướng tới 3 gói này, trong đó có giãn, hoãn các khoản nợ và vay, giảm thuế đất, đặc biệt là giảm giá điện.

Tuy nhiên, chúng tôi mong các chính sách đã được han hành, đến lúc đưa vào thực tế cần triển khai nhanh hơn nữa, để doanh nghiệp vượt qua được khó khăn này.

– Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL nghiên cứu điều kiện để từng bước đón khách quốc tế trở lại. Theo ông, đâu là thời điểm chín muồi để mở cửa?

– Thủ tướng đã giao Bộ VHTTDL chuẩn bị để khi có điều kiện thuận lợi sẽ mở cửa đón lại khách du lịch quốc tế. Tôi cho rằng chủ trương này rất trúng. Tôi cũng mong dịch bệnh sớm được kiểm soát trên thế giới, đặc biệt là các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Chúng ta có thể công nhận lẫn nhau kết quả kiểm tra đảm bảo y tế. Từ đó, cho phép dần dần việc mở cửa trở lại.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Hiện tại, một số thị trường khách trọng điểm của Việt Nam đã có tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt như Việt Nam. Chúng ta có thể thông qua hình thức công nhận lẫn nhau, kết quả kiểm tra đảm bảo y tế. Từ đó, cho phép dần mở cửa trở lại.

Ví dụ sử dụng qua công nghệ thông tin, ứng dụng QR code, hoặc cùng một bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe giống nhau, có thể công nhận lẫn nhau giữa các nước. Có thể cho phép công dân của nước ngoài đủ điều kiện như vậy có thể tiếp cận dần du lịch.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện chống dịch trên toàn thế giới, bởi nó đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Nguồn: News.zing.vn