Các bãi biển du lịch Đà Nẵng bắt đầu đông đúc khi người dân và du khách quay trở lại – Ảnh: TẤN LỰC
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp, điểm đến tại Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng sản phẩm, dịch vụ từ sau đợt dịch trước và tất cả cùng chờ đợi dịch bệnh qua đi để hoạt động trở lại. Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết đã có nhiều doanh nghiệp hội viên đăng ký đón khách trở lại.
Mở cửa nhưng có kiểm soát
Trước mắt, việc mở cửa ngành du lịch sẽ dựa theo tiến độ kiểm soát dịch bệnh, ưu tiên đặt sự an toàn của du khách lên trên hết. Ngành du lịch sẽ triển khai chương trình người Quảng Nam, Đà Nẵng du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng.
Tới nửa đầu tháng 10-2020, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, sẽ mở rộng ra phục vụ thị trường khách miền Trung – Tây Nguyên trước khi hướng tới thị trường khách du lịch hai đầu Hà Nội, TP.HCM.
Theo ông Dũng, một số chuyến bay đi/đến Đà Nẵng đã hoạt động trở lại và bắt đầu có lượng du khách đầu tiên. “Dù doanh nghiệp Đà Nẵng đang rất cần khách nhưng các cơ sở du lịch sẽ không mở ra đồng loạt cùng lúc mà xem xét mở cửa căn cứ trên tiến độ khách. Khách tăng đến đâu, ngành du lịch mở cửa đến đó”, ông Dũng nói.
Ông Lê Văn Sơn – phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) – cũng cho biết địa phương này sẽ phối hợp với các hãng hàng không xây dựng chương trình thu hút khách quốc tế nhằm phục hồi các đường bay quốc tế đến Cam Ranh.
“Trước mắt các doanh nghiệp du lịch cần phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, chất lượng cơ sở, dịch vụ, đưa ra nhiều gói khuyến mãi đón khách trở lại. Chúng tôi đang đề nghị tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đề xuất các gói khuyến mãi cho khách trong và ngoài tỉnh” – ông Sơn nói.
Phải tạo ra sự khác biệt
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch cũng đã bắt đầu nối lại hoạt động kích cầu. Ông Lê Hải Phúc – giám đốc làng du lịch sinh thái Ông Đề (huyện Phong Điền, Cần Thơ) – nói cần đẩy mạnh hơn nữa việc tạo ra sự khác biệt, các gói sản phẩm mới lạ để thu hút du khách.
Một trong những sản phẩm độc đáo đó là việc làng du lịch sẽ tổ chức ngày hội bánh dân gian Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô khoảng 50 gian hàng, kéo dài từ ngày 24 đến 27-9.
Tại đây sẽ quy tụ các sản phẩm bánh dân gian của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer và sẽ diễn ra cả ban đêm. Ngoài ra, làng du lịch cũng tạo điều kiện cho du khách tham quan qua các gói combo như gói dành cho học sinh chỉ 159.000 đồng gồm vé vào cổng, thuê áo bà ba, ăn uống, tắm hồ bơi và chơi tất cả các trò chơi dân gian; gói combo cho sinh viên vào đốt lửa trại ban đêm…
Ông Nguyễn Khánh Tùng, giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho biết để thu hút du khách, trước hết phải cho du khách thấy được các điểm đến tại địa phương là an toàn dịch bệnh, kèm theo đó là những sản phẩm du lịch mới. “Chúng tôi sẽ tính tới việc nối lại các hoạt động giới thiệu sản phẩm mới này như các sản phẩm mới ở cồn Sơn, căn nhà màu tím ở Cái Răng…”, ông Tùng nói.
Chờ chính sách đột phá
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel, cho biết thị trường du lịch đang cần những cú “đấm” thật sự mới đẩy lên được. Trước đó, một số công ty du lịch cũng đã khôi phục các hoạt động bị tạm ngưng vì ảnh hưởng dịch. Tại một số doanh nghiệp như Vietravel, TST, Lữ hành Saigontourist…, một số đoàn khách với số lượng từ 200 – 300 khách đã lên đường, bên cạnh nhóm khách gia đình, khách lẻ.
“Chúng tôi vừa khởi động đợt 2 với đoàn khách trên 300 người đến Côn Đảo. Với 12 xe ôtô 45 chỗ, mỗi xe đảm bảo số lượng khách chỉ 25 thành viên. Khách được chia thành 12 nhóm, đảm bảo giãn cách theo quy định. Các hoạt động du lịch lúc này cần được đề cao tính an toàn” – ông Nguyễn Minh Mẫn, phụ trách marketing Công ty du lịch TST, cho biết.
Sở Du lịch TP.HCM cũng đang lấy ý kiến, đề xuất chính sách miễn phí vé tham quan tại các điểm tham quan trên địa bàn, kèm theo đó là chính sách hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước để các điểm tham quan này duy trì hoạt động trong những tháng cuối năm nay. “Các doanh nghiệp trong ngành đang rất khó khăn, cần được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ tài chính”, đại diện đơn vị này nói.
N.BÌNH
Cảng Thaco Chu Lai sẽ được tổ chức một luồng riêng để đón tàu du lịch – Ảnh: B.D.
Khách sạn “nóng lòng” đón khách cách ly
TP.HCM đã có 23 khách sạn từ 3 – 5 sao sẵn sàng đón khách cách ly có thu phí, trong đó 8 khách sạn với hơn 1.000 phòng đã có khách từ hơn một tháng qua. Nhiều khách sạn cũng kỳ vọng công suất phòng sẽ cải thiện phần nào khi Việt Nam nối lại một số đường bay quốc tế.
Đại diện một khách sạn đang đón khách quốc tế đến cách ly có thu phí cho biết bắt đầu đón khách từ ngày 15-8 vừa qua và lượng booking (đặt phòng) vẫn đang tăng mỗi ngày, thậm chí đã có khách cho đến cuối tháng 10.
“Phần lớn số khách này là chuyên gia, người lao động, nhà đầu tư nước ngoài vào VN làm việc”, vị này nói, đồng thời cho biết khách sạn sẵn sàng đón thêm một lượng khách quốc tế đến lưu trú, thực hiện cách ly nếu TP.HCM nối lại các đường bay quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Thắng – phòng quản lý khách sạn Sở Du lịch TP.HCM, việc “trưng dụng” các khách sạn trung tâm làm điểm cách ly có thu phí là một trong những giải pháp giúp khách sạn duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh khách quốc tế chưa thể trở lại Việt Nam. “Sở Du lịch TP tiếp tục báo cáo cập nhật số lượng, tình trạng đăng ký phòng tại các khách sạn trên định kỳ hai lần mỗi tuần cho các đơn vị liên quan theo dõi, điều phối”, bà Thắng cho biết.
NHƯ BÌNH
Quảng Nam mở cảng đón tàu du lịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trí Thanh – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết thủ tục cấp phép tuyến tàu du lịch kết nối 3 cụm đảo gồm Cù Lao Chàm – Tam Hải – Lý Sơn (Quảng Nam – Quảng Ngãi) đã được trình Bộ Giao thông Vận tải. Địa phương này cũng đang gấp rút các hồ sơ pháp lý cần thiết cho kế hoạch mở liên tiếp 3 cảng đón tàu du lịch.
“Đây là bước đột phá trong tư duy làm du lịch liên kết vùng, khai phóng tiềm năng du lịch dọc biển miền Trung, tận dụng một vệt biển trải dài đầy hứa hẹn và nhiều điểm tham quan gần bờ” – ông Thanh nói.
Quảng Nam đã đưa vào quy hoạch 3 bến tàu du lịch, trong đó có 2 bến tàu được xây dựng mới và 1 bến sẽ được chuyển đổi công năng, nâng cấp lên một luồng để phục vụ đón tàu du lịch hạng sang. “Chúng tôi đã làm việc với Quảng Ngãi để hình thành tour tham quan 3 cụm đảo gồm Cù Lao Chàm – Tam Hải – Lý Sơn. Tất cả sẽ được bắt đầu vào mùa hè năm tới” – ông Thanh khẳng định.
Theo ông Phan Xuân Anh – chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt (TP.HCM), sau chuyến khảo sát dọc vệt biển miền Trung, ông rất bất ngờ với địa thế của cảng Chu Lai và tự đặt câu hỏi vì sao chưa tận dụng cảng này để đón tàu du lịch.
“Là đơn vị chuyên tổ chức tàu du lịch biển, tôi cho rằng Quảng Nam đã bỏ phí một mỏ vàng khi có thể biến Chu Lai thành điểm trung chuyển của du lịch biển miền Trung” – ông Anh nói.
T.BÁ DŨNG
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn