Sa Pa chưa bao giờ khổ thế, đại gia trắng đêm lo tắm rửa cho khách

0
17
Sa Pa chưa bao giờ khổ thế, đại gia trắng đêm lo tắm rửa cho khách

Do thiếu nước gần 10 ngày nay, các chủ nhà nghỉ, khách sạn ở Sa Pa phải ‘cắn răng’ mua nước sạch với giá 300 – 500 nghìn đồng/khối để giữ chân khách du lịch.

Video: Thiếu nước ở Thị trấn Sa Pa

[kdn-iframe src=”https://embed.vietnamnettv.vn/v/157537.html” width=”560″ height=”315″ frameborder=”0″ allowfullscreen=””]browser not support iframe.[/kdn-iframe]

Ngày 23/4, thiếu nước đang là vấn đề được nhiều người dân Sa Pa nhắc đến trong các cuộc trò chuyện. Khi có mặt tại một khách sạn đối diện chợ Sa Pa, chúng tôi ghi nhận lối vào khách sạn này la liệt dây dẫn nước.

Nam lễ tân của khách sạn này cho biết, tình trạng thiếu nước diễn ra tại đây đã gần 10 ngày nay. Vì vậy các khách sạn, nhà nghỉ tại đây phải mua nước từ các xe tải chở từ dưới TP Lào Cai lên bán.

‘Mấy ngày nay, các xe chở téc nước đi lại ở thị trấn liên tục để cung cấp nước cho khu vực này. Giá nước bán ra giao động từ 300 – 500 nghìn đồng/khối. Tôi mua người quen là 200 nghìn đồng/khối’. Mỗi ngày khách sạn này dùng hết khoảng 10 khối nước.

Chị Ngô Thị Vấn (chủ một khách sạn ở Tổ 7, Thị trấn Sa Pa) cho biết: ‘Khách sạn có 13 phòng nhưng chúng tôi phải từ chối nhiều khách đặt phòng vì thiếu nước. Với những khách đang sử dụng phòng, chúng tôi phải nói khéo để khách chỉ dùng nước cho việc vệ sinh, rửa mặt mũi và hạn chế việc tắm, giặt’.

Sa Pa chưa bao giờ khổ thế, đại gia trắng đêm lo tắm rửa cho khách
Thiếu nước đang là nỗi lo của các hộ kinh doanh tại Sa Pa

‘Thậm chí mấy ngày trước, khách đang ở nhưng bị thiếu nước, vợ chồng tôi phải cấp tốc gọi người đưa nước đến. Giá 1 triệu đồng cho 2 khối’.

Để khắc phụ tình trạng trên, giảm bớt chi phí, vợ chồng này phải thuê ô tô, thuê người lái, mua bạt đến tận điểm có nước để mua với giá 50 nghìn đồng/khối. ‘Tính ra chúng tôi tự mua sẽ mất 200 nghìn/khối, tiết kiệm được hơn so với việc gọi người đưa đến tận nơi’, chị Vấn nói.

Việc này gây ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh. Chị Vấn kể, khách gọi điện đặt phòng dịp lễ 30/4 và 1/5, câu đầu tiên họ hỏi là: ‘Khách sạn đủ nước không?’. Chưa bao giờ Sa Pa xảy ra tình trạng như vậy’, chủ khách sạn này kể lại.

Chị Vấn đã phải bỏ ra 7 triệu đồng để mua nước cho 2 dịp Giỗ tổ 10/3 và nước dự trữ cho dịp 30/4 tới đây.

Tuy nhiên việc mua nước cũng không hề dễ dàng. ‘Chúng tôi phải thuê xe đi mua nước ban đêm vì đường vào đây là đường 1 chiều, vào ban người thường xảy ra tình trạng tắc đường’, chị Vấn nói thêm.

6 giờ tối, vợ chồng chị thuê xe, đổ xăng sau đó đi mua nước ở một gia đình tại bản Cát Cát (Thị trấn Sa Pa). Xếp hàng chờ đợi từ 6 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau, họ mới được 4 chuyến, mỗi chuyến 1,5 khối.

‘Dọc phố này hầu như nhà nào cũng mua, có nhà mua lên đến chục triệu tiền nước’, chị nói. ‘Các nơi khác đều có nước luân phiên theo giờ cố định trong ngày nhưng ở phố này, mấy hôm nay, không có một giọt nào’, chủ một khách sạn khác ở khu vực này nói.

Anh Hoàng Danh Tùng, chủ khách sạn ở Tổ 7, cũng khốn đốn vì tình trạng thiếu nước kéo dài. ‘Mấy hôm trước, chúng tôi dùng nước dự trữ (khách sạn này có bể hơn 30 khối) nhưng 4-5 hôm nay phải mua nước hoàn toàn. Ngày hôm qua, chúng tôi phải chi 3 triệu đồng tiền nước cho chưa đến 10 khối. Tối nay chúng tôi lại mua tiếp”.

Sa Pa chưa bao giờ khổ thế, đại gia trắng đêm lo tắm rửa cho khách
Các nhà nghỉ, khách sạn phải tận dụng tất cả dụng cụ để dự trữ nước

Trong vòng mấy ngày gần đây, chủ khách sạn này đã chi hơn 10 triệu đồng việc mua nước. ‘Khách nào đã đặt tiền thì chúng tôi chấp nhận mua nước để phục vụ nhưng khách mới đặt thêm phòng, chúng tôi phải từ chối. Dịp lễ 30/4 chúng tôi vẫn nhận khách nhưng đang cố gom nước để dự trữ. Nhưng việc mua nước cũng không dễ dàng, sáng nay chúng tôi gọi điện thoại nhưng hộ kinh doanh nước nói chưa chở được, tối mới chở’, anh Tùng nói thêm.

Khách sạn này có 25 phòng, lượng nước cần rất lớn. Thậm chí họ phải dặn khách tắm trước khi đến. Nước rửa bát, lau nhà phải yêu cầu nhận viên khách sạn xuống khe gần đây hứng về đây để sử dụng.

‘Mỗi tháng chúng tôi chi trả khoảng 2.5 -3 triệu đồng cho hóa đơn nước nhưng 4 ngày gần đây đã mất 10 triệu đồng tiền nước’, anh Tùng chán nản cho biết.

‘Chúng tôi không nhận được thông báo về việc mất nước. Nếu biết trước, gia đình tôi sẽ có phương án dự trữ, sử dụng hợp lý tránh ra tình trạng bị động như thế này’, ông chủ này nói thêm.

Mặc dù mua nước giá cao nhưng khách sạn này chấp nhận bởi họ sợ ảnh hưởng đến uy tín của việc kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi năm chỉ có vài dịp khách đông như nghỉ lễ 30/4, họ bắt buộc phải hoạt động để có doanh thu.

‘Có khách vào ở rồi nhưng thiếu nước, họ lại quay ra. Khách sạn bên cạnh gia đình tôi có khách đặt phòng, cầm tiền rồi nhưng vẫn phải hủy, trả tiền cho khách vì không có nước. Không phải chúng tôi không muốn mua nước mà mua cũng rất khó khăn’, anh Hoàng Danh Tuấn nói thêm.

Đại diện Chi nhánh cấp nước Thị trấn Sa Pa cho biết: ‘Thị Trấn có 5 nguồn cung cấp nước là Thác Bạc, Cầu Pha, Cây Năm, Suối Hồ 1 và 2. Nguồn nước tốt nhất hiện nay là Suối hồ 2.

Nguyên nhân thiếu nước là do các hộ dân tộc canh tác nông nghiệp vào mùa làm lúa, họ cần nước tưới tiêu vì thế các hộ ở đây chặn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, gây thiếu nước cung cấp cho Thị trấn Sa Pa’. 

Hiện công tác thiếu nước đang được khắc phục.

Ngọc Trang – Diệu Bình

Nguồn: Vietnamnet.vn