Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp. Nếu không giải quyết sẽ khó khăn cho đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh việc chống dịch, vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp. Nếu không giải quyết sẽ khó khăn cho đất nước.
Buổi sáng 1/4, đường phố ở TP.HCM, Hà Nội vắng vẻ. Những đoạn đường, nút giao vốn được xem là “điểm đen” về ùn tắc giao thông đều trở nên thông thoáng.
Nếu 4 ngày trước, người dân được yêu cầu không tụ tập trên 10 người thì trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3, yêu cầu này trở nên nghiêm ngặt hơn khi hạn chế tập trung quá 2 người ở nơi công cộng.
Từ 0h hôm nay, lệnh “cách ly toàn xã hội” của Thủ tướng đã chính thức có hiệu lực. Dịch Covid-19 được công bố trên toàn quốc, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Là chỉ thị thứ 6 liên tiếp được Thủ tướng ban hành trong hơn 3 tháng qua, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến ngày 1/4, có hơn 846.000 người mắc, trên 41.000 người tử vong ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đánh giá, với diễn biến hiện nay, dịch bệnh có thể sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong Chỉ thị 16, khái niệm “cách ly tòa xã hội” lần đầu xuất hiện khiến nhiều người dân hoang mang. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định các giải pháp mới nhất mang tính “tiền khẩn cấp” để giãn cách xã hội, chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.
Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, chứ chưa phải phong tỏa, để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng; không phải là ngăn cấm giao thông mà chỉ hạn chế.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt.
Thủ tướng yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Về phía người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, phải chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Theo chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, UBND TP.HCM phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP.HCM).
Cần phải tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của Công ty Trường Sinh có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh.
Đồng thời, thực hiện cách ly tại gia đình, khai báo y tế để phân loại, xét nghiệm và cách ly tập trung nếu cần thiết đối với người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ tại từng gia đình.
“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nói và tái khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”.
Trước mối lo ngại lây nhiễm từ những người nhập cảnh chưa được sàng lọc, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và UBND cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kiểm tra y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của những người đã nhập cảnh từ 8/3 nhưng chưa áp dụng cách ly và lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần.
8 ngày trước, có 2 bệnh nhân mắc Covid-19 từ Campuchia về nước, đặt ra khả năng người Việt sẽ có xu hướng trở về. Do đó, để kiểm soát tốt tình hình, Thủ tướng đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 0h ngày 1/4 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Những người nhập cảnh về từ đây đều phải cách ly tập trung 14 ngày.
Từ chỉ thị “cách ly toàn xã hội”, Bộ GTVT yêu cầu tổng cục chỉ đạo các địa phương trong vòng 15 ngày từ 1/4 phải dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh, dừng hoạt động các xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt trong cả nước, trừ trường hợp đặc biệt (lý do công vụ, vận chuyển nhu yếu phẩm, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa).
Các bến xe khách tại địa phương cũng phải dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh.
Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục đường sắt Việt Nam trong 15 ngày tới, tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách địa phương, chỉ được khai thác 1 đôi tàu chặng Hà Nội – TP.HCM – Hà Nội. Tàu địa phương chở khách ra đảo cũng tạm dừng trong 15 ngày.
Với Cục Hàng không, Bộ GTVT yêu cầu giảm tần suất bay nội địa. Đường bay giữa Hà Nội – TP.HCM chỉ được phép khai thác 2 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Đường bay Hà Nội – Đà Nẵng và TP.HCM – Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Toàn bộ chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại phải tạm dừng cùng thời gian trên (từ 0h ngày 1/4).
Đại diện Bộ Y tế cũng đã báo cáo về các tình huống, cấp độ bùng phát của dịch và các kịch bản triển khai với mỗi tình huống, trong đó, lường trước cả tình huống xấu nhất.
Những ngày qua, trước lệnh hạn chế ra ngoài, cách ly toàn xã hội, rất nhiều người dân lo lắng đã tích trữ lương thực, thực phẩm. Thủ tướng giao Bộ Công Thương, UBND các địa phương phải bảo đảm hàng hóa, lương thực thiết yếu cho nhân dân.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức, sắp xếp, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, không để lây chéo; tăng cường quản lý đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn cho đội ngũ y tá, bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị tại những bệnh viện có bệnh nhân dương tính Covid-19.
Theo đó, tất cả người bệnh cùng nhân thân phải thực hiện khai báo yếu tố dịch tễ và các triệu chứng liên quan đến dịch Covid-19 trước khi vào khuôn viên bệnh viện. Ngoài ra, những trường hợp trên cần mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, đo thân nhiệt khi ra vào bệnh viện.
Lãnh đạo Sở Y tế TP đề nghị các bệnh viện cần bố trí hệ thống R.O di động để lọc máu tại khu vực cách ly. Nếu không có hệ thống R.O di động, bệnh viện cần có phòng cách ly riêng biệt tại khu vực lọc thận để thực hiện cho người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19.
Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, tuy nhiên nó đang diễn ra, tác động không nhỏ đến đời sống của mọi người dân. Một bộ phận lớn người lao động thất nghiệp, giảm thu nhập, đình trệ sản xuất…
Thấu hiểu điều này, tại cuộc họp chiều 31/3, ngoài ứng phó với dịch, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp.
“Đây là vấn đề cấp bách, vì mấy tháng qua, nhiều người khổ lắm, nhất là thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn”, Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ thấu hiểu được vấn đề này của người dân, công nhân, viên chức…
Nguồn ngân sách Trung ương và địa phương sẽ dành khoảng 28.000-30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các nhóm hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội và người có công; người lao động có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn nhất phải dừng kinh doanh, người lao động tự do, không có việc làm.
Hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ 3 tháng (tháng 4, 5, 6). Một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công nhận mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.
Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát, có tiêu chí hỗ trợ cụ thể theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ một bộ phận thực sự khó khăn, bị mất việc, không hỗ trợ cho tất cả các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.
Với người lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương, giảm thu nhập, mức hỗ trợ dự kiến 1,8 triệu đồng/người/tháng (tức 50% lương tối thiểu), trước mắt hỗ trợ 3 tháng 4, 5, 6.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn chi trả thêm tối thiểu 50% lương hàng tháng. Nếu doanh nghiệp không đủ nguồn để chi trả 50% lương tối thiểu cho lao động thì thực hiện vay Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam với lãi suất ưu đãi và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bổ sung nguồn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam.
Với hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh gặp khó khăn nhất do Covid-19, dự kiến mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng. Người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.
Với TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã xác định trong thời điểm dịch, 600.000 người mất việc hoặc 1 phần việc do dịch bệnh. Vì vậy, thành phố đã chủ động vận động cán bộ, viên chức giảm một nửa thu nhập tăng thêm để chia sẻ với những người đang gặp khó khăn.
“Chúng ta không mong tình huống xấu này xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì phải ứng phó chủ động hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nguồn: News.zing.vn