Không dừng ở việc phát triển những cây thế mạnh của địa phương, Quảng Ninh còn tăng cường tổ chức các lễ hội nông nghiệp như hội hoa Sở Bình Liêu, Hội Trà hoa vàng Ba Chẽ, thu hút du khách, phát triển kinh tế bền vững.
Hội Trà hoa vàng- đòn bẩy phát triển kinh tế Ba Chẽ
Ngày 5/1/2018, Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ với chủ đề “Rực rỡ Trà hoa vàng” sẽ chính thức diễn ra. Đây sự kiện lớn, quan trọng của huyện để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, trọng tâm là Trà hoa vàng; tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện. Đồng thời, là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, góp phần xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đến với Ba Chẽ.
Lễ hội trà hoa vàng được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 1/2016 đã mang lại những thành công bất ngờ khi thu hút hàng vạn người dân và du khách tham gia lễ hội. Lễ hội đã giúp Ba Chẽ không chỉ giới thiệu thành công đặc sản trà hoa vàng mà còn đem đến cho du khách những ấn tượng khó phai về một vùng đất giàu văn hóa lịch sử và sản phẩm nông nghiệp.
Giá trị của cây trà hoa vàng với những hợp chất quý hiếm có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu (mỡ máu). Ngoài ra, loại trà này còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hoà huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu… từ đó cũng được lan rộng.
Nhờ lễ hội, cây trà hoa vàng Ba Chẽ đã mở rộng thị trường ra những tỉnh khác ngoài thị trường truyền thống trong tỉnh và bán cho thương lái Trung Quốc.
Nhận thấy tiềm năng phát triển cây Trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ đã hoàn thành quy hoạch đến năm 2020 vùng trồng dược liệu trên 3.000ha, trong đó trồng cây Trà hoa vàng 500ha; phân bổ chủ yếu ở các xã Lương Mông (90ha); Minh Cầm (50ha); Đạp Thanh (130ha); Thanh Lâm (50ha); Thanh Sơn (120ha); Đồn Đạc (60ha). Hiện nay, diện tích toàn huyện đã trồng được trên 140ha, đạt 28,1% kế hoạch. Diện tích đã cho thu hoạch hoa trà đạt 50ha, lá trà trên 60ha.
Vào mùa hoa Trà nở rộ năm nay, huyện Ba Chẽ tổ chức Hội Trà hoa vàng lần thứ II – năm 2018. Tại hội Trà hoa vàng sẽ có nhiều hoạt động diễn ra như Liên hoan sản phẩm OCOP đặc trưng Ba Chẽ mở rộng năm 2018; trưng bày cây Trà hoa vàng và sinh vật cảnh; tham quan trang trại Trà hoa vàng; chương trình khai hội Trà hoa vàng; tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển du lịch huyện Ba Chẽ; công bố tuyến điểm du lịch huyện và công bố kết quả sáng tác lô gô huyện Ba Chẽ. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động liên hoan trò chơi dân gian, ẩm thực các dân tộc Ba Chẽ
Theo đại diện chính quyền địa phương, Hội Trà hoa vàng sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm tới để thu hút du khách tới Ba Chẽ, quảng bá hiệu quả thương hiệu Trà hoa vàng cũng như các đặc sản văn hóa, ẩm thực của địa phương này.
Hội hoa Sở Bình Liêu- thu hàng tỷ đồng từ du khách
Trải qua 3 năm tổ chức, Lễ hội hoa Sở Bình Liêu đã thực sự đánh thức được tiềm năng du lịch của mảnh đất được ví von như sống lưng rồng này.
Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2017, Bình Liêu đã thu hút gần 40.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 5.089 lượt. Ước tính doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 9 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với một huyện miền núi biên giới khi du lịch vẫn là một ngành kinh tế mới mẻ.
Con số du khách đến Bình Liêu mùa hoa Sở tháng 12/2017 sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều lần khi lượng khách đến ngắm hoa, lưu trú sẽ tăng vọt.
Một số du khách cho biết, nhờ các hoạt động như Hội hoa Sở, mùa lúa chín Bình Liêu… họ mới biết đến mảnh đất vùng Đông Bắc tổ quốc. Và tới đây, họ bất ngờ phát hiện ra một thiên đường có khí hậu trong lành, mát mẻ, văn hóa bản địa độc đáo… mà có đi cả năm vẫn chưa thấy chán.
Không chỉ dừng lại ở một cây công nghiệp giúp người dân xóa đói giảm nghèo, cây hoa Sở Bình Liêu đã khoác thêm tấm áo mới – biểu tượng du lịch của vùng đất này, như cách người ta nhắc tới tam giác mạch Hà Giang, hoa cải Mộc Châu hay hướng dương Nghệ An.
Chính UBND huyện Bình Liêu cũng đã đưa cây hoa, hội hoa Sở vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ở đó, cây hoa Sở cùng rất nhiều các cây nông nghiệp khác, cùng với văn hóa bản địa và nỗ lực của người dân với chính quyền địa phương sẽ thu hút được 54.000 lượt người tới Bình Liêu vào năm 2020 với tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 26,7 tỷ đồng. Và đến 2030, con số này sẽ tăng lên 650.000 lượt người với tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 554 tỷ đồng, đóng góp 20,3% GDP huyện.
Trong xu hướng phát triển nông nghiệp mới, Quảng Ninh tiên phong đi đầu khi khéo phát hiện và khai thác các tiềm năng du lịch từ các loại cây nông nghiệp địa phương kết hợp với quảng bá thương hiệu và giới thiệu bản sắc văn hóa.
D.Minh(tổng hợp)
Nguồn: Vietnamnet.vn